.

À ơi lắng giọng ru hoa

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:08 [GMT+7]

(Nhân đọc tập thơ “KHÚC RU NHỮNG BÔNG HỒNG” của Trương Thị Cúc, NXB Nghệ An-2014)

(QBĐT) - Như đã mặc định của cả nhân gian, hoa hồng, từ bao giờ, được tôn vinh là “Hoàng hậu của các loài hoa”, là biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc. Thi đàn những năm gần đây xuất hiện nhiều “giọng" ru khá ấn tượng: Ru mưa (Nguyễn Thi Nhung), Ru em ru tôi (Trương Vĩnh Tuấn), Tự ru (Nguyễn Thị Phước). Trương Thị Cúc mạo hiểm chọn “hoàng hậu”, một loài hoa rất “khó ngủ” để ru, có vẻ như đã khá thành công khi “hoa” thì không khép cánh mà tác giả luôn mở lòng. Hãy lắng nghe những chương à ơ đầu của chị:

Bông hồng kia cài vào trái tim em như
bùa mê huyễn hoặc
Anh chợt đến cài then tiếng khóc
bằng đôi môi.

                     (Ru những bông hồng)

Thách thức, nổi loạn ngay những câu thơ đầu tiên. Sau đó, nhà thơ: Ru sông (đục hóa trong), ru rượu (nhạt thêm nồng), ru cây, ru quả chín, ru cành, ru mái tranh, ru mắt đỏ, ru câu thề, ru núi, ru gió... để cuối cùng lộ ra là:

Dịu dàng em hát ru anh
 À ơ... giọt mắt long lanh ướt lòng

                              (Ru)

Có một “thi pháp” tuyệt vời trong ca dao hình thành từ ngàn năm đã “mật truyền” vào thơ chị: Nói loanh quanh, vòng vo như trai gái hẹn hò để cuối cùng mới thò ra một chữ TÌNH muôn thuở. Hãy nghe người con trai của ca dao thổ lộ:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước  xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay!

Trương Thị Cúc có cái “kỹ năng” chuyển hóa ca dao thành thơ mình mà không ai có thể bắt bẻ được. Hoặc, chí ít thì chị thẩm thấu một giai điệu nào đó của ca dao nhưng phần lời là của chị. Trong bài thơ “Tình trong câu hát” (trang 25), chỉ trừ câu bát đứng hàng thứ hai là hơi thô, còn lại đều là những câu ca dao đẹp của Trương Thị Cúc. Điều đó cũng bằng lời khen rằng: Thơ tình lục bát của chị đẹp như ca dao. Trong những câu lục bát sau đây không phân biệt được đâu là ca dao đâu là sáng tạo của nhà thơ:

Miếng trầu cánh phượng chưa têm
Mạn thuyền ai tựa chùng chiềng câu ca
Người về người có nhớ ta
Khăn vuông em gói trâm thoa cài đầu
Ai xui con mắt lá răm
Quán Dốc em đợi ai rằng có thương
Bắc cầu dải yếm trong sương
Mong giờ vãn hội đón đường tìm nhau

“Giờ vãn hội” nhé, không phải “ngày vãn hội” đâu. Nghĩa là, gặp nhau ngay trong đêm ấy, khi hội đã vãn, đã ... khuya. Ngôn từ cả bài thơ đã xuất hiện nhiều lần trong ca dao. Trương Thị Cúc chỉ sắp xếp lại theo cách của mình, bằng tâm hồn mình, bằng trái tim yêu trái tim thơ của mình, để thành bài thơ của riêng mình. Từ những câu ca dao rất quen: Gió sao gió mát sau lưng/ lòng sao bỗng nhớ người dưng thế này” và “Người khôn ăn nói nửa chừng...”, Cúc xáo lại thành câu thơ của mình từ lúc nào:

Người dưng ơi hỡi người dưng
Chớ buông câu nói nửa chừng trêu ngươi

Cũng nhân đây mong tác giả chỉnh sửa câu tám trong hai câu mở bài: “Làng quê mở hội xuân rằm/ Người đi qua ngõ em nằm không yên”. Câu tám hơi thô, không ăn nhập với giai điệu rất mềm mại trữ tình của cả bài.
Trương Thị Cúc có khả năng “nói’ thành một câu thơ. Những câu thơ ấy lạ về ngữ âm, nếu được câu  đứng liền kề sau đỡ dậy thì cấu thành một đoạn thơ hay như một “đảo phách” trong âm nhạc:

