.

"Mối tình" giữa ảnh và thơ

Thứ Năm, 12/03/2015, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà nhiếp ảnh hoàn toàn bất lực khi không có ánh sáng. Còn thơ, lại không cần như vậy, có cảm xúc, ý tưởng và tài năng thì ở bất cứ đâu, nơi nào, ngay cả trong đêm tối, thơ vẫn cứ hiện lên. Và hơn nữa, điều mà thơ nói đến thường không cụ thể trực quan như trên ảnh. Phải chăng thơ và ảnh là hai sự trái ngược?

Thơ, thơ đong từng ngao như tát bể
Là cán cân nhỏ xíu để đong đời

                             (Chế Lan Viên)

Nhà thơ chắt lọc, đẽo gọt ngôn từ để tạo ra những tứ thơ giàu hình ảnh. Toàn bộ cảm xúc, ý tưởng của nhà thơ trước cuộc đời được diễn tả một cách tinh tế, tạo ra nhạc điệu, nhịp điệu, nhịp về âm thanh, cả về ý nữa. Cũng có lúc nhà thơ nêu ra cái cụ thể nhưng là để diễn tả cái cao cả, cái trừu tượng.

Khi Phạm Tiến Duật viết:

Xe không có kính không phải vì
xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ
mất rồi

Là nhà thơ vừa cụ thể, lại vừa khái quát, nói đến một người lính lái xe trên chiến trường ác liệt, lại để nhấn tầm lớn, rất lớn của anh:

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất trời, nhìn thẳng
Người lính ấy đã không còn nhỏ bé nữa...

Bài thơ tựa như một bức ảnh đen trắng vậy. Một tấm ảnh chụp cận cảnh người lính lái xe đầu bị thương, mặt đầy bụi đất vẫn đang cố giữ tay lái  đưa chiếc xe qua vùng lửa đạn. Bức ảnh này phải chụp cận cảnh và độ nét phải tập trung vào đôi mắt, còn đôi tay cầm lái có thể nhòe đi. Ở đây chất tài liệu xen lẫn sử thi anh hùng ca được nhấn mạnh.

Ảnh là cụ thể, song cũng như thơ, nhà nhiếp ảnh phải biết chắt lọc những chi tiết giàu sức biểu đạt đang bị lẫn trong đời sống. Nhà nhiếp ảnh cũng như nhà thơ, phải biết loại bỏ đi những gì không cần thiết, làm vướng, làm rối chủ đề chính. Cách loại bỏ trong ảnh có khác, bằng cách sử dụng tiêu cự và độ mở khác nhau của ống kính, chọn tốc độ phù hợp... Chẳng khác nào làm thơ, nhà thơ phải chọn được những từ “đắt”  nhất trong kho tàng ngôn ngữ của mình.

Các thể loại của ảnh và của thơ cũng có điểm khá giống nhau, có sử thi anh hùng ca, có trữ tình, có tự do, có chiêm nghiệm. Trong ảnh có chất thơ và trong thơ lại có ảnh:

Xanh ngát màu xanh, biển như hàng ngàn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại.

Người giàu trí tưởng tượng hình dung ra tấm ảnh mênh mang biển và khoảng trời xanh lồng lộng.

Buổi trưa nắng bầy ong đi lấy mật
Vào vườn rồi anh chẳng nhớ lối ra

Đọc Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ... người yêu ảnh hình dung ra một bức ảnh chụp chiều trong công viên nơi có ánh sáng lọt qua kẽ lá, chiếc ghế đá vắng lặng, nơi hai người gặp gỡ và chia tay.

Ảnh và thơ đều dựa trên phẩm chất quan trọng của một người nghệ sỹ là sự giàu có của trí tưởng tượng. Cái cụ thể như chọn từ, đặt câu trong thơ hay chọn bố cục, ánh sáng trong ảnh bao giờ cũng bắt đầu từ sự nhạy cảm và sức tưởng tượng của người nghệ sỹ. Nếu không, người làm thơ chỉ là anh nhân viên ngồi bàn giấy, còn người chụp ảnh chỉ là một anh thợ ảnh, “nhìn” thấy nhưng thực ra chẳng “cảm” thấy điều gì.

Người làm thơ và người chụp ảnh cùng sống và nhìn thấy mọi sự vật diễn ra. Nhiệm vụ của họ là phải viết và chụp được cái đằng sau cái nhìn thấy, cái mà không phải là nghệ sỹ thì không thể thấy được. Và sự phản ánh đó phải rất riêng, không lặp lại người khác.

Về bài thơ Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật hay Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ, thơ theo lối tự sự, kể chuyện thật bình dị, vậy mà lạ, để rồi ai cũng nhớ, nhớ vì cái nhìn thấy lại như rộng hơn, cao hơn, khiến không những ai là lính lái xe, là lính chiến trường mà cả ở hậu phương vẫn hình dung ra cái chất anh hùng của người chiến sĩ vận tải ở Trường Sơn những năm chiến tranh ác liệt.

Như một đôi tình nhân, yêu nhau nhiều, giống nhau lắm nhưng cũng có “khoảng trời riêng”. Cái khắc nghiệt của người làm ảnh là phải có phương tiện kỹ thuật, máy móc đắt đỏ và phức tạp hơn cây bút của nhà thơ, lại nữa anh ta phải bắt chớp nhanh hiện tượng, sự kiện, không nhanh tay, nhanh mắt thì bao ý tưởng đẹp, động cơ tốt sẽ trở thành vô vọng. Còn thơ thì có thể chậm rãi, bình tĩnh hơn, ít bị tác động bởi ngoại cảnh, bởi cơ, quang, lý, hóa... như nghề ảnh.

Điều khác nữa là nếu trên ảnh cho thấy một điều để nói, để nhấn mạnh, một không gian, thời gian cụ thể: sóng, biển, hoàng hôn, núi... thì trong thơ không gian như rộng hơn, nhiều nhân vật hơn và thời gian có khi xen cả quá khứ lẫn hiện tại.    

Hành Tiến