.

Cần đổi mới thiết bị chiếu phim

Thứ Năm, 23/04/2015, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Mạng lưới chiếu bóng lưu động nước ta được hình thành từ khi thành lập ngành điện ảnh Việt Nam(15-3-1953), trải qua hơn 60 năm hoạt động, ngành phát hành phim và chiếu bóng càng phát triển, lớn mạnh không ngừng.

Từ lúc sơ khai đội chiếu bóng phải biên chế bằng quân số một trung đội thay nhau gồng gánh các thiết bị điện ảnh rong ruổi khắp bản làng thôn xóm phục vụ nhân dân. Đội ngũ chiếu bóng trở thành đội quân xung kích trên mặt trận tuyên truyền văn hóa tư tưởng, người dân đã tiếp cận được với loại hình nghệ thuật thứ bảy, phim ảnh đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân đất Việt. Lúc bấy giờ phim ảnh cũng góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ.

Tại Quảng Bình, hoạt động chiếu bóng lưu động hiện hữu đầu năm 1954, đến năm 1958, nhân dân hai huyện miền núi Tuyên, Minh Hóa được xem phim màn ảnh rộng. Hồi đó chiếu bóng lưu động gian nan vất vả lắm, máy móc, thiết bị nặng nề, mỗi lần đi nhận phim, lấy xăng dầu rất xa, lại thêm chiến tranh bom đạn, đã gian nan càng gian nan hơn, đã vất vả càng vất vả hơn. Tuy vậy các đội chiếu bóng vẫn kiên cường bám dân, bám địa bàn, lực lượng chiếu bóng vẫn phát triển cả lượng lẫn chất lượng phục vụ.

Được xem phim luôn là một niềm vui đối với trẻ em vùng cao
Được xem phim luôn là một niềm vui đối với trẻ em vùng cao

Sau ngày đất nước thống nhất 1975, là khoảng thời gian mà chiếu bóng Quảng Bình phát triển rực rỡ nhất, cả tỉnh có đến 35 đội chiếu phim lưu động, 7 rạp, thiết bị điện ảnh được nâng cấp: phim 16 ly thay bằng phim nhựa 35 ly, máy chiếu kép thay cho máy chiếu đơn. Người xem thỏa mãn thưởng thức tác phẩm điện ảnh liên tục, nếu nói còn vất vả thì đó chính là công việc vận chuyển, mỗi đội chiếu bóng chỉ năm người với chiếc xe bò kéo năm tạ thiết bị suốt ngày lộc cộc lăn bánh trên những con đường làng gồ ghề, khúc khuỷu, phim ảnh vẫn vui vẻ hăng hái về với nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược...

Nhưng hiện nay, đời sống dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã có ti vi xem, có đài FM nghe, có điện thoại trao đổi thông tin, giao thông thuận lợi hơn nhiều, truyền hình phủ sóng toàn quốc, mạng lưới điện về khắp đồng bằng, miền núi, rồi văn công, văn nghệ, lễ hội vui chơi ngày càng thỏa mãn đời sống tinh thần của người dân, ai ai cũng phấn khởi trước sự đổi thay của đất nước, xóm làng. Duy chỉ những người làm công tác chiếu bóng thì ngậm ngùi và trăn trở, họ ngậm ngùi cho cái nghề một thời vang bóng. Có người đã nghĩ đến ngày “cáo chung” của nghề chiếu bóng lưu động.

Đúng như vậy, nếu không có nghị định chấn hưng nền điện ảnh nước nhà, nếu không đổi mới thiết bị chiếu bóng hiện đại hơn, gọn nhẹ hơn có lẽ ngành chiếu bóng bây giờ đã trở thành... kỷ niệm. Hoạt động chiếu bóng lưu động biên chế ít lại, 5 đội chiếu bóng lưu động đóng trên địa bàn 5 huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ-Ninh, thiết bị chiếu bóng gọn nhẹ được thay thế máy móc nặng nề, phim ảnh thì dùng băng hình, đĩa hình bỏ túi, chiếu phim nhựa màn ảnh rộng chuyển sang chiếu phim video màn ảnh hẹp, người xem phim nhiều đến thưa dần, ít dần, chiếu phim đồng bằng vắng hẳn tiếng loa để dồn sức còn lại tiến lên miền sơn cước, ở đó loại hinh phim video còn phù hợp với đông bào, phù hợp với ngân sách được phân bổ hàng năm bởi ngành chiếu bóng tỉnh ta bây giờ duy chỉ có mảng phục vụ đồng bào miền núi là chính.

Phải thẳng thắn mà nói rằng, chiếu bóng lưu động bây giờ đang tồn tại một cách èo uột và có nguy cơ không còn khả năng chiếm lĩnh thị trường văn hóa nếu như không nâng cấp, đổi mới thiết bị kỹ thuật số hiện đại tân tiến. Ai cũng thừa biết trong xu thế công nghệ điện tử hiện nay hoạt động chiếu bóng lưu động luôn gắn chặt với sự đổi mới thiết bị chiếu phim kỹ thuật số với chất lượng video sắc nét, phát hình độ phân giải cao, đầu phóng hình phải đạt tiêu chuẩn chiếu phim HD, 2D,3D, âm thanh lập thể, đa chiều sống động như thật, có đầu thu kỹ thuật số để lưu trữ phim và thường xuyên cập nhật phim mới nhất, hay nhất, như vậy mới mong đáp ứng được thị hiếu người xem trên địa bàn nông thôn, miền núi.

Thời buổi công nghiệp hóa hiện nay, nhà nhà có ti vi, có cả màn hình phẳng, màn hình cong, màn hình 2D, 3D, ở thôn bản tối đến người ta không còn muốn ra đường, chỉ ngồi nhà thưởng thức cả thế giới nghệ thuật trên sa lông, muốn xem thứ gì cũng có. Vì vậy chiếu bóng công cộng nhà nước muốn mời gọi người xem rời sa lông nhà mình đến sân bãi thì điều tối thiểu nhất là thiết bị điện ảnh phải hơn hẳn hệ thống nghe nhìn tại gia, cộng thêm đội ngũ công nhân vận hành chuyên nghiệp, tuyên truyền bài bản có sức thu hút, thuyết phục, đó chính là mục tiêu của chiếu bóng lưu động cần đạt được trong nay mai.

Hơn 60 năm qua, hoạt động chiếu bóng luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương. Hy vọng sau này chiếu bóng lưu động vẫn là đối tượng ưu tiên đầu tư số một trong ngành điện ảnh bởi trên mặt trận văn hóa không thể thiếu đội quân xung kích, đặc biệt là trong bối cảnh sau khi  có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xây dựng và phát triển điện ảnh giai đoạn 2015 đến 2020, tầm nhìn 2030.                                      

Thu Bình