.

Người giữ hồn của núi

Thứ Năm, 19/03/2015, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu chuyện bắt đầu khi một buổi sáng thức dậy giữa bản làng Khe Cát, chúng tôi được nghe tiếng cồng từ xa vọng lại, lúc trầm đục, lúc lanh lảnh. Tiếng cồng chiêng buổi ban sớm như xé tan đi lớp áo sương lạnh phủ mờ lên bản làng neo mình bên dãy Trường Sơn. Âm thanh ấy cất lên từ chiếc thanh la cũ sờn, bạc màu thời gian, từ đôi bàn tay rắn rỏi của già làng Trần Văn Phúc. Bao đời nay, âm vang linh thiêng ấy đã gắn bó máu thịt với bao thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây, ôm trọn bao ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh, giữa con người với con người...

Nhớ về những ngày quá vãng, khi tiếng cồng chiêng rộn rã khắp các bản làng của người Vân Kiều, già làng Trần Văn Phúc không giấu được nỗi tự hào, đôi mắt già lấp lánh niềm vui khó tả. Già bảo rằng hầu như mỗi sinh hoạt trong đời sống của đồng bào Vân Kiều đều gắn liền với thứ âm thanh độc đáo này. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng hay khi lớn lên, nên duyên vợ chồng, rồi trở về với tổ tiên, mỗi giai đoạn của đời người đều gắn liền với tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng những ngày hội ăn mừng lúa mới nghe tưng bừng, rộn rã. Cồng chiêng những đêm trăng đại ngàn nghe tha thiết, tin yêu. Cồng chiêng trong những lễ cưới, hỏi tưng bừng, đầy hy vọng. Cồng chiêng là tiếng lòng người Vân Kiều son sắt, là lời tiên tổ vọng về, lời của núi rừng Trường Sơn linh thiêng.

Nói rồi, già làng Trần Văn Phúc vội vã đứng lên, tiến gần đến chiếc cồng đang úp trên sàn nhà. Dường như ngọn lửa đam mê chỉ chực chờ bùng cháy, đôi bàn chân của già bước trên nền đất lạnh. Đôi bàn tay nắm lấy nhạc cụ rồi gióng lên những hồi rộn rã. Nhịp cồng chiêng lúc chậm rãi mà phóng túng, như chính phong thái trầm tĩnh, thư thả, những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người nghệ nhân chân chất. Thứ thanh âm đầy đam si ấy đã lôi cuốn già từ lúc còn rất nhỏ. 13 tuổi, già Trần Văn Phúc đã theo cha học tất cả những điệu cồng chiêng truyền thống. Đến giờ, già đã có 65 năm gắn chặt đời mình với nhạc cụ truyền thống ấy. Bước vào tuổi 78, những bước chân đã không còn vững chãi, đôi bàn tay thô ráp đã rệu rã đi nhiều nhưng tiếng cồng chiêng của già vẫn đủ sức lay động bao trái tim trân quý những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sáng, tiếng chiêng vẫn rộn rã vang lên ở khắp các bản làng Trường Sơn như tiếng gọi thức giấc, bắt đầu một ngày mới đầy hy vọng. Đám cưới, đám chay hay lễ lấp lỗ, mừng lúa mới đều có sự hiện diện của tiếng chiêng, tiếng cồng.

Già làng Trần Văn Phúc và Hồ Ai (Khe Cát) say mê bên tiếng cồng.
Già làng Trần Văn Phúc và Hồ Ai (Khe Cát) say mê bên tiếng cồng.

Có một dạo, tưởng chừng như tiếng cồng chiêng linh thiêng của người Vân Kiều đã im lìm ngủ yên trong thăm thẳm ký ức của những già làng. Bởi thứ nhạc cụ ấy đã không còn được sử dụng rộng rãi như trước. Nghệ nhân trình tấu, diễn xướng cồng chiêng cao tuổi cũng mất dần theo thời gian. Giờ thì cả bản Khe Cát chỉ còn hai chiếc cồng được úp dưới mặt sàn nhà già làng Trần Văn Phúc. Đằng đẵng bao mùa qua, bao tháng qua, bao năm qua, già Trần Văn Phúc vẫn đắng đau một nỗi niềm, liệu mai này có còn ai nhớ hồn chiêng, giữ hồn chiêng, nhịp chiêng để nó ngân rung, vang vọng mãi giữa đại ngàn Trường Sơn này?

Đến khi Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình và Công ty TNHH truyền thông Cát Vàng phối hợp tổ chức lớp “Phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru - Vân Kiều tại cộng đồng” đã làm thức dậy một phần ký ức tưởng đã chìm vào quên lãng. Là những nghệ nhân trực tiếp giảng dạy, già làng Trần Văn Phúc, Hồ Ai... như được sống lại thời trai trẻ bên chiếc cồng chiêng. Họ truyền dạy cho lớp con cháu mình những nhịp chiêng truyền thống. Những điệu cồng vốn nằm im đâu đó trong thẳm sâu ký ức bỗng trở về sống động. Phải lâu lắm rồi người Vân Kiều nơi đây mới nghe lại được tiếng cồng, chiêng rộn rã đến vậy. Và đó cũng lần đầu tiên, những đứa trẻ Vân Kiều không chỉ được mắt thấy, tai nghe mà còn được học, được tự tay đánh lên những hồi chiêng ngân vang. Từ những đôi bàn tay nhỏ nhắn, còn vụng về của những cô, cậu học trò, tiếng chiêng vang lên bên lớp học nhỏ, bên những ngôi nhà sàn. Những già làng như Trần Văn Phúc, Hồ Ai... mừng vui khôn tả.

Không phổ biến như cồng chiêng Tây Nguyên nhưng với đồng bào Vân Kiều, tiếng cồng chiêng đã gắn bó với bao đời cha ông họ, với bao kiếp người sinh – tử. Đó là tiếng của núi, của hồn sông, của thần linh, tiên tổ vọng về. Nên dẫu cuộc sống mới đã nhiều đổi khác, lớp trẻ người Vân Kiều đã khá lạ lẫm với chính những văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì những người như già làng Trần Văn Phúc vẫn quyết giữ lấy những giá trị quý báu ấy. Già trăn trở: “Nếu như có thể, tui sẽ thu âm lại những bài cồng chiêng để sau ni những người như tui chết đi rồi sẽ có cái để phát lại cho con cháu nghe, để tụi hắn nhớ và học theo. Cũng mong là văn hóa truyền thống được phục dựng lại để thanh niên trong bản, học sinh nội trú có hình thức mà vui chơi, sinh hoạt”.

Vẫn tin rằng, còn có những người nặng lòng như già làng Trần Văn Phúc, thì cùng với sáo Pi, kèn Aman, đàn Achung, điệu Tính - tùng, lễ lấp lỗ, mừng lúa mới... văn hóa cồng chiêng sẽ vẫn mãi gắn bó với đồng bào Vân Kiều. Và trước thần linh, tiên tổ, những người con của núi rừng Trường Sơn ấy vẫn sẽ nguyện một lòng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha mình, như dòng thác Tam Lu vẫn muôn đời chung thủy, ào ạt đổ rồi mải miết chảy xuôi, ôm ấp bao xóm, bao làng.

Diệu Hương