.

"Duy hữu độc thư cao"...

Thứ Sáu, 08/05/2015, 13:57 [GMT+7]

Cổ nhân nói: “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao thượng)

V.I. Lê Nin nói: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội”. Có người sẽ cự chăng: Ngày nay hòa nhập rồi, chủ nghĩa xã hội là định hướng thôi, chúng ta làm bạn với cả thế giới. Xin thưa, cả thế giới đang suy tôn nền kinh tế tri thức, mà không có sách thì không có tri thức. Chủ nghĩa tư bản lại càng cần sách vở. Thương trường như chiến trường, tranh đấu không khoan nhượng, học cái gì, ở đâu để giành chiến thắng đây nếu không phải từ trí tuệ nhân loại được kết tinh vào sách?.

Văn hóa đọc hiểu theo nghĩa cốt lõi là “Thói quen đọc”, không phải là tra cứu để tìm thông tin: Ai là tổng thống nước nọ nước kia? Hồ nước ngọt lớn nhất ở đâu? Hay bệnh sởi do virut gì gây ra?! “Văn hóa đọc” là như một thói quen tốt của một người, một tập thể, một cộng đồng dân cư. Thói quen này được thực hiện bất kỳ lúc nào, như bác xích lô ngồi chờ khách tay cầm một tờ báo, hành khách chờ tàu chúi mũi vào quyển sách, nhà lí luận nhà khoa học rỗi là đến thư viện, anh công chức ăn cơm xong miệng ngậm tăm tay cầm quyển sách lần giở tới trang hôm qua đọc dở... Nghĩa là một thói quen bất giác thực hiện như vô thức, hàng ngày không làm thì thấy nhớ, như cơm ăn nước uống, như lời chào xã giao khi gặp gỡ. “Văn hóa đọc”này chúng ta từng thấy ở Huế, ở Hà Nội, nay cũng đang phai nhạt dần trong tiết tấu sống nhanh.

Văn hóa này, 25 năm qua không thấy ở Đồng Hới, nay lại càng vắng ngắt. Thay vào đó là “văn hóa” trăm phần trăm! Bắc cạn! Đi hết, một hai ba zô zô! Là không say không về! là “không uống không hút là thứ mặc quần lụa, là bệnh viện không nhận chữa, chết đi cho xong” như lời rủa độc địa vẫn thường nghe trong các cuộc nhậu tới bến. Có thời, cái thời còn chủ yếu ăn uống bằng tiền chùa, đã có những cuộc thi uống nhanh, uống không được đi tiểu. Và, “tửu cực tắc loạn”, thay vì đọc được trang sách có giá trị con người cao thượng hơn bao dung hơn, thì các bợm nhậu lời qua tiếng lại rồi ma men dẫn lối mà lao vào nhau. Tôi đã từng ngồi đàm đạo dài dài với chị em ở thư viện mà chẳng thấy ai vào, đi lang thang hàng giờ trong hiệu sách Nguyễn Văn Cừ mà chẳng gặp người. Chừng hai năm trước đã diễn ra một cuộc chuyển giao ngoạn mục mà đau xót: Toàn bộ công ty phát hành sách Quảng Bình được nuốt chửng bởi một đại gia kinh doanh ngoài văn hóa.

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này trong cuộc sống thường nhật hiện nay? Có thể:

Thứ nhất: Người đời hướng sự tôn trọng sang tài sản vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần. Rất gần đây, tâm lí xã hội vẫn còn thói quen: Nhìn thấy một người to béo phương phi, giám đốc đấy, nhiều tiền lắm. Nhìn thấy người ngồi xe con, thủ trưởng đấy, rất đáng kính trọng...Kẻ xấu thấy kẽ hở lợi dụng ngay: Chúng thuê xe con, chọn kẻ béo tốt xách cặp da, khắc dấu giả đi các nơi, hót đủ kiểu. Nào là dự án sắp mở sẽ có đền bù, nào là xuất khẩu lao động lương cao, nào là...kiểu gì cũng thắng. Mãi tới hồi bị lừa nhiều quá, tâm lý này mới đỡ đi.

