.
Nhàn đàm:

Tìm về một chữ "Côộc" trong ký ức tuổi thơ

Chủ Nhật, 01/03/2015, 17:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Tuổi trẻ hướng về tương lai, tuổi già ngoái nhìn quá khứ. Tôi đã già? Chưa hẳn! Nhưng sao mỗi ngày, vào những giờ khắc tĩnh lặng của cõi lòng, thấp thoáng hiện lên gương mặt bạn bè một thưở xa xôi, văng vẳng vọng về âm thanh những ngày xưa cũ. Trong mớ ký ức hỗn độn ấy có một từ, một tiếng không lẫn vào đâu, thường lăn ra như một vật thể lạ, gồ ghề, màu đen hay nâu... có lẽ bởi cái vần trắc, dấu nặng và trường độ bất thường của nó phải được viết bằng hai nguyên âm liền nhau: Côộc!

Dòng Kiến Giang (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)
Dòng Kiến Giang (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)

Quê tôi ở tả ngạn, trung lưu sông Kiến Giang. Làng thuần nông, người dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Kinh tế tự cấp tự túc là chủ yếu. Rau cỏ trong vườn, cá tôm ngoài ruộng. Giao thương, có mấy cái chợ quanh quanh. Xã có chợ Thùi, nhóm bên bờ Hạc Hải cách nhà tôi chừng hơn cây số, ăn thủy sản đầm phá. Đây là thương trường đầu tiên tôi được biết đến trong thời thơ ấu. Chợ Hôm bên kia sông, đã phải lụy đò ngang. Chợ Tréo ở trung tâm huyện lỵ, phải đi đò dọc từ sáng sớm, về quá trưa. Hôm nào mạ đi chợ Tréo là hy vọng có quà, mươi cái kẹo hay vài cái bánh lá. Ba anh em tôi chia nhau. Chị gái cũng thèm nhưng không dám xí phần, sợ mạ la rầy, con gái lớn ăn quà. Lên học cấp hai tôi đã biết chợ Hôm, học lớp tám đã đi qua chợ Tréo. Và, chợ Côộc! Chợ Côộc ở đâu? Không rõ. Chỉ biết, nếu sáng mai mạ đi chợ Côộc thì chiều nay không khí trong nhà ngoài đường như sắp có một sự kiện gì lớn lắm. Người lớn chuẩn bị những cái gì đấy như đò giang, quai chèo, thúng mủng đong đầy lúa gạo. Những người trong xóm ngày mai cùng đi thì thỉnh thoảng hỏi thăm phân công nhau chuẩn bị phương tiện thiết yếu. Nghiêm trọng đến mức trẻ con cũng sắp thành người lớn. Và tất nhiên, là tiền. Đó là một trong những lần ít ỏi trong năm người phụ nữ trụ cột trong nhà có một khoản tiền tương đối trong túi: Đi chợ Côộc cơ mà... Sáng hôm sau, thằng bé ngủ dậy là không thấy mạ trong nhà nữa. Cả ngày nó mong trời mau tối để mạ và những người hàng xóm đi chợ Côộc về, sẽ có quà và khá nhiều những thức lạ cần cho mùa rét mướt cấy hái. Ngày ấy rất dài. Những ngày dài “mong như mong mạ đi chợ về” ấy ghi lại trong tôi những câu vần vè như ca dao: “Gạo chợ Chè mười hai loong tôộng, gạo chợ Đôộng mười một loong bun, gạo chợ Xun mười hai loong gạt”. Chợ Chè ở ven quốc lộ 1, chợ Đôộng (đồi) ở Mai Thủy ven đường 15. Chợ Xun, nhiều người ngày nay cho rằng là chợ Côộc ven hạ nguồn sông Kiến Giang. Vậy là, tình cờ hay nguyên lý ca dao vẫn thế: Ba cái chợ thuộc ba vùng: Vùng Cớt (cát), vùng Roọng (ruộng), vùng Rú (rừng). Và, phút giây hạnh phúc đón mạ đi chợ về chỉ thực sự đến khi trời đã tối mịt. Người mẹ đội thúng vào nhà trong dáng điệu mệt mỏi. Cả nhà xúm lại, hạnh phúc phát sáng từ cái thúng được mở ra...

Ôi, chợ Côộc! Chợ Côộc! Ngươi ở đâu mà ám ảnh một thời tuổi thơ ta! Phải ba mươi năm sau, khi đã đi nghênh ngáo gần hết gầm trời Việt Nam, cả đất Á, cả trời Tây, để một ngày khá lâu nữa sau kỳ tái lập tỉnh, tôi mới trịnh- trọng-hành-hương lên chợ Côộc, cách Đồng Hới non một giờ xe máy, ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.Thế thôi, một cái chợ, có người mua kẻ bán, lao xao mà trật tự hiền lành như bao cái chợ khác trên dải đất miền Trung này. Tôi hỏi: Sao gọi là chợ Côộc? - Bởi ngày xưa mùa lụt có một cây gỗ lớn trôi về giữa chợ, lớn quá không ai xeo đi được, mãi thành tên. Phải rứa không hè?

Vậy, rú nguồn Côộc thì sao đây!

