.

Phóng viên chiến tranh: Giá trị tư liệu của những khoảnh khắc duy nhất

Thứ Sáu, 17/04/2015, 08:34 [GMT+7]

Các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh chia sẻ với khán giả về những khoảnh khắc “chỉ có một lần trong đời” khi phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ

Chiều tối 16-4 tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Phóng viên chiến tranh”, nhân sự kiện triển lãm “Phóng viên chiến trường” đang diễn ra từ ngày 14-4 đến 10-5.

Tham gia triển lãm có 4 nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh: Chu Chí Thành, Đoàn Công Tính, Mai Nam, Hứa Kiểm là tác giả của bộ ảnh “Phóng viên chiến trường” đang được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp.

Tại buổi tọa đàm, các phóng viên từng một thời hoạt động ở chiến trường miền Nam có dịp chia sẻ với khán giả về quá trình tác nghiệp, những khoảnh khắc “chỉ có một lần trong đời” khi đưa tin, phản ánh về cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bức ảnh chụp cảnh trao đổi tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam của tác giả Chu Chí Thành
Bức ảnh chụp cảnh trao đổi tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam của tác giả Chu Chí Thành

Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, đó là bức ảnh trao đổi tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam mùa xuân năm 1973 gần sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.

Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, đó là bức ảnh các trinh sát Việt Nam tìm lối đi giữa thác ghềnh cho các đơn vị xe vận tải tiếp tế lương thực và vũ khí.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho biết: “Trong chiến tranh, chúng tôi đã chứng kiến lúc đau thương, nước mắt dàn dụa. Nhưng sau đó chúng tôi lau nước mắt để tiếp tục chiến đấu, tiếp tục hành quân và lúc đó lại nở những nụ cười. Tức là giữa cái sống và cái chết, giữa đau buồn và vui tươi, lạc quan trong chiến tranh là có thật. Cho nên bức ảnh Nụ cười Quảng Trị của anh Đoàn Công Tính là bức ảnh rất thật của cuộc chiến tranh”.  
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng cho rằng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, ảnh báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh hiện thực, góp phần làm minh chứng sinh động cho cuộc chiến tranh, với cả hai phía.

Nhà báo Đào Thanh Huyền- người góp phần xây dựng dự án triển lãm cho rằng: không chỉ giới thiệu những khoảnh khắc chiến tranh khốc liệt, triển lãm “Phóng viên chiến trường” còn thể hiện tinh thần nhân văn, hòa giải dân tộc.

 Triển lãm ảnh Phóng viên chiến trường thu hút nhiều khán giả
Triển lãm ảnh Phóng viên chiến trường thu hút nhiều khán giả

“Tôi nghĩ rằng những chia sẻ ở đây lại đặt ra một vấn đề khác, vượt ra ngoài chủ đề “Phóng viên chiến trường”. Bởi qua những thắc mắc, chia sẻ của các bác, các chị hay các bạn ở đây tôi nghĩ chúng ta phải tổ chức nhiều hơn nữa những buổi triển lãm như thế này, những cuộc hội thảo như thế này và nhất là những cuộc trao đổi riêng tư để những người từng sống qua thời kì đó, những người đã mang được những tấm ảnh này về có thể giải thích cho chúng ta thấu đáo hơn trong hoàn cảnh nào họ đã chụp những tấm hình này để đưa đến điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn là “Hòa giải dân tộc”./.

Theo Phương Thúy/VOV-Trung tâm Tin