.

Tản mạn về văn hóa đọc của giới trẻ

Thứ Tư, 22/04/2015, 11:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong một câu chuyện bàn về văn hóa đọc, có ý kiến khẳng định, giới trẻ ngày nay hầu như không chịu đọc sách, thay vào đó là các hình thức giải trí như phim ảnh, mạng xã hội... Thật ra đó mới chỉ là cái nhìn lướt qua, bởi ngược lại, giới trẻ đang đọc rất nhiều và tốn nhiều tiền cho sách. Thế nhưng điều quan trọng nhất là họ, những người trẻ, đang đọc gì thì không phải bậc làm cha làm mẹ nào cũng biết để có sự uốn nắn và điều chỉnh kịp thời..

Một điều rất dễ nhận thấy khi đi vào các nhà sách hiện nay là tại quầy sách văn học, truyện ngôn tình gần như chiếm trọn các giá sách. Hình ảnh những cô cậu học trò mới lớn đứng đọc say sưa cũng đã trở nên quen thuộc ở những nơi này. Hầu hết truyện ngôn tình có xuất xứ từ Trung Quốc với nội dung là những mối tình lãng mạn, nhiều nước mắt nhưng có kết thúc hoàn hảo kiểu lọ lem - hoàng tử. Người đọc thường sẽ đắm chìm trong một thế giới ngọt ngào, hư ảo và có không ít bạn trẻ mang theo cả những ngọt ngào, hư ảo ấy vào cuộc sống đời thường.

Cùng với truyện ngôn tình, truyện tranh là một trong những thể loại sách được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Nếu những năm trước đây, truyện tranh phổ biến là Doreamon, Conan... thì hiện nay, đọc truyện tranh 16+, 18+, đam mỹ... đang khá thịnh hành trong giới trẻ. Những cuốn truyện tranh được dán mác dành cho tuổi 16+, 18+, tuổi mới lớn được bày bán tràn lan và bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mua và đọc. Cùng với truyện 16+, 18+, đam mỹ là một loại hình văn học có tốc độ lan nhanh khủng khiếp và nội dung là những mối tình giữa nam giới và nam giới. Một học sinh lớp 9 xin được giấu tên, khẳng định: Hầu hết học sinh THCS và THPT đều đã từng đọc loại truyện này, cá biệt có những người quên ăn quên ngủ, ngóng đợi từng chương từng hồi, xem đam mỹ là sách “gối đầu giường” và tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc cho những cuốn sách này.

Truyện ngôn tình “làm mưa làm gió” tại các nhà sách
Truyện ngôn tình “làm mưa làm gió” tại các nhà sách

Không chỉ đọc sách, hàng ngày, giới trẻ còn đọc và tiếp cận nhiều loại thông tin từ internert. Đó có thể là bất cứ trang web nào và bất cứ nội dung gì từ thời sự, âm nhạc, chuyện hậu trường, đời tư các ngôi sao... Và tất nhiên, sách ngôn tình, truyện tranh 16+, 18+, đam mỹ, sau khi “làm mưa làm gió” tại các nhà sách thì internet là môi trường vô cùng lý tưởng để các bạn trẻ tiếp tục khám phá. Chỉ cần gõ google với từ khóa: truyện ngôn tình, truyện 16+, 18+, đam mỹ... là ngay lập tức có hàng nghìn trang web hiện ra, mời gọi. Và chỉ cần một cú click chuột, không ít bạn trẻ sẽ nhanh chóng đắm chìm trong thế giới ảo. Chưa hết, vừa đọc họ vừa comment, tranh cãi trên mạng để bảo vệ “thần tượng” của mình,

Trước câu hỏi, làm gì để định hình văn hóa đọc cho giới trẻ, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người cho rằng trách nhiệm chính thuộc về các bậc phụ huynh bởi đã không theo dõi, ngăn cấm con em mình tiếp cận với những luồng văn hóa thiếu lành mạnh nói trên. Người khác cho rằng trách nhiệm này là của nhà trường, bởi lẽ một ngày các em ở trường hơn 8 tiếng để học tập, vui chơi. Và một luồng ý kiến nữa khẳng định, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng khi đã không làm tốt công tác kiểm duyệt, phát hành khiến những tác phẩm văn học mang nội dung tiêu cực xuất hiện tràn lan trong các nhà sách và trên mạng internet.  

