.
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015):

Tiếng hát của những cựu binh

Thứ Ba, 21/04/2015, 15:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao gương sáng” lần thứ III (2010-2015), các đại biểu và khách mời cảm thấy vô cùng thú vị khi được thưởng thức những tiết mục văn nghệ do các thành viên là cựu chiến binh Tổ dân phố 9, phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới) biểu diễn. Những diễn viên không chuyên thuộc thế hệ “xưa nay hiếm” đã thể hiện những bài hát, điệu múa với phong cách tự nhiên, hấp dẫn và đầy đam mê.

Một tiết mục biểu diễn của đội văn nghệ cựu chiến binh Tổ dân phố 9, phường Bắc Lý.
Một tiết mục biểu diễn của đội văn nghệ cựu chiến binh Tổ dân phố 9, phường Bắc Lý.

Thành lập từ năm 1998 bắt nguồn từ phong trào văn nghệ của địa phương, đến thời điểm này, đội văn nghệ người cao tuổi gồm các cựu chiến binh (CCB) Tổ dân phố 9, phường Bắc Lý đã trở thành điểm sáng trong phong trào văn hóa, văn nghệ của TP.Đồng Hới. Sau 17 năm thành lập và tích cực hoạt động, một số thành viên cao tuổi nay đã qua đời hoặc quá già yếu không tham gia được, hiện đội có 12 thành viên thường xuyên tham gia luyện tập.

Xuất thân là những người lính, thanh niên xung phong tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sau khi rời quân ngũ và trở về cuộc sống đời thường, dư âm của những tháng ngày gắn bó với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn còn vang mãi. Với mong muốn gặp gỡ, giao lưu, tạo phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi, họ đã tập hợp lại và cùng nhau cất cao lời ca tiếng hát. Ban đầu chỉ là ngẫu hứng, nhưng một thời gian sau hoạt động của đội đã đi vào nền nếp với hai buổi tập một tuần, bất kể trời mưa hay nắng. Từ đó đến nay, đội đã tham gia hàng trăm buổi biểu diễn tại phường, thành phố và các cuộc thi văn hóa, văn nghệ người cao tuổi cấp thành phố, cấp tỉnh.

Cụ bà Nguyễn Thị Hường (75 tuổi), nguyên là thanh niên xung phong từng tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, đội trưởng đội văn nghệ cho biết: Từ khi đội ra đời, cuộc sống của những người cao tuổi trên địa bàn vui hơn, thú vị hơn. Hàng tuần các thành viên đều gặp nhau hai lần tại nhà văn hóa tổ dân phố để ôn lại những tiết mục cũ và tập dượt các tiết mục mới. Không chỉ cất cao lời ca tiếng hát, các cụ còn đóng góp quỹ để thăm hỏi các thành viên khi ốm đau và mua trang phục, đồ trang điểm phục vụ các chương trình biểu diễn. 12 thành viên gồm 4 nam, 8 nữ đã gắn bó với nhau như một gia đình lớn với những tâm tư, tình cảm của những đồng đội cũ, nay là những người ông, người bà mẫu mực “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

“Khi hát những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, hát về Đảng, Bác Hồ, chúng tôi lại nhớ đến những năm tháng xa xưa trên những cung đường, chiến trường sục sôi bom đạn. Hát những bài hát cũ cũng là cách chúng tôi tri ân công lao của những đồng đội đã ngã xuống, đồng thời giáo dục thế hệ con cháu về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Chúng tôi cũng có rất nhiều tiết mục dân ca truyền thống. Nói chung tùy thuộc vào những chương trình biểu diễn chào mừng các sự kiện khác nhau, đội văn nghệ chúng tôi luôn sẵn sàng có các tiết mục phù hợp, góp phần mang lại niềm vui cho cuộc sống và cho bản thân mình!”, bà Hường cho biết.

Sát cánh với người đội trưởng Nguyễn Thị Hường là nữ đội phó Trần Thị Liên, năm nay 65 tuổi. Với vẻ ngoài nhanh nhẹn và trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi của mình, bà Liên có mặt trong hầu hết các tiết mục của đội. Và đồng hành với bà từ nhiều năm nay là ông Lê Văn Tôn, 74 tuổi, người bạn đời đã đều đặn hàng tuần bất kể mưa nắng đưa đón bà Liên đi tập và tham gia biểu diễn, giao lưu. Ông Tôn hiện là chi hội phó chi hội Người cao tuổi Tổ dân phố 9, cũng là thành viên tích cực của đội. Hàng chục năm nay, người dân nơi đây đã trở nên quen thuộc với hình ảnh hai vợ chồng già chở nhau trên chiếc xe máy đi tập luyện và cả những lúc ở nhà vẫn say sưa cất cao lời ca tiếng hát.

Nói về đội văn nghệ đặc biệt này, ông Nguyễn Văn Trỗi, Phó trưởng ban thường trực Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Đây là một trong những điển hình phong trào văn hóa văn nghệ của người cao tuổi trong tỉnh. Quá trình sinh hoạt của đội rất hiệu quả, việc luyện tập được duy trì đều đặn, các tiết mục văn nghệ được đầu tư kỹ lưỡng, chất lượng cao, nội dung phong phú từ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Những người cựu chiến binh năm xưa tuổi dù đã cao nhưng vẫn tiếp tục đóng góp cho quê hương thông qua lời ca tiếng hát, đã góp phần thúc đẩy phong trào “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” của người cao tuổi trong tỉnh. Họ thực sự là những tấm gương sáng cho người cao tuổi noi theo.

Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họ những người cựu chiến binh yêu thích văn hóa văn nghệ lại say sưa cùng nhau luyện tập để có những tiết mục mới, hấp dẫn phục vụ khán giả và mang lại niềm vui cho chính mình.

Hiền Mai