.

Muôn thuở tình cau!

Thứ Ba, 12/05/2015, 14:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Ôi! Muôn thuở tình cau! Cây cau trong ca dao, cổ tích, cây cau trong đời sống xã hội, cây cau trong quan hệ lứa đôi.  “Quả cau nho nhỏ...” tấm lòng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hương cau ngan ngát trong vô vàn nhạc phẩm của nhiều thời... Cau của hình tượng, cau của âm thanh, cau của kỷ niệm thời ấu thơ và cau của bà ngoại bỏm bẻm nhai trầu thấm đượm từng câu chuyện cổ, vỡ lòng cho con cháu bài học làm người như “Sự tích trầu cau”, khơi tỏ ngọn đèn dân gian về nhân tình thế thái.

Dẫu lạ, dẫu quen khi trở về với mỗi làng quê cũng cảm nhận rằng thật yên lòng, ấm dạ khi nhìn hàng bóng cau thanh thản, thon thả, thẳng tắp vươn cao, phả nhẹ hương thơm đậm đà mà khiêm tốn, dân dã mà ân tình như níu kéo, ôm ấp mỗi ai đang ở trong lòng quê kiểng. Bóng dáng ấy nay còn đâu! Họa chăng chỉ còn thưa thớt đó đây ở một vài làng quê với những nét chấm phá điểm trang bức tranh làng quê thời đổi mới, và cũng may mắn ở nhiều làng quê, buồng cau tròn đầy sung mãn, còn có vai trò trong lễ “chạm ngõ” lễ “cầu hôn”, ít nhiều khiến cho cau hiện hữu. Chẳng thể trách cứ gì, bởi cau đã hóa thân theo những lớp người “răng đen, môi hồng cắn chỉ”. Và, mẹ tôi cũng đã gói ghém miếng trầu, quả cau trong hành trang của một kiếp người để về cùng tiên tổ, cách nay cũng vừa tròn 15 năm.

Cau vườn Ảnh: T.H
Cau vườn nhà              Ảnh: T.H

Tôi nhớ mỗi lần từ Huế ra thăm mẹ ở thị trấn Việt Trung, thời Bình Trị Thiên chung tỉnh, lần nào cũng mang ra cho mẹ ít ra nửa buồng cau Nam Phổ “Quả cau nam Phổ, miếng trầu chợ Dinh” (ca dao cổ). Quả tròn lẳn, vỏ xanh mướt khiến tôi nao nao mường tượng như là những viên ngọc bích to lớn trời ban riêng cho lớp người cổ tích. Mẹ tôi mừng rỡ đón nhận món quà thiên nhiên mà tựa hồ như không còn cần gì khác nữa. Tôi cảm động và vui lây cái vui hồn hậu tự nhiên của mẹ và lòng cũng chợt xốn xang nghĩ về cái tuổi thọ rồi đây của cau và tuổi trời của mẹ tôi như một cặp phạm trù nay mai sẽ cùng về trong ký ức.

Mẹ chăm bẵm, nâng niu từng quả cau như nâng niu từng viên ngọc. Mẹ trân trọng, hồ hởi và cả tự hào trao biếu cho các cụ bà chòm xóm sang chơi mỗi người vài ba quả, loại cau được các cụ coi như “thượng hạng”, ruột mềm, vị ngọt, hạt thơm, kết với trầu, vôi ăn đượm đến tỉnh người, cho nước cốt đặc quánh, dẻo quẹo như thắng mật. Ai cũng hân hoan như được trao báu vật. Sung sướng biết nhường nào về một sản vật làm quà không mấy giá trị về bạc tiền mà nhận được một giá trị tinh thần lớn lao, quý giá đến vậy. Rồi từ những quả cau ấy mẹ tôi bửa sáu nó ra thành những miếng nhỏ nhắn, xinh xinh như những chiếc thuyền bé xíu xếp ngay ngắn bên nhau trong lòng một cái nong. Tôi nhìn những miếng cau sắc cạnh, đều tăm tắp xếp ngay thẳng bên nhau mà hình dung đến bến thuyền sông Nhật Lệ mỗi độ chiều về thuyền đầy ắp cá, neo đậu san sát bên nhau đợi bốc hàng lên bến. Cảnh tấp nập ngày xưa trù phú ấy sao mà da diết nhớ khôn nguôi, như nhớ những chiếc thuyền Cau đầy ắp tình yêu thương của mẹ xếp chật trên nong đợi nắng, khô khém để dành ăn sau này vậy.

Năm tháng qua đi, vạn vật đổi thay theo thế cuộc, đời sống ngày mỗi đủ đầy, mỗi sự đua tranh chỉ nhằm cho cái mới, cho ngày mai. Nào mấy ai đang độ sung sức, bươn chải, ngoái nhìn lại đằng sau, soi vào quá khứ để nhận lấy cho mình một báu vật của ông cha vô hình hay hữu chất, để làm điểm tựa tinh thần kiếm tìm cái mới, vun đắp tròn trịa lễ nhân sinh như quả cau thẳm xanh, như bóng cau mát rượi, như bóng mẹ già nua tựa cửa bỏm bẻm nhai trầu ngóng đợi cháu con xa quê về sum họp.

Ôi! Cây cau! Quả cau trong ca dao, cổ tích trong hôm nay sẽ mãi mãi tỏa bóng và hương thơm trong ký ức mỗi ai khi nhớ về làng quê, bản quán.

Văn Lợi