Ở câu trả lời đầu tiên là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, có lẽ chỉ đúng một phần. Bởi với những kênh thông tin như hiện nay, việc cấm đoán có lẽ chỉ là những giải pháp phần ngọn mà thôi. Phụ huynh không thể theo dõi, giám sát con em mình 24/24 để ngăn cấm, răn đe, ngược lại, việc này có thể phản tác dụng khi các bạn trẻ tìm mọi cách để đối phó. Về trách nhiệm của nhà trường cũng có phần chính xác khi những tiết kể chuyện cũng chỉ gói gọn trong giờ lên lớp như những môn học khác. Thư viện của nhiều trường học còn nghèo nàn và chưa thực sự là điểm đến của các em học sinh trong giờ ra chơi. Đáng nói hơn, một số trường có phòng thư viện quy mô với hàng nghìn đầu sách cũng chỉ dùng làm cảnh mà chưa thu hút và tạo môi trường đọc sách cho các em. Ý kiến thứ ba được nhiều người đồng tình và thực tế đó đang là một vấn đề trăn trở của cơ quan chức năng hiện nay.

Vậy chúng ta, những bậc phụ huynh cần làm gì để định hình văn hóa đọc cho giới trẻ, mà trực tiếp là con em mình? Trả lời câu hỏi này, chị Lê Tâm, Tỉnh đoàn Quảng Bình tâm sự: Bản thân chị đang rất trăn trở với câu hỏi này. Mặc dù con trai chị chỉ mới hơn một tuổi, nhưng theo chị Tâm, việc hình thành văn hóa đọc cho con cần phải tiến hành thật sớm và ngay từ trong mỗi gia đình. Chúng ta đừng kỳ vọng vào một thế hệ trẻ thích đọc và “biết” đọc nếu trong gia đình, bố mẹ và mọi người thờ ơ với sách, hoặc nếu có đọc thì cũng chưa có sự chọn lọc và định hướng đúng. Với ý nghĩ đó, chị Tâm đã bắt đầu mua các loại sách phù hợp với lứa tuổi của con và đọc cho con nghe. Theo chị Tâm “mưa dầm thấm lâu”, ngay từ bé, nếu trẻ được tiếp cận với những dòng văn học chính thống và phù hợp, cộng với sự quan tâm theo dõi của bố mẹ và người thân, trẻ sẽ sớm hình thành niềm đam mê đọc sách và văn hóa đọc.

Còn chị Trần Hồng Hiếu, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình cho biết: Chị thường chủ động mua sách tặng con và điều quan trọng nhất là chị cùng đọc, cùng bàn luận với các con về những cuốn sách đó. Lâu lâu chị cũng xem tủ sách của con để biết con mình đọc gì và cùng chia sẻ.  Nên hay không nên đọc và tại sao nên, tại sao không nên là những chủ đề chị thường trao đổi với con, bình đẳng và thẳng thắn như những người bạn. Cấm đoán là việc hoàn toàn không nên và không thể trong thời đại hiện nay. Cùng đọc, cùng tìm hiểu và trao đổi với con trong khi đọc sẽ giúp con thấy được cái hay, cái đẹp của sách. Khi con trẻ đã cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái giá trị của văn chương thì xem như trẻ đã “miễn dịch” với những dòng văn chương độc hại mà phụ huynh không cần cấm đoán, các em cũng biết để lựa chọn nên đọc sách gì.

Cùng với sự quan tâm định hướng và đồng hành của phụ huynh, nhà trường là môi trường quan trọng để duy trì và phát triển thẩm mỹ văn chương của trẻ. Để làm được điều đó, cần phát huy tốt vai trò của thư viện nhà trường, xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong dạy và học chứ không chỉ để “làm cảnh”. Và bên cạnh rất nhiều những cuộc thi hiện nay, nên chăng cần có những cuộc thi viết về cảm nhận khi đọc một cuốn sách, một câu chuyện. Làm được những điều đó sẽ tốt hơn nhiều so với việc tổ chức một ngày hội đọc sách rầm rộ rồi kết thúc “ngày hội” đâu sẽ lại vào đấy.

Định hình và phát triển văn hóa đọc cho các bạn trẻ với công thức gia đình – nhà trường và xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Cùng với sự quan tâm của các bậc phụ huynh, sự chung tay của thầy cô giáo và nhà trường, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý phát hành văn hóa phẩm, tạo môi trường lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần hình thành và định hướng văn hóa đọc để bồi đắp tâm hồn và trí tuệ cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ngọc Mai