Lúc ấy, nếu có một người tay cầm quyển sách nói những đạo lý làm người, chắc thiên hạ sẽ cười mũi...
Thứ hai: Tiết tấu cuộc sống và nhu cầu hàng ngày tăng cao: xe có động cơ tràn ngập làm chết những tiếng võng, những lời ru, những làn điệu dân ca dìu dặt. Tốc độ giao thông càng tăng, những loại “Văn hóa bản sắc” này càng khó tồn tại trong đời thường. Sách, đọc từng chữ từng câu đọc xong một trang sách, người cưỡi xe có động cơ đã đi được vài chục cây số. Độc giả nghiền ngẫm xong một cuốn sách, bạn anh ta đã chạy xong một dự án mang lợi vài trăm triệu. Người đàn ông nào hấp dẫn hơn đây, hỡi các thiếu nữ xinh đẹp! Chắc các bạn sẽ nói rằng: Người đàn ông lý tưởng phải là người vừa biết đọc sách vừa biết chạy dự án. Khó lắm đấy. Đạo lý trong trang sách tốt sẽ ngăn anh ta làm những việc cần thiết để có dự án. Mặc dù chính những điều trong trang sách tốt sẽ giữ anh ta không bao giờ vướng vòng lao lý, con cái ít có cơ hội nghiện ngập. Nhưng, đó là kết quả vô hình. Còn đây, giá trị hữu hinh, nhà lầu xe hơi. Sách là cái gì, chỉ còn là sản phẩm đáng thương.

Chưa nói tới những ví dụ thậm xưng trên đây, một người nằm đọc sách khi mà  đứa con chưa có tiền đóng học phí, người vợ liệu có giữ được bình tĩnh để không tru tréo lên! Một trăm thứ cần đến tiền mỗi ngày khiến con người ta không-còn- thời-gian- và-sức-lực, không- còn- hứng-thú-cầm-tới-quyển-sách. Cũng còn có một lớp người còn cơ hội đọc sách. Đó là các vị hưu trí, mà phải là hưu trí không có vườn cơ, suốt ngày rỗi. Nhưng, nhà trẻ bạo hành khiến họ tình nguyện làm Ôsin, thực phẩm bẩn khiến họ thành người ra chợ. Và, tuổi hưu trí rồi, đọc sách để làm gì? Hình thành nhân cách chăng! Muộn rồi, để rao giảng với con cháu chăng! Chúng nó không có thời gian để nghe đâu, hoặc sẽ cười ông già “khốt ta bít” lẩm cẩm. Thôi thì, tốt nhất là làm ấm trà, quần tam tụ ngũ nói chuyện thế sự, chuyện tham nhũng, chuyện bọn bất tài đang điều hành xã hội.

Thứ ba: Sách dở, sách dài, sách khó gặm, sách sai độc hại, sách ăn trộm (chữ Hán gọi là “đạo văn”.
Sách dở: Nhà xuất bản, để hoàn thành số lượng sách xuất bản trong năm theo kế hoạch đã tỏ ra vô cùng dễ tính trong việc cấp phép xuất bản. Chỉ cần đừng có dấu hiệu sai quan điểm lập trường, không vi phạm vùng cấm và viết bằng chữ Việt, Ok! Tác giả nộp lệ phí lấy giấy phép, tự in tự phát hành và tự huyễn hoặc mình. Độc giả thì...hơi đâu đọc loại sách rác ấy.

Có thơ rằng: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tặng gì thì tặng, xin đừng... tặng thơ”

Người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ta nhất định thắng, địch nhất định...thơ. Tất nhiên đây là thơ...dở, thơ...dở hơi. Lâu ngày lẫn lộn giữa sách có giá trị (thì ít) mà sách dở và sách dở hơi (thì nhiều) khiến độc giả chào thua.