Tôi huơ tay tìm kiếm
Chỉ là gối chiếc chăn đơn
                     ...
Trái tim nênh nổi vì sao?
                   ...
Người đi chôn trái tim ta
Cúc vàng gọi với thu xa khản lời
                      ...
Tôi bồng con thơ ngược đường gió chướng

Nhưng cũng có lần câu sau không gượng lên được nên cái thủ pháp mạo hiểm cheo leo của câu thơ bị rơi: Bài “Dưới trời mưa tuyết” với lời đề tặng “Tặng em gái và HM”, chị viết (nói): “Sợi dây trói buộc đã đứt” một câu thơ như một câu nói chờ đợi sự bất ngờ thú vị tiếp theo, nhưng tiếc rằng câu thơ sau không đủ độ cứu rỗi: “Và em tin nơi tuyết phủ sẽ nở hoa bình minh”. Có lẽ vì tác giả chưa bao giờ trượt ngã trong tuyết nên câu thơ còn quá nhẹ. Chị cũng có khả năng “mượn” của người khác làm của mình mà chủ sở hữu câu thơ nguyên bản không thể hoặc không nỡ khiếu kiện. Ai cũng biết nhà thơ Phùng Quán là tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ đứng dậy”. Trương Thị Cúc viết: “Vịn thơ đứng dậy đi tìm”. Rõ ràng là đã có chuyện mượn tạm, nhưng câu thơ đã chuyển thể tự do sang lục bát, động từ chính  “đứng” trở thành phần phụ cho động từ đi, nên phần nào đã phi tang, thật khó mà bắt bẻ được. Hoặc, độc giả cũng đã khá quen với hai câu thơ thế sự khá hay:

Ai cũng có những phút giây ngoài       
chồng, ngoài vợ
Đừng có trách chi một chút xao lòng...

Trương Thị Cúc mượn lại:

Ai cũng có phút xao lòng
Huống chi mười năm thiếu phụ

Cúc nén hai câu của người khác lại làm một, làm điểm tựa để ném ra một câu của riêng mình thật đau, gây hiệu ứng thẩm mỹ mạnh hơn, nhân văn hơn và thực sự... hay hơn nhiều. Đó là kiểu “Mượn quả khế trả cục vàng”- đáng lắm chứ! Dám “mượn” của Huy Cận mới thực sự liều. Nhưng Cúc khôn và ngoan ở điểm chỉ mượn giai điệu thôi. Mà giai điệu lục bát thì “giống nhau như mặt lợn con”, làm sao bắt bẻ được. Huy Cận viết:

Ngày dài con nhện chăng mau (Ngậm ngùi)

Trương Thị Cúc viết;

Giọt buồn năm cũ qua mau (Nắng mồ côi)

Đẹp như buổi chiều chủ nhật! là câu “có cánh” thông thường trong sinh hoạt của người đời, Cúc mang vào thơ mình thoải mái như không: “Buồn như chiều đã cũ chưa đi” (Dưới trời mưa tuyết). Có lúc chị mượn tạm khẩu khí người khác một cách hết sức tinh vi, và cũng có thể khẳng định là thành công:

Bóng Thần Đinh ngã vào thung lũng
Em quẩy vừa một gánh đung đưa (...)

Ngẫm thật kỹ thấy lộ ra cái khẩu khí của Cao Bá Quát. Cách nay gần trăm rưỡi năm, nhà thơ, khi đến Đèo ngang đã viết:

Sáng lên Hoành Sơn trông
Chiều xuống Thạch Bàn tắm
Nhặt hòn đá hai nơi
Núi sông không đầy nắm.
(Tắm ở khe Thạch Bàn)

Bởi Cao Bá Quát lớn quá, nên không dám so sánh. Nhưng cái táo bạo của một cây bút nữ dám quẩy “Thần Đinh” vào một gánh thì... liều thật. Nên, trộm vía nói, Cúc đã mượn thật chín, thật nhuyễn, thật đáng.
Tiện đây, tác giả bài viết này xin đảo qua một lình xình văn chương mới xảy ra gần đây. Cách nay đã bốn mươi năm, Giáo sư văn chương Nguyễn Kim Đính có hai câu thơ rất ấn tượng về phong trào hoàn thành kế hoạch hàng năm trước thời hạn của các xí nghiệp (thường đốt pháo ăn mừng):

