.
Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch):

Nghìn năm thương nhớ đất Phong Châu...

Thứ Hai, 27/04/2015, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua bao lần chia cắt rồi hòa hợp trong lịch sử dân tộc, với bờ sông Gianh rộng lớn bao la, với từng bước chân của Huyền Trân Công chúa qua xứ người để đưa về tình giao hảo, đồng bào Quảng Bình vẫn luôn đau đáu nhớ về nơi khởi Tổ phát sinh ra con Rồng cháu Tiên ngọn nguồn của dân tộc Việt, nơi có Đền Hùng của đất kinh đô Phong Châu oai linh thuở trước. Để rồi cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch, con cháu quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại cùng tụ hội, nghiêng mình kính cẩn, tưởng nhớ về công lao to lớn của các vị Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các tỉnh bạn tham gia tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các tỉnh bạn tham gia tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ

Anh Phan Văn Thể (SN 1964, Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Đồng Hới) là người con gốc TP.Việt Trì, Phú Thọ. Từ năm 1991, anh được Công ty cổ phần pin ắc quy Vĩnh Phú cử vào Quảng Bình xây dựng cơ sở kinh doanh. Năm 1996, anh đưa cả vợ con vào TP.Đồng Hới và quyết tâm tạo dựng sự nghiệp. Từ đó đến nay đã gần 25 năm anh gắn bó với mảnh đất Quảng Bình và xem đây như quê hương thứ 2 của mình.

Sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con đất Quảng, anh lại càng thấm thía tình đoàn kết, keo sơn, chia ngọt xẻ bùi của con cháu Vua Hùng trong ngôi nhà chung đất Việt và anh cũng càng thêm yêu, thêm quý cuộc sống mới nơi đây. Cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch hàng năm, anh cùng vợ và những người bạn quê gốc Vĩnh Phú xưa, và có cả nhiều gia đình người Quảng Bình khác, tất bật sửa soạn lễ vật, dâng hương tại di tích Cây Đa Chùa Ông (Hải Đình, TP.Đồng Hới)-nơi thờ nước, đất và chân hương lấy từ Đền Hùng.

Anh Phan Văn Thể chia sẻ, lễ vật được các chị em sắm sửa rất chu đáo theo phong tục truyền thống, với hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy, ngũ quả... Cứ 3 đến 5 năm một lần, anh chị em lại tổ chức lễ vật linh đình, hoành tráng hơn, bởi đây cũng là dịp để hội đồng hương Vĩnh Phú và những người bạn Quảng Bình giao lưu, chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Anh Thể tâm sự thêm, hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình được thành lập từ năm 1994 và hiện có hơn 60 người, luôn thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt hàng năm. Điều đặc biệt là hầu hết anh chị em trong hội đều lập gia đình với người Quảng Bình và sống rất hạnh phúc, sum vầy.

Di tích lịch sử Cây Đa Chùa Ông (Hải Đình, TP.Đồng Hới) là nơi thờ nước từ Giếng Ngọc, đất từ Mộ Tổ và chân hương từ Đền Thượng từ năm 2000. Từ đó đến nay, nơi đây đã đón tiếp biết bao người dân sinh sống ở Quảng Bình, không chỉ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mà bất cứ thời điểm nào trong năm, đến thắp nén nhang thơm thành kính dâng lên bậc khai tổ ra đất nước.

Bà Nam Vĩnh, nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin TP.Đồng Hới chia sẻ, mỗi dịp 10-3 Âm lịch, nhiều bà con ở tận Quảng Ninh, Lệ Thủy hay Minh Hóa, Tuyên Hóa cũng lặn lội về thắp hương giỗ Tổ và có cả không ít con em gốc miền Bắc lập nghiệp trên đất Quảng Bình cũng đến thành kính dâng hương. UBND TP.Đồng Hới thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vào dịp 10-3 âm lịch hàng năm.

Bên cạnh lễ dâng hương tưởng niệm trang nghiêm, thành kính với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân thành phố, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, sôi động được tổ chức, như: biểu diễn võ dân tộc, thi nấu ăn, kéo co..., gắn kết mọi người dân tham gia, nhắc nhớ về quá khứ oanh liệt của dân tộc.

Năm 2014, Quảng Bình vinh dự cùng với các tỉnh Bắc Ninh, Long An và Vĩnh Long chung bước cho một cuộc hành hương hướng về đất Tổ (Phú Thọ) vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng. Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh ta do đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã tham gia tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Thay mặt người dân Quảng Bình, đoàn đã dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các vua Hùng, đồng thời bày tỏ tấm lòng thành kính, nhớ nguồn cội của người dân đất Quảng Bình, quyết tâm đoàn kết một lòng vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng.
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng.

Cũng trong dịp này, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã là những “sứ giả” giới thiệu những nét văn hóa văn nghệ đặc sắc nhất của Quảng Bình đến với đồng bào Phú Thọ và cả nước. Ông Quách Sĩ Dũng, Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết, hơn 1 tuần lưu diễn tại quê hương của các Vua Hùng là kỷ niệm đáng nhớ của anh chị em nghệ sĩ. Lần đầu tiên biểu diễn giao lưu văn nghệ tại nhiều địa điểm quan trọng của lễ hội, như: Bảo tàng Hùng Vương, các sân khấu giao lưu..., các anh chị em vô cùng xúc động, tự hào và nỗ lực, quyết tâm mang hết tài năng, tâm huyết, tình cảm cống hiến cho bà con.

Nhờ đó, các tiết mục tham gia đều nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là đối với những làn điệu dân ca độc đáo của địa phương, gồm: hò khoan Lệ Thủy, hò lỉa gỗ, hò thuốc. Bên cạnh đó là hệ thống các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên Quảng Bình có một không hai (“Phong Nha nhất động kỳ quan”, “Xôn xao non nước Quảng Bình”), truyền thống anh hùng bất khuất, vượt lên mọi gian khó của người dân Quảng Bình (“Mẹ Suốt”, “Quảng Bình quê ta ơi”)...

Một bài viết trên trang web của UBND tỉnh Phú Thọ đã nhận định, chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Bình đã nhận được sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của đông đảo nhân dân và du khách thập phương, đã để lại trong lòng khán giả những dư âm nhẹ nhàng, sâu lắng. Đồng thời, qua đây cũng thể hiện tình cảm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cùng hướng về đất tổ cội nguồn của các nghệ sĩ Quảng Bình. Kết thúc chương trình biểu diễn, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh vinh dự được UBND tỉnh Phú Thọ tặng bằng khen vì những đóng góp cho hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2014.

Theo kế hoạch của UBND TP.Đồng Hới, các hoạt động kỷ niệm giỗ Tổ Hùng Vương, 40 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4, Quốc tế Lao động 1-5 năm nay sẽ gắn với các hoạt động của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới. Vì lẽ đó, nhiều lễ hội sẽ được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, đồng thời tạo không khí vui tươi, sôi nổi, môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện, góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Đồng Hới, kích cầu phát triển du lịch. Cụ thể, có lễ hội ẩm thực “Hương quê Nhật Lệ”, lễ hội diễu hành đường phố, lễ hội múa bông chèo cạn và lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.

Mai Nhân