.

Rượu nguội tháng ba

Thứ Bảy, 14/03/2015, 14:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng Ba, người đời thường hay nói đến rét Nàng Bân. Cái rét độc đáo này đã đi vào cổ tích và từ cổ tích ngấm vào tâm hồn người Việt một giá trị nhân văn ngọt ngào. Bức ảnh chụp vào tháng ba, bên bờ sông Nhật Lệ. Người và cây co ro và gồng mình trong gió rét, nên tôi đặt tên Gió Nàng Bân, để có không gian, thời gian cho gió hữu hình. Du khách người nước ngoài kia đã chụp rất nhiều ảnh cửa biển và dọc hai bờ sông Nhật Lệ. Sau đó, anh đến ngồi vào chiếc ghế đá phía trước, lấy từ trong người ra chai rượu nhỏ, chiêu một ngụm, tư lự ngắm dòng sông. Nhìn anh, tôi như nghe tiếng ai gọi đò vẳng ra từ bài thơ "Ly rượu nguội" của Tạ Thu Yên, khiến phải bẻ chiều cảm xúc:

Ly rượu nguội chiều nay tự uống
Mừng cho người sinh cuối tháng Ba
Mùa ấm lại, bưởi thơm vườn mẹ
Rưng rức hoa xoan tím dọc làng
Sương hay khói, mịt mờ nhân ảnh
Giữa cay nồng, ai gọi đò ngang.

Bài thơ có hai câu đầu tuy nói đến chuyện dùng rượu nguội “mừng cho người sinh cuối tháng Ba”, nhưng toàn bài lại từ tốn dâng lên ngan ngát sự tiêu sầu. Rượu là rượu, thơ là thơ; dẫu có cụm từ “bầu rượu túi thơ” như các thi sỹ phương đông thường nói thì bất quá rượu ở đây cũng chỉ là dung môi của thơ, hoặc nói: “rượu là mặt trời đóng vào chai” như các văn sỹ phương tây, ấy cũng chỉ là văn nói về rượu, chứ không phải rượu là văn. Vì lẽ đó, cho nên dù rượu có "công năng" dùng để ăn mừng hay tiêu sầu đi nữa, thì cũng can gián mọi người không nên tự mình uống quá nhiều rượu nguội vào cuối tháng Ba, mà không có hướng dẫn sử dụng, hoặc không có ai đồng ẩm, bởi lúc đó đang là rét Nàng Bân.

Theo y văn cổ truyền lẫn hiện đại, uống rượu nguội trời lạnh rất nguy hiểm: làm giãn mao mạch, mất nhiệt lượng có thể gây cảm lạnh và các tai biến về tim mạch như co thắt mạch vành tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu  thế thì quả là không còn cơ hội để ăn mừng, cho dù đó là mừng ai... Do vậy, người xưa thường phải hâm nóng rượu trắng (bạch tửu) trước khi uống, để làm bốc hơi, giảm thiểu nồng độ các chất độc ancol etylic, cồn mêtylic, làm tăng độ ngon và giành lại chừng mực nào đó độ an toàn. Rượu hâm nóng này được gọi là thiêu tửu: Chờ hơi ấm chợt bàng hoàng/  Chờ hâm chén rượu mơ màng thiên tiên /  Chờ cơn gió lả thềm đêm/ Chờ bầu thiêu tửu gợi niềm mông lung (chưa rõ tác giả).

Còn tiêu sầu?  Dùng rượu để tiêu sầu người xưa gọi là “phá thành sầu”, nhưng chắc gì rượu làm tan lòng sầu trong tất cả mọi trường hợp? Nhà thơ Lý Bạch (701-762) , một tửu đồ chuyên nghiệp, một chuyên gia "bầu rượu túi thơ" đã biết bao lần mượn rượu tiêu sầu trước thân phận, trước thời cuộc  mà phải than lên rằng: Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu/ tương tửu kiêu sầu, sầu cánh sầu (Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh/ lấy rượu tưới sầu, sầu càng sầu thêm). Một nhân vật khác, đương đại, cũng đã từng phải ngậm ngùi: Phá thành sầu nghiêng bầu ta rót /Cạn đôi ly ruột xót xa thêm / Men cay chưa thấm môi mềm/ Bão dông đã phủ bên thềm mắt xanh (Chu Hà).

Như vậy, há chẳng phải uống rượu nguội tháng Ba trong thơ thì ngan ngát buồn vui trộn lẫn, còn uống nhiều rượu nguội tháng Ba ngoài đời, trước gió Nàng Bân thì cầm chắc là buồn nhiều hơn vui!

Du khách người nước ngoài kia đã không uống quá nhiều rượu nguội như tôi từng lo lắng, có lẽ do anh đang "say" với cảnh sắc và con người nơi đây. Một chút đưa cay trước ngọn gió Nàng Bân là để giúp anh tận hưởng những khoảnh khắc đã ghi nhận được, giúp anh thấm nghiệm tâm hồn Việt qua những ngày trải nghiệm mảnh đất này. Đó chỉ có thể là chút rượu mừng mà thôi...

Trần Hùng