Sách dài. Trong tiết tấu cuộc sống hiện đại, liệu có còn cái cảnh như câu thơ tiền chiến: “Tỉnh lẻ cô em nằm xem kiếm hiệp”?! Cô em bây giờ, con nhà khó thì lo kiếm nghề, tốt nghiệp đại học thì lo tìm việc, kiếm lương còm giúp cha mẹ nuôi em nhỏ. Con nhà khá giả thì còn hấp dẫn bởi son môi Hàn quốc thời trang váy ngắn váy dài hàng hiệu, caphe du lịch, nhìn quyển sách dày 500 trang, 700 trang như nhìn con bò tót, vừa lạ lẫm vừa sợ. Sách của tác giả lạ thì chắc không hay rồi, sách của đại gia cũng chưa hẳn đã có giá trị và cái giá trị đó hẳn gì đã hấp dẫn với riêng sở thích của mình, dù cho TV có mục “mỗi ngày một cuốn sách" đấy.

Sách khó gặm: Tôi dùng chung một từ “sách khó gặm” chung cho hai loại khó hiểu và khó cảm. Đành rằng, người đọc sách cũng phải học cách cảm thụ, nghĩa là phải có “bộ chìa khóa” để mở ra giá trị của những trang sách. Nhưng, dùng chìa khóa vạn năng mà mở đến mười lần cũng không thấy giá trị sách đâu thì xin chào thua

Và sách hỏng: Sách hỏng cũng đồng nghĩa với sách độc hại. Về hiện tượng này xin không nói nhiều. Chỉ lấy hai ví dụ, là từ cuốn Từ điển tiếng Việt soạn lung tung và cuốn truyện cổ tích với rất nhiều chi tiết phản cảm mà công luận gần đây đã lên tiếng phản bác dữ dội...

Thôi, xin nói dông dài qua chuyện khác.

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ở quê ta từng manh nha một “văn hóa đọc”. Không khí làm ăn hợp tác xã chung sức chung lòng, đông người, vui tươi, không giàu mà cũng không nghèo, nương tựa vào nhau, an toàn. Môi trường học đường phổ thông trong trẻo. Học phí mỗi năm rất giản dị, 7,2 đồng bằng giá chừng ba con vịt. Gia đình nào có ba con đang đến lớp thì được giảm ba mươi phần trăm, còn 4,8 đồng. Ban đêm, thầy đến nhà học sinh kém dạy kèm được bồi dưỡng nồi lang luộc cốc nước chè. Không có nạn tiếp thị học thêm, không có nạn ban giám hiệu phối hợp với kế toán sáng tác ra những khoản thu trời ơi đất hỡi. Không gian phụ huynh với thầy cô đẹp như cổ tích, đẹp như ca từ thời ấy: “trăng lên lùa cành tre, gió thổi tiếng sáo diều, trăng soi tận miền quê bé ngủ ngon à ơ... Trong không gian đó, học sinh, thanh niên chuyền tay nhau, cho nhau mượn những cuốn truyện như “Thép đã tôi thế đấy” của Otrotski, “Ruồi trâu” của IlianVoinitso, “Chiến bại” của Phađêep, “Đội cận vệ thanh niên”, “Một người chân chính” của Bôrít Pôlêvôi... và đọc thâu đêm dưới ánh đèn dầu để kịp sáng hôm sau trả cho chủ nhân, để chuyền tay qua người khác. Sáng ra, độc giả đáng kính của chúng ta, mặt mày tuy mất ngủ mà vẫn rạng rỡ, móc tay vào lỗ mũi lôi ra một cục đen đen có tên là muội đèn... dầu hỏa. Một vùng quê xa xôi nhất tính từ thủ đô là Quảng Bình mà không khí tìm hiểu văn hóa cũng như sự say mê đọc sách đến không ngờ. Và như một lẽ tự nhiên, một thế hệ “vàng ra đời, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng được thể hiện trong những trang sách. Thế hệ ấy đi vào cuộc chống Mỹ cứu nước, lập công, hy sinh như những người đã từng thấm những trang sách có giá trị.

Tin tôi đi, và nếu không tin thì xin hãy kiểm chứng qua những người thuộc thế hệ tôi, từng học qua các trường phổ thông có đọc các tác phẩm xuất bản hồi ấy, rằng, một quyển sách hay có thể tạo nên một thế hệ vàng. Lứa chúng tôi đọc Ostorotski, đọc IlianVoiniso và ra trận một cách hồn nhiên như ngày xưa những nhân vật trong sách đã ra trận.

Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Đoàn thanh niên nên dựng tượng Ostorotski như một tác giả đã có công lớn tham gia đào tạo một lớp thanh niên Việt Nam chống Mỹ cứu nước.

Bây giờ thì, văn hóa đọc như cây non gặp nước lũ, gió Lào. Sách xuống giá nghiêm trọng. Người làm sách bị coi rẻ. Gần đây, tờ báo Quảng Bình có số Cuối tuần” nội dung như một cuốn sách nhỏ, đa dạng gọn nhẹ dễ đọc dễ cảm và hiểu, phải chăng là một giải pháp tình thế khi mà độc giả đang quay lưng lại với sách?!

Những người sáng lập và duy trì thư viện làng như ở Quảng Xá và một vài nơi khác đáng được thưởng huân chương văn hóa. Nhà thơ Ngô Minh, có tuổi thơ đau đớn ở quê hương Ngư Thủy. Vậy mà gần đây ông mày mò xin sách cũ của bạn bè đóng gói gửi về làng, thật đáng trân trọng!.

Có hai cách nạp năng lượng. Một là, năng lượng vật chất, là cái “trước răng”, là của ngon vật lạ. “Bệnh tòng khẩu nhập!” “Cứ ăn nhiều thịt đi, hỡi loài người, rồi một ngày thịt sẽ làm cho các người tan vữa ra” Danh ngôn đấy! và tiên báo đã thành hiện thực, chúng ta gặp hàng ngày những vòng bụng lặc lè, sung mãn và nặng nhọc, và gút, và tiểu đường và tim mạch và ung thư, 5 người trên một giường bệnh viện. Cách nay hai tuần, tiếp chuyện một bà cụ ở Tuyên Hóa, tôi nghe được câu này: “Cái con nớ hắn nghĩ răng ấy chớ, thiếu chi đứa tóm mà hắn lấy cái thằng béo nớ”. Thế là, đã chấm dứt cái tâm lý cứ béo là giám đốc là nhiều tiền. Sẽ có một ngày chăng, những người mẹ có con gái rượu cứ nhăm nhăm gả cho những thằng mọt sách vì nghĩ rằng, nó, đã hoặc sẽ có nhiều tiền. Lúc ấy, xã hội sẽ vượng, đất nước sẽ vượng vì đã bắt đầu một nền kinh tế tri thức, một xã hội trí thức. Đó cũng là ăn nhưng là ăn bằng mắt, bằng tư duy. Năng lượng này quý cho người ăn và cho vài thế hệ sau đó.

Về giải pháp để vực lại một thói quen đọc sách một thời Quảng Bình ta đã có, tôi không dám đề xuất nhiều. Chỉ xin nêu một suy nghĩ. Đó là, hãy bắt đầu bằng trẻ em và đường phố. Thanh niên, những nhà văn hóa, nhà tuyên huấn, nhà văn, nhà thơ hãy đến với các trường phổ thông, tổ chức những cuộc giao lưu sách nhằm KÍCH HOẠT trí tò mò, dẫn đến lòng đam mê đọc sách trong thiếu niên. Tổ chức những buổi đọc thơ, đọc văn (tất nhiên những áng văn thật hay và ngắn) kết hợp với ca nhạc đường phố, cũng để khêu gợi tính tò mò của người đời đối với tri thức trong sách vở, khiến họ bớt thờ ơ với sách mà kéo họ lại gần với thói quen đọc sách.

Mỗi con người đều có nhiều loại năng lượng tiềm ẩn. Kích hoạt năng lượng ăn uống, chúng ta sẽ có một đệ tử ẩm thực lưu ly lấy cái được ăn ngon, ăn nhiều hơn người khác làm hạnh phúc làm tự hào. Kích hoạt cái phần ăc quy ham hiểu biết, chúng ta sẽ có một tín đồ của sách vở, một trí thức. Con người như bản thân cái danh từ ấy đã thể hiện, gồm phần CON và phần NGƯỜI. Nạp cái gì vào thì phần con tăng trưởng, cái gì giúp phần người lớn lên, tự chúng ta nên biết lựa chọn và giúp người khác lựa chọn. Hỡi người Quảng Bình quê ta, hãy tỉnh táo để lựa chọn đúng!.

Nguyễn Thế Tường