.

Đọc trường ca "Sóng Linh Giang"

Thứ Ba, 10/03/2015, 13:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi con người, mỗi vùng quê đều “chứa một phần lịch sử”. Nhưng khác với những nhà chép sử, các nhà thơ nhà văn tái hiện lại lịch sử bằng hình tượng. Thông qua hình tượng ngôn ngữ mà bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình. Cùng một hiện tượng, sự kiện, biến cố lịch sử có thể có nhiều góc nhìn, đánh giá, cảm xúc khác nhau. Cảnh Giang chọn thể loại trường ca để tái hiện lịch sử của vùng quê cuối nguồn sông Gianh (Đại Linh Giang) một dòng sông cổ tích, dòng sông lịch sử, mang trên mình biết bao huyền thoại; với mong muốn “thế hệ bây giờ” và “thế hệ mai sau” biết được:

Nơi đây
      Mảnh đất này
            Một thời
                  Chiến trường máu lửa.
                       Một lũy thép Kiên cường
      Qua đạn réo, bom rơi...

Lời mở đầu của trường ca hết sức quan trọng, nó thường chi phối toàn bộ giọng điệu của tác phẩm. Phần lớn trường ca viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta đều có chất giọng hào hùng, là những tráng ca, những bản anh hùng ca. Đan xen chất giọng hào hùng là chất giọng bi thương, thống thiết khi nói đến sự tàn ác của chiến tranh, khi tái hiện lại cảnh đầu rơi, máu chảy.

Trong trường ca Sóng Linh Giang, tác giả đưa người đọc ngược về quá khứ để cùng lắng nghe “tiếng vọng thời gian”:

Cuộc chiến tranh giành
       Nồi da xáo thịt
            Dòng  Linh Giang
                Phân chia Trịnh Nguyễn
                        Máu ông cha
                                Nhuốm đỏ
            Lòng mẹ đau
                       Ranh giới hai miền...

Ít có dân tộc nào trên thế giới vừa bị nạn ngoại xâm vừa chịu cảnh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn“ như dân tộc Việt Nam. “Máu ông cha nhuộm đỏ” từng bờ tre, gốc rạ, đường cày... Cũng như bao vùng quê khác của Quảng Bình, của Bố Trạch, dưới thời  phong kiến, người dân quê Thanh Trạch bị áp bức, bóc lột, đầu tắt mặt tối “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”:

Thương cha
      Một đời cơ cực
           Tấm thân gầy
                 Dãi gió dầm mưa

Đến thời Pháp xâm lược, dòng Linh Giang lại tiếp tục “chảy máu”. Các cụ bô lão vẫn còn nhớ như in những trận càn của giặc Pháp vào khu du kích:

Xóm Cồn
  Xóm Dừa
    Xóm Làng...
      Các xóm
         Từng ngôi nhà bốc lửa
Từng lão nông gục chết bên đường cày
Máu đầm chân ruộng...

Các cụ ông, cụ bà vẫn thường kể lại cho con cháu trong làng nghe câu chuyện giặp Pháp tử hình ông Hồ Bá Luân – một cán bộ Việt Minh ở chợ Thanh Hà. Khí phách của ông Hồ Bá Luân – người con của quê hương Thanh Trạch đã làm cho quân giặc phải “kinh hồn, bạt vía”, khi:

Súng giặc nổ
     Mười viên đạn Pháp
              Anh rướn lên
                       Quắc mắt căm thù
                                Anh ba lần gọi Bác:
     Bác Hồ muôn năm!
                 Bác Hồ muôn năm!
                               Bác Hồ muôn năm!

Tái hiện lại giây phút bi hùng ấy làm cho trường ca Sóng Linh Giang của Cảnh Giang hừng hực chất sử thi. Chất sử thi còn nối dài khi tác giả viết về thời chiến tranh chống Mỹ. Nhưng nếu như thời chống Pháp, những sự việc tác giả tái hiện chủ yếu là qua lời kể của các bậc cao niên, của các vị lão thành cách mạng thì thời chống Mỹ Cảnh Giang là người trong cuộc, là người chứng kiến. Đây là trận đánh đầu tiên giữa tàu hải quân của ta với máy bay giặc Mỹ:

Đạn trên tàu vun vút sáng trời xanh
    Máy bay Mỹ
         Vút lên, lao xuống
            Bom dội lên tàu, từng cột nước
                                             Vây quanh.

Ngư trường sông Gianh quê anh là nơi xuất phát của “những chiếc tàu không số” với “những con người không tên”:

Vượt bão tố trùng khơi
Mở con đường trên biển

Trong phần cuối trường ca Sóng Linh Giang, tác giả tái hiện lại vụ máy bay thả bom ngày 13-1-1973, vào thôn Quyết Thắng làm chết 156 người, trong đó có 11 người dân địa phương và 145 người là thanh niên xung phong, công nhân, bộ đội đang tham gia chiến dịch bốc chuyển hàng hoá ở Cảng Gianh:

Dưới tiếng rú xé trời
Máy bay lồng lộn
Người sống đớn đau
Nhặt từng thi thể
Gom lại từng cánh tay núm ruột
Khuôn mặt cháy đen chẳng nhìn ra gái
trai  già trẻ
Chăn, chiếu, ni lông chia xương thịt
từng phần...

Đó là cái ngày hết sức tang thương mà người dân Thanh Trạch không ai quên được. “Thế hệ bây giờ” và “thế hệ mai sau” khi đọc những vần thơ này của Cảnh Giang chắc chắn cũng sẽ không thể quên vụ ném bom rải thảm kinh hoàng này.

Để viết được trường ca Sóng Linh Giang, nhà thơ Cảnh Giang phải làm việc hết sức công phu, trăn trở. Anh dành rất nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa, phong tục của vùng quê bắc Bố Trạch. Đối tượng mà anh hướng đến để  tâm sự, giãi bày, kể chuyện, trần thuật là các bạn trẻ “thế hệ bây giờ” và “thế hệ mai sau” nên anh lựa chọn cách diễn tả  giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Giữa những khổ thơ tự do, tác giả chen vào một số đoạn thơ lục bát mộc mạc, chân chất, nhẹ nhàng như những lời ru, làm cho các chương, các khúc kết nối với nhau khá chặt chẽ. Diễn biến sự việc được tác giả sắp xếp theo trật tự thời gian, theo dòng lịch sử nên người đọc rất dễ theo dõi. Mặc dù chưa phải là một tác phẩm đặc sắc và còn nhiều điều cần phải bàn về cấu tứ, ngôn từ, hình ảnh... nhưng những tìm tòi, sáng tạo của tác giả trường ca Sóng Linh Giang rất đáng được trân trọng. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa mà nhà thơ Cảnh Giang dâng tặng quê hương thân yêu của mình.

Mai Văn Hoan
       (*)Trường ca Sóng Linh Giang, NXB Thuận Hóa, 2014