.

Năm Mùi nói chuyện con dê

Thứ Năm, 19/02/2015, 11:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Các em ạ, với âm lịch, năm 2015 là năm Ất Mùi, năm có biểu tượng là con dê. Ất là can thứ hai trong “thập can”, Mùi là chi thứ 8 trong “thập nhị chi” của âm lịch. Ất Mùi thuộc mạng “Sa trung kim” (vàng trong cát). Mùi còn gọi là “Vị”, chữ Hán gọi là “Dương”. Năm dương lịch nào có số 5 sau cùng đều gọi là “Ất”.

Dê là loài thú cùng họ với bò, loài nhai lại, hình dáng thường nhỏ gầy, không to béo như các loài thú khác. Chân dê có 4 móng, thuộc loại “guốc chẵn”. Xa xưa, dê sống ở trong rừng núi, rồi được người đem về nuôi. Sừng dê cong về phía sau, dưới hàm có túm lông như râu vậy. Linh dương đầu bò ở các nước châu Phi có hai sừng cong vào nhau và to, nặng như con bò. Dê thường ăn các loại lá cây, cỏ không có độc.

Dê rừng có hai loại theo màu sắc của cặp sừng dê:

- Dê rừng trắng sừng là loại Linh dương, còn gọi là Lộc linh dương. Trước đây, ở nước ta có giống Linh dương có một sừng, rất cứng.

- Dê rừng đen sừng, tức Sơn dương, còn gọi là Nguyên dương.

Hiện nay, người ta nuôi dê ở đồng bằng hoặc miền núi để lấy thịt và sữa ăn. Mỗi con dê nặng thường là 15-20 cân. Có loại dê nhập ngoại thì nặng đến 30-40 cân. Thịt dê ăn ngon, giàu đạm và các chất axít amin,... không kém thịt bò. Hàng  năm  mỗi con dê cái có thể cho 600-900 lít sữa. Sữa dê uống tươi rất bổ.

Thịt dê được dùng nấu các món ăn đặc sản: dê hầm hạt sen, dê nấu ca ri, dê nấu dựa mận, dê nướng chả ba lớp, dê xào lăn, dê tái chanh, gỏi dê, bó sổ dê, lẩu dê, hấp, hoong, nướng, ...Phổi dê nấu canh rất bổ thận; thận, gan dê nấu cháo cũng vậy. Thịt dê xào hành, gừng, tiêu làm đẹp cơ thể,...

Thịt dê được dùng trong 20 vị thuốc Đông y, nấu cao. Tim dê, lông dê... cũng là những vị thuốc hay. Bộ da của dê cũng là bộ da quý và đắt giá để may áo ấm,...

Dê có khả năng sinh sản từ một năm tuổi. Dê cái mắn đẻ, mỗi năm đẻ 2 lứa hoặc 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa có 2 con, ít khi có 3 con. Dê con lớn rất nhanh, thường kêu “be be”. Đàn dê sống với nhau tạo thành sức mạnh, có thể chống lại kẻ thù mạnh và dữ như hổ, báo, sư tử. Đó là đặc tính của đàn dê kể cả dê nuôi hay dê rừng.

Trong văn hóa Việt cũng như thế giới, con dê cũng được xuất hiện nhiều.

Bịt mắt bắt dê.                 Tranh dân gian
Bịt mắt bắt dê. Tranh dân gian

Hình tượng con dê đã được khắc vào Dụ Đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh bằng đồng đặt trước Thế miếu trong Đại Nội, kinh đô Huế (năm Minh Mạng thứ 17-1836). Ở một số đình miếu, đôi khi người ta cũng đắp, vẽ hình tượng những con dê cùng với phong cảnh rừng núi. Ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, dê và một số con vật khác như bò, lợn được chọn là con vật để tế thần, như lễ Thái Lao hay lễ “Tam sinh” với ba con vật, trong đó có con dê.

Ở một số nước như Ấn Độ, con dê cũng rất được tôn trọng. Nhìn chung, con vật này được biểu thị như một công cụ hoạt động của Trời phù hộ cho Đất, nói chính xác hơn là cho nghề nông và nghề chăn nuôi. Ở Hy Lạp, nó là biểu tượng của chớp, ngôi sao Dê báo hiệu cho giông và mưa...

Ngọc Hiên Hiên