.

Trung Quán phát huy truyền thống "Làng văn hóa"

Thứ Ba, 21/04/2015, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi trở lại làng Trung Quán (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) vào một ngày xuân đẹp trời. Con đường trước làng đi ven sông Kiến Giang và con đường sau làng đều đã được đổ bê tông, xe con dễ dàng vào tận mỗi căn nhà. Cánh đồng lúa đông - xuân xanh mướt bao quanh ngôi trường mẫu giáo 2 tầng đỏ tươi ngói mới vừa khánh thành. Trước sân UBND xã, đang diễn ra cuộc đấu bóng chuyền giao hữu chào mừng làng đón nhận danh hiệu Làng Văn hoá.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy thuộc vùng tạm chiếm, nhân dân làng Trung Quán với lòng yêu nước nồng nàn, đã xây dựng nhiều cơ sở liên lạc, nuôi giấu cán bộ, tiêu biểu là hình ảnh người mẹ trong bài thơ “Bà mẹ Ninh Châu”. Nhân dịp viết cuốn sách kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Giao thông vận tải (19-8-1945 – 19-8-2015) tôi vừa tìm thấy một tư liệu của ông Đoàn Văn Đinh, nguyên Chi điếm trưởng tiếp vận đường biển của huyện Quảng Ninh-Thị xã năm 1947-1948, đã ghi lại những chuyến tiếp nhận lương thực vũ khí chuyển lên căn cứ chiến khu Bến Tiêm vô cùng gay go, gian khổ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của xóm “Phát II”, “Phát I” (tức làng Trung Quán, Hiển Lộc, Hiển Vinh xã Duy Ninh)...

Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều lần, gây tổn thất lớn, nhân dân Trung Quán vẫn nhường nhà nuôi dưỡng thương binh, làm kho tàng và có thời là nơi đóng quân của một đơn vị trong Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Hàng trăm con em Trung Quán đã xung phong tòng quân lên đường vào Nam chiến đấu. Làng Trung Quán có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 28 liệt sĩ, 42 thương bệnh binh, 15 người bị nhiễm chất độc da cam...

Trung Quán chú trọng duy trì các hoạt động thể thao.
Trung Quán chú trọng duy trì các hoạt động thể thao.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, làng Trung Quán mau chóng khôi phục sản xuất, xây dựng hợp tác xã, đặc biệt trong những năm gần đây, nhân dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đưa năng suất lúa ngày một lên cao. Năm 2014, trên diện tích 145ha, đạt năng suất bình quân 60 tạ/ha. Trên cơ sở đầu tư máy móc (làng có 4 máy cày lớn, 2 máy nhỏ, mua mới 2 máy gặt đập liên hoàn...) ba năm liền, làng tham gia vào mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với 55 ha. Các ngành nghề dịch vụ (thợ mộc, nề, dịch vụ ăn uống...) phát triển đã tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân cư.

Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làng Trung Quán đã thực hiện từng bước theo 19 tiêu chí. Năm 2014, làng Trung Quán là đơn vị đi đầu trong toàn xã về công tác dồn điền đổi thửa; đến nay bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,7 thửa. Với tổng kinh phí 240 triệu đồng do nhân dân đóng góp, trong 2 năm 2013-2014, đã xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng với chiều dài trên 7.000 mét, rộng 3,5 mét. Nhân dân cũng đã tự nguyện hiến trên 1.000 m2 đất và khoảng 100 triệu đồng (trị giá cây lưu niên, tường rào...) góp phần hoàn thành bê tông hóa hệ thống giao thông trong làng. Nhân dân trong làng cùng Đoàn thanh niên xã Duy Ninh, đã xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên 2 tuyến đường trước và sau làng dài 2.500 mét, trị giá 32 triệu đồng.

Ba năm qua, kết hợp với các tổ chức, dự án phi chính phủ và sự giúp đỡ của Nhà nước, đã làm mới, sửa chữa nhà cho 26 hộ nghèo, hộ chính sách. Toàn làng đã cơ bản xóa nhà tranh vách đất, 100% hộ dùng điện và có phương tiện nghe nhìn, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt... Các tổ chức Đảng và đoàn thể đều đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh 3 năm liền...

Một nét văn hoá đáng kể nữa của làng Trung Quán, là con em đi làm ăn, công tác ở xa quê hương, nhờ phát huy truyền thống của một vùng đất có lịch sử lâu đời, đã có không ít người thành đạt, như ba người con trai của thầy Hoàng Hoa Kỳ – PGS.TS Hoàng Dương Hùng (Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình), PGS.TS. Hoàng An Quốc (Trường đại học Kỹ thuật Sài Gòn) và bác sĩ-Thạc sĩ Hoàng Dương Vương (Bệnh viện Đà Nẵng); Tiến sĩ-nhà phê bình Trần Huyền Sâm chính là cháu nội “Bà mẹ Ninh Châu”; thế hệ trẻ hiện nay có Trương Đình Đạt, sinh viên Đại học Quảng Bình, 3 lần được dự thi Olympic Toán quốc gia... và nhiều tên tuổi khác nữa. Cũng không quên khá nhiều con cháu làng Trung Quán vào làm ăn ở các tỉnh phía Nam, nhờ thông minh và chịu khó học tập, lao động, nay đã có đời sống khá giả, thậm chí là giàu có...

Từ những thành tựu đạt được trong thời gian qua, với truyền thống một vùng đất có bề dày lịch sử-văn hoá, với sự quan tâm giúp đỡ của UBND huyện Quảng Ninh và tỉnh, Trung Quán sẽ không ngừng vươn lên để xứng đáng với danh hiệu “Làng văn hoá”.

Nguyễn Khắc Phê