Đào chưa về nhà máy đã sang xuân
Tiếng pháo nổ lịch trên tường ngơ ngác.
 Năm vừa rồi, một nhà thơ mượn lại ý này nhưng không phi tang:
Chồng lịch chưa vơi trên bàn giám đốc
Đào chưa về thợ mỏ đã sang xuân

Thần của câu thơ nguyên bản nằm ở năm chữ siêu thực “lịch trên tường ngơ ngác”. Người làm những câu thơ sau không vượt được “quãng dốc” này nên bị lộ bài. Đáng phàn nàn hơn là bài thơ sau lại còn được trao giải thưởng Công đoàn – Công nhân, thật không đáng. Việc dùng lại ý tứ của nhau, không lạ. Nhưng, như người đời thường nói, là phải “tiêu hóa”  kĩ, biến nó thành của mình, phi tang, để chủ nhân trước không có lý do đòi lại.

Đọc “Khúc ru những bông hồng” không khó để nhặt được nhiều câu thơ lạ, về ý, về ngữ âm, tiết tấu, cả giai điệu. Thậm chí có những câu như rối loạn mà vẫn nằm trong logic thi ca hữu lý. Những câu thơ dữ dội như tiếng lòng bất an:

Đêm gào thét trái tim ngoảnh mặt.
Náo loạn vành môi đơn côi
                        ...
Giọt mặt trời gõ xám mái tranh

                                 (Tim nghiêng)
Ta ngang tàng đưa cay đắng ra phơi
                                                      (Phơi)
Nước vẫn chảy quanh co ái ngại
                                                        (...)
Em bận bịu đốt hoàng hôn tơi tả
Bàng hoàng nhặt lại mảnh rèm xanh
                        ...
Gõ lên phím đời định mệnh
Nhang khói cháy câu thơ buồn

                                    (Mặc tưởng)
Mặt kính vệu vạo chênh vênh
Không soi hết mặt ngày vụn vỡ

Và, những câu thơ “phồn thực” rất nhuyễn, rất thanh: “Trong tro tàn ta đốt hồng ngọn lửa/ Cây cỏ tự tình mãi cứ non tơ/ Tiếng chim hót như lần đầu chim hót/ Mùa xuân thơm suối hoa đào” (Ký ức xanh)...  

Thơ tình của Trương Thị Cúc trong “Khúc ru những bông hồng” khá ấn tượng. Có những bài hay, nhiều câu thơ hay, đã manh nha một cá tính thơ rất độc đáo. Bài “Tình không đêm cuối” là đỉnh cao tâm trạng. Khát khao nổi loạn thể hiện cả trong tiết tấu, liên tục đảo phách đảo nhịp. Bài “Bán tuổi” tứ rất lạ, diễn ngôn hồn nhiên dung dị mà lay động tận đáy trái tim người đọc. Nhưng trong tập cũng có một ít bài trung bình hoặc hơi đơn giản cho thấy tác giả chưa dụng công, dễ dãi trôi theo dòng thơ chào mừng kỷ niệm. “Ru xanh” là bài thơ không đáng đưa vào tập, thậm chí lọt vào cả những câu thơ, những mạch diễn ngôn dưới trung bình, có cảm giác như không phải thơ Trương Thị Cúc: “Dù hiểm họa chiến tranh” “Ai mưu kế hại người” “ Không chối bỏ số phận” “...nỗi đau trả giá” “Vượt nghìn trùng...” “Mặc phong ba bão tố”,“Kí ức chạm...” “Chắc thần Dớt...”. “Dù hiểm họa chiến tranh” “Để tạo nên màu xanh diệp lục”. Nhưng kể cả trong một bài thơ trung bình bất ngờ lại có một câu hay, một câu tám viết về nghề giáo thật hay, tưởng như chưa bao giờ gặp được: Bảng đen phấn trắng một thời/ Tiếng ve khản giọng góc trời đam mê”

Vâng! Với “Khúc ru những bông hồng”, dễ nhận ra cây bút Trương Thị Cúc đã đi một quãng dài trong sáng tạo thơ, đặc biệt là thơ tình, không phải là một góc mà đã là... một trời đam mê.
 

Nguyễn Thế Tường