.

Lễ hội xuống đồng ở Lộc Ninh

Thứ Năm, 26/02/2015, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó máu thịt với người dân xứ Quảng, ươm mầm và nuôi dưỡng cho những ước mơ cất cánh từ đồng ruộng để bay cao, vươn xa làm giàu cho quê hương. Chính vì vậy, trong tâm khảm của bất kỳ người nông dân nào, những phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo của nền sản xuất nông nghiệp đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tinh thần. Bởi, đó vừa là cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vừa là sự tri ân đến các bậc tiền nhân xưa-những người đã có công khai hoang lập đất.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, biến động của thời gian, người dân xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn còn giữ được vẹn nguyên lễ hội xuống đồng như một minh chứng cho nỗ lực bảo tồn các giá trị truyền thống bền vững của bà con nơi đây.

Với lợi thế từ thủy nông, kinh tế nông nghiệp bấy lâu nay là nguồn sống của biết bao thế hệ người dân Lộc Ninh và từ cây lúa đã mang đến cho bà con cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì lẽ đó, niềm mong ước thời tiết thuận lợi để mùa màng bội thu luôn canh cánh trong lòng mỗi người nông dân. Theo cuốn “Quảng Bình-Ẩn tích thời gian” (NXB Thuận Hóa, năm 2014), lễ hội xuống đồng ngày nay của xã Lộc Ninh chính là sự kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ lễ cầu mùa-một nghi lễ có từ rất lâu đời, ngay khi cây lúa nước xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người xưa. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Xá cho biết, lễ hội xuống đồng được tổ chức vào một trong các ngày từ 20 đến 30 tháng 12 hàng năm tính theo dương lịch, đây là thời điểm bắt đầu của vụ đông-xuân và cũng như sự tiễn biệt một năm cũ sắp qua đi, chào đón một năm mới đến cho mùa màng tốt tươi, lúa chín đầy đồng.

Phụ nữ được lựa chọn gieo hạt giống đầu tiên trong lễ hội xuống đồng xã Lộc Ninh.
Phụ nữ được lựa chọn gieo hạt giống đầu tiên trong lễ hội xuống đồng xã Lộc Ninh.

Cụ Nguyễn Bá Mò, 77 tuổi, thôn 8, Lộc Ninh vẫn còn nhớ như in lễ hội xuống đồng mấy chục năm về trước. Thuở đó, khi trình độ sản xuất còn thô sơ, lạc hậu, trông chờ nhiều vào thời tiết, lễ hội xuống đồng mang một ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng, khẳng định sự gắn bó mật thiết của người dân với cây lúa, với thần nông và với trời đất, thiên nhiên. Lễ hội chia làm hai phần, phần lễ và phần hội, tất cả các hoạt động đều được chuẩn bị, tổ chức nghiêm cẩn, chu đáo. Các lễ vật được bày trên một chiếc bàn nhỏ và khá đơn giản, nhưng phải được chọn lựa kỹ càng, gồm: nải chuối, rượu, trà, đầu heo, một thúng má... Ngoài ra, lễ vật không thể thiếu là các loại bánh làm từ gạo do chính tay các bà, các chị tỉ mẩn làm từ trước.

Đúng ngày lành tháng tốt, tại địa điểm cố định là một thửa ruộng đã được chọn, lễ hội chính thức bắt đầu. Sau 3 hồi trống thúc giục để bà con tập hợp đông đủ, ông trưởng làng sẽ đọc sớ cầu chúc cho mùa màng bội thu, lúa tốt đầy đồng, đất trời thuận hòa. Tiếp đó, chủ nhiệm hợp tác xã sẽ đọc quy ước về sản xuất, mọi hộ gia đình phải tuân theo sự điều hành của tập thể, không được làm trái các quy ước đã đề ra. Cụ Mò phân tích thêm, về thực chất, lễ hội xuống đồng là để nhắc nhở bà con xã viên gieo cấy đúng thời vụ, không sớm không muộn, bảo đảm lịch mùa màng chung của hợp tác xã. Phần hội tiếp nối tưng bừng, náo nhiệt với phần cấy thi. Các chị em xã viên nô nức thi cấy, ai cấy nhanh, đều, thẳng hàng sẽ giành phần thắng và được thưởng. Bên cạnh đó là nhiều nội dung hấp dẫn khác, như: thi cày, trò chơi dân gian... Sau khi vụ đông-xuân thu hoạch, bà con Lộc Ninh lại có lễ ăn cơm mới để cảm tạ trời đất ban cho mùa vàng.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Xá, hiện nay, lễ hội xuống đồng vẫn được tổ chức hàng năm ở Lộc Ninh do ba hợp tác xã Phú Xá, Hữu Cung và Quang Lộc đứng ra lo liệu. Phần lễ vẫn giữ nguyên vẹn các nghi thức, lễ vật. Ruộng lựa chọn làm lễ được cày bừa, bón phân, chăm sóc, chuẩn bị kỹ càng. Điểm đặc biệt nhất là ban tổ chức sẽ lựa chọn 1 người (thường là nữ) để gieo hạt giống đầu tiên trên đồng ruộng làm lễ. Người phụ nữ này được chọn lọc trong xã viên, bảo đảm  tiêu chí không chỉ gieo giỏi, chăm chỉ, cần cù, đảm đang mà gia đình phải thuận hòa, con cái ngoan hiền. Sau khi chị gieo hạt giống xong, toàn thể các ruộng xung quanh cũng sẽ bắt đầu gieo hạt giống, chính thức bắt đầu vụ mùa Đông-Xuân. Phần hội thi cấy, thi cày và lễ ăn cơm mới hầu như không còn được tổ chức.

Đến hẹn lại lên, cứ cuối đông, người dân Lộc Ninh lại một lòng hướng về lễ hội xuống đồng-một nét văn hóa đặc sắc truyền từ đời này sang đời khác, góp phần cổ vũ phong trào phát triển nông nghiệp, thổi nguồn sinh lực mới cho bà con nông dân. Để duy trì lễ hội trong hoàn cảnh đô thị hóa, khoa học công nghệ lấn át như hiện nay là một nỗ lực lớn của bà con và chính quyền xã. Ngoài mang giá trị tâm linh trong sản xuất nông nghiệp, lễ hội được ví như sợi dây liên kết tình làng nghĩa xóm, để người Lộc Ninh dù đi đâu về đâu cũng luôn đau đáu về với quê hương, mong muốn làm giàu cho mảnh đất này.

Mai Nhân