.

Dấu ấn Đà Nẵng

Thứ Hai, 06/04/2015, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp tham dự hội thảo Báo Đảng khu vực Miền Trung-Tây Nguyên với chủ đề “Chủ quyền Việt Nam ở biển Đông trên báo Đảng” do Báo Đà Nẵng đăng cai tổ chức, chúng tôi được hòa mình vào nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2015). Đà Nẵng trong cảm nhận của chúng tôi là một thành phố đẹp, hiện đại, văn minh, hòa bình... đang vươn mình trỗi dậy với hàng loạt công trình, hạng mục có tính chất đột phá, tạo đà cho thành phố phát triển nhanh trên hành trình hội nhập.

Ngày 29-3-1975, người Đà Nẵng rạo rực trong cờ hoa đón chào đoàn quân giải phóng thành phố. Và cũng vào cái ngày không thể nào quên ấy của 40 năm sau, người Đà Nẵng lại hân hoan bước trong cờ hoa để chào đón một sự kiện trọng đại, đó là lễ khánh thành công trình Nút giao thông Ngã ba Huế. Đây là cây  cầu vượt ba tầng đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam.

Ngã ba Huế là cửa ngõ lớn dẫn vào trung tâm thành phố Đà Nẵng vừa có đường bộ, đường sắt, mỗi ngày phải gánh chừng 20-25 lượt tàu hỏa đi qua, khoảng 10.000 lượt ô tô, 80.000 lượt mô tô và các phương tiện tham gia giao thông khác khiến cho nơi đây luôn trong tình trạng kẹt xe và cũng là điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Cầu vượt ba tầng, một trong những công trình trọng điểm của thành phố.
Cầu vượt ba tầng, một trong những công trình trọng điểm của thành phố.

Việc đầu tư, xây dựng công trình Nút giao thông Ngã ba Huế, (Cầu vượt ba tầng) không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc, góp phần xây dựng đô thị Đà Nẵng văn minh, hiện đại và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Công trình do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH Ngã ba Huế đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, thời gian thi công 18 tháng (gồm cả công tác chuẩn bị và giải phóng mặt bằng). Đây là dự án trọng điểm cấp bách số 1 của Đà Nẵng và được đưa vào công trình trọng điểm cấp quốc gia. Toàn bộ hệ thống cầu vượt 3 tầng có tổng chiều dài hơn 2,5km đường cầu, bao gồm 50 nhịp cầu, một trụ tháp cao 57m. Để xây dựng cây cầu vĩnh cửu này, đơn vị thi công đã khoan và đóng hơn 500 cọc bê-tông có đường kính từ 1-2m sâu xuống lòng đất.

Cầu vượt ba tầng được thiết kế hết sức độc đáo với hình xuyến mềm mại, uyển chuyển, có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật để tôn vinh vẻ đẹp của công trình. Với quy mô ba tầng, công trình sẽ giải quyết triệt để mọi vướng mắc về giao thông như trước đây. Việc thiết kế các làn đường riêng cho các phương tiện giao thông như tàu hỏa, ô tô, xe máy... tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông an toàn. Sự ra đời của công trình còn là cơ hội cho trục Tây Bắc của thành phố phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm thành phố với khu vực cửa ngõ phía Bắc.

Không chỉ thế, công trình cầu vượt ba tầng còn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch bởi tính thẩm mỹ để rồi Đà Nẵng tiếp tục được ngợi ca là thành phố của những cây cầu đẹp, độc đáo có một không hai như cầu quay sông Hàn- cây cầu được xem là điểm nổi bật trên bầu trời kiến trúc Việt Nam hiện đại vì có thể quay được, cầu treo dây võng Thuận Phước nối liền thành phố với cảng biển Tiên Sa tuyệt đẹp, cầu Rồng với kết cấu dầm thép mô phỏng hình con rồng mạnh mẽ vươn ra biển và cầu dây văng 3 chiều kết hợp trụ tháp nghiêng như cánh buồm căng gió vươn khơi xa mang tên nữ anh hùng Trần Thị Lý... Mỗi chiếc cầu là một công trình nghệ thuật, với những kiến trúc đa dạng, độc đáo. Đặc biệt hơn, hầu hết những công nghệ này đều là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

 Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Bà Nà Hills.
Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Bà Nà Hills.

Cũng trong hội thảo lần này, chúng tôi được tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Bà Nà Hills, nơi được ví như “nàng tiên xanh quyến rũ”. Ngoài những điểm đến hấp dẫn như tham quan vườn hoa, những tòa tháp nguy nga, công viên Fantasy, chúng tôi còn được đắm mình trong không gian tuyệt đẹp của Làng Pháp. Đây là  một trong những công trình ấn tượng nhất của khu du lịch Bà Nà Hills trong năm 2014. Công trình “tái hiện” lại một làng Pháp cổ kính mang phong vị của thế kỷ XX trên đỉnh Bà Nà với một lâu đài nguy nga ẩn mình trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ của bạt ngàn rừng nguyên sinh kỳ vĩ. Với sự tư vấn của các tập đoàn lớn trên thế giới về kiến trúc, Làng Pháp được xây dựng trên diện tích 6ha với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai ham mê khám phá kiến trúc cổ châu Âu và mong muốn tận hưởng các dịch vụ đẳng cấp, tiện nghi.

Đến và cảm nhận bản sắc riêng của vùng đất này để rồi cảm phục, yêu mến bởi những dấu ấn Đà Nẵng tạo ra rất đáng tự hào. Có thể nói, bắt đầu từ chương trình “5 không, 3 có” (“không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của” và “có nhà ở, có việc làm, có lối sống văn minh đô thị”) đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua. Từ việc thực hiện thành công chương trình này đã góp phần tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực.

Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, xanh, sạch, đẹp như chuyện tuyển dụng người tài, không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện, không bán hàng bên bờ biển, vận động thành công Nhà nước và nhân dân cùng làm các công trình công cộng, tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp... cùng biết bao việc làm có ý nghĩa khác xứng đáng để nhiều địa phương trong cả nước học tập. Với những người con của quê hương Đà Nẵng và cả ai gắn bó với vùng đất “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” này đều ánh lên niềm tự hào khi nói về quê hương. Và có lẽ thế mà Đà Nẵng được nhiều người ca tụng là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.

Nhật Văn