Quê tôi đồng chiêm trũng. Mỗi năm hai vụ, rơm thì dự trữ cho trâu bò ngày đông giá. Toóc rạ dành để lợp nhà. Nguồn nhiên liệu dựa vào củi đốt lấy từ rừng. Có một khái niệm định hướng trong dân tình: Đi rú, là chèo đò theo hói cắt qua cánh đồng lên thẳng Trường Sơn. Đi rú nguồn côi (trên) là chèo ngược sông lên thượng nguồn. Và, nguồn đưới (dưới), còn gọi là nguồn Côộc, xuôi đò xuống hạ nguồn. Đi ba ngày, có khi hơn, chủ yếu là lấy gỗ làm nhà hay làm đò (vạt nôốc). Mỗi lần đàn ông trong xóm chuẩn bị đi rú nguồn Côộc cũng nghiêm trọng lắm. Họ như thể thành tráng sĩ, như Kinh Kha sắp qua sông, như chiến binh ra trận. Nguồn Côộc ở đâu mà khủng khiếp vậy? Cũng phải ba mươi năm sau, có dịp ngược dòng Long Đại trên chiếc Ca nô có mui che, qua những thác Tam Lu... ba chục cái thác lớn nhỏ, mới hiểu vì sao những người trung niên vạm vỡ làng tôi đi rú nguồn Côộc lại chuẩn bị tâm thế nghiêm trang đến thế!?
                                        *
Thử kiến giải một chữ Côộc. Tiếng địa phương ta, Côộc là gốc. Cây có cội nước có nguồn. Từ thuở khai canh lập làng, đường sá trên bộ còn cheo leo gập ghềnh, con thuyền là phương tiện chuyên chở hữu hiệu nhất. Đi thuyền thì định hướng theo sông, theo dòng chảy. Ngược dòng thì nói đi lên (mặc dù đoạn thượng nguồn sông Kiến Giang chảy hướng Nam-Bắc, ngược sông là theo hướng đi vào Nam). Xuôi dòng cũng có nghĩa là đi xuống. Đi lên... ngọn (nguồn), đi xuống gốc (cội). Nhật Lệ được hợp thủy bởi hai nguồn, Kiến Giang và Long Đại. Kiến Giang lại được hợp thủy bởi rào Mệ và rào Con. Đi rú nguồn trên(côi) là lên ngọn, rào Mệ Rào Con đấy. Và, đi rú nguồn Côộc (gốc), là đi xuống gốc, nguồn Long Đại Rào Trù, Rào Đá. Phải chăng, cái danh tử nguồn Côộc của sông ám cả vào tên chợ mà thành tên “chợ Côộc” Hiền Ninh. Một thời chưa xa, sau ngày tái lập tỉnh đây thôi, có vị quan cấp huyện nảy ra cái “tối kiến” chuyển chợ đi nơi khác, gọi là theo quy hoạch. Không thuận lòng dân, ý đồ không thực thi được, chợ vẫn “ngự tọa” nơi cũ từng lưu dấu kí ức bao thế hệ con dân.

Đi rú nguồn Côộc, đi chợ Côộc xa lắm. Phải băng qua phá Hạc Hải (gọi là qua giữa Vời) như đùa với sóng gió. Lại vòng  ngược lên theo hướng Tây, rẽ theo con hói vào chợ Hiền Ninh - chợ Côộc! Đi từ nửa đêm, lựa khi con nước rặc mà chèo xuôi, khi lên cũng phải đợi thủy triều. Đi rú thì ngược lên nữa theo dòng Long Đại, tới khi gặp được gỗ vừa ý. Đi lấy gỗ làm nhà hay đóng thuyền gọi là “đi đẽo”, nghĩa là hạ cây gỗ xuống, chặt khúc theo kích thước định sẵn, đẽo bớt đi (sơ chế). Mỗi khúc gỗ phải hai người đàn ông lực lưỡng chung lưng khiêng về thuyền.

Tôi quen nàng, nữ sinh lớp mười (tốt nghiệp phổ thông trung học), từ Hiền Ninh lên quê tôi làm nghĩa vụ thanh niên theo điều động của huyện hợp nhất Lệ-Ninh. Mạ tôi nói với xóm giềng: Hắn ưa cái đứa đưới chợ Côộc! Nàng thanh thoát kiều diễm, gắn với cái tên chợ Côộc nghe lạ lạ vui vui, như thể các cô gái da mịn màng lại áp má vào gốc thông sần sùi chụp ảnh, tạo sự tương phản tăng thêm vẻ đẹp nữ tính. Tôi đi Nam-Bắc-Tây-Đông, một ngày trở về nghe “con sáo đã sang sông”, buồn không muốn gặp lại cố nhân. Mươi năm sau nữa, em tay bồng tay mang nghe đâu lại đứt gánh. Nay, trời sắp sang xuân mà cả tôi và em lại đã chớm đông. Gặp lại nhau thuận chăng? Nghịch chăng? Hay chí ít cùng nhau về quê, đi ruông một vòng quanh chợ Côộc, ngược dòng Long Đại trên chiếc Canô không có mui che trong một ngày cuối đông trời lạnh, thít thà khép vạt áo khoác làm duyên!

Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa thẳm
Và tình yêu như khóm lau buồn

Thơ của ai không rõ, nhưng vận vào mình nghe động cựa trong tim. Tin hay không thì thôi, nhưng nếu quay ngược được thời gian về tuổi ấu thơ, tôi sẽ làm thương nhân, ít nhất là một lần, lên thuyền với thúng mủng thóc gạo, hý hửng chèo xuôi sông về chợ Côộc, để tối mịt theo con thủy triều quay lên mệt nhoài, mãn nguyện mở thúng nhặt ra mươi chiếc bánh lá... Và, chẳng đi Nam-Bắc-Tây-Đông  đâu xa, hãy về ngay chợ Côộc, tìm em, mảnh mai dịu hiền... và sóng sánh như bát nước chè xanh tươi mới Hiền Ninh.

Đồng Hới 2-1-2015

N.T.T