.

Khi Bài Chòi "khoác áo" di sản...

Thứ Ba, 17/02/2015, 11:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày đầu xuân, trong cái rét se se của tiết trời, người người nhà nhà xúng xính, rực rỡ trong màu áo mới, mọi lời chúc câu chào như làm không khí xuân đã ấm lại càng thêm ấm. Và trong ngày vui đầu năm đó, Bài Chòi chính là sân chơi độc đáo gắn kết chặt chẽ cộng đồng, tô thắm thêm không khí xuân và nhắc nhở nhiều đến đời sống tinh thần đậm chất truyền thống xưa. Nghệ thuật Bài Chòi dân gian Trung bộ đang hứa hẹn sẽ thêm diện mạo mới khi sắp sửa được trình lên UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Bài Chòi Quảng Bình theo đó cũng sẽ được vinh danh trên thế giới và quan trọng hơn, di sản Bài Chòi sẽ có nhiều cơ hội để được bảo tồn, phát huy giá trị của mình.

Bài Chòi xuất hiện ở Quảng Bình tự bao giờ? Đó là câu hỏi đang làm các nhà nghiên cứu văn hóa mải miết tìm câu trả lời. Có giả thuyết cho rằng, trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ đã đưa Bài Chòi dạy cho các binh sĩ chơi trong những ngày đầu xuân để họ vơi bớt đi nỗi nhớ quê nhà. Chính vì vậy, các chòi chơi hiện nay là sự cách tân, biến tấu từ chòi lính canh mà ra.

Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác lại khẳng định, Bài Chòi có nguồn gốc từ đời sống thuần nông của người dân xưa và các chòi canh lúa, canh rẫy chính là những hội Bài Chòi đầu tiên ở Quảng Bình.

Tuy vậy, dù ra đời ở giai đoạn nào, hình thành ra sao, thăng trầm như thế nào, Bài Chòi cũng đã có một chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng, quy tụ những nét đặc trưng, đậm sắc nhất của văn hóa xứ Quảng. Theo TS. Nguyễn Khắc Thái, Bài Chòi được đánh giá là trò chơi tổng hòa các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống, từ thơ, hò, vè của người hô bài (anh hiệu) cho đến cách trang trí, bày biện chòi chơi, sân chơi khéo léo, mang tính thuần Việt sâu sắc.

Ở đó, mọi người đều bình đẳng tuyệt đối như nhau trong cuộc chơi, không phân biệt giàu-nghèo, trên-dưới, ai ai cũng có thể tham gia. Trong cuốn “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình” (NXB Thuận Hóa, 2007), nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú đã chia sẻ thêm, người dân đến hội bài còn bởi một ý nghĩa tâm linh trong những ngày đầu năm, đó là cầu may mắn, lộc biếc về nhà.

Ngày Tết, đi chơi Xuân, dự hội Bài Chòi, người tuổi nào nếu gặp đúng cái chòi tuổi mình đang chờ mình, người làm nghề gì, thuộc thành phần gì mà gặp được con bài đúng nghề, đúng thành phần mình... thì được cho là may. Và nhất là khi vào cuộc chơi, trúng được một tên quân bài được đánh lên ba tiếng mõ, có người đến cắm cho chòi mình một lá cờ xéo lại càng may, còn nếu trúng cả ba quân bài, đổi được ba cờ xéo, lấy một cờ vuông và được phần thưởng thì may mắn lại càng nhân đôi, nhân ba trong suốt một năm trời. Vì lẽ đó, không khí tại các hội Bài Chòi luôn đông vui, nhộn nhịp, tránh bói toán mê tín dị đoan như các cụ xưa từng nói: “Đầu năm bói toán đâu xa/Bài Chòi một hội biết là rủi may”.

Theo chiều dài lịch sử, Bài Chòi hình thành và phát triển dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận, bên cạnh các điểm chung cơ bản, mỗi địa phương lại mang những nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống bản địa, từ cách trang trí chòi, không gian trình diễn, thời gian tổ chức... cho đến cách hô, cách chơi, cách tới... Sự đa dạng, phong phú này chính là điểm đặc sắc nhất của Bài Chòi Trung bộ, gây dấu ấn trong bộ hồ sơ di sản trình UNESCO.

Dù là một trò chơi cổ, nhưng Bài Chòi vẫn thu hút đông đảo thanh niên, thiếu nhi tham gia.
Dù là một trò chơi cổ, nhưng Bài Chòi vẫn thu hút đông đảo thanh niên, thiếu nhi tham gia.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho biết, nếu Bài Chòi ở các tỉnh Nam Trung bộ nghiêng phần nhiều về sân khấu hóa, nặng phần hát, xem trọng vai trò của phần cái hô, thì Bài Chòi Quảng Bình mang ý nghĩa chơi là chính, nên có tên thường gọi là “Hội Bài Chòi”, và vai trò của nghệ nhân độc diễn bài chòi hầu như rất mờ nhạt. Bài Chòi tỉnh ta bắt nguồn từ đánh “bài tới”, bởi khi kết thúc ván, người chơi hô “tới”. Bộ bài của Bài Chòi sử dụng nguyên bộ “bài tới” với 30 con, chia làm 3 pho, mỗi pho lại có 9 con bài và 1 con bài Yêu.

Theo nghệ nhân Bài Chòi Thái Mai Hoa (Lộc Ninh, TP.Đồng Hới), những nét văn hóa văn nghệ truyền thống bản địa được xem là điểm nổi bật nhất của Bài Chòi Quảng Bình. Các nghệ nhân hò khoan, hát vè rồi cả chèo cạn xem Bài Chòi như một sân khấu trình diễn thi tài trong dịp đầu xuân, thu hút đông đảo bà con xa gần vừa đến chơi hội, vừa thưởng thức văn nghệ dân gian hấp dẫn, ấn tượng. Bên cạnh đó, có một điểm thú vị khác, đó là sự xuất hiện vô cùng đặc biệt của con bài “Nhọn mỏ” - con bài chỉ có duy nhất ở Bài Chòi Quảng Bình. Để giới thiệu con bài này, nhiều cách hô vè rất hay được áp dụng, như: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ/Một trăm ông chú không lo/Mà chỉ lo mụ o nhọn mồm...” 

Tiếp nối sau lộ trình kiểm kê, xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại” và được công nhận, chính là chặng đường đầy thử thách để bảo tồn và phát huy giá trị của Bài Chòi trong cuộc sống hiện đại. Nếu như trước đây Bài Chòi được chơi khá nhiều ở các địa phương trong tỉnh, thì nay con số đó đã bị thu hẹp khá nhiều. TP.Đồng Hới chỉ còn 7/16 xã, phường còn duy trì hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian này, trong khi Lệ Thủy chỉ còn 3 xã thường xuyên tổ chức, Quảng Ninh, Bố Trạch bó hẹp với ba thôn Võ Xá (Võ Ninh), Quảng Xá (Tân Ninh), Thanh Bình 2 (Hưng Trạch).

Phường Nam Lý là địa phương tổ chức Bài Chòi thường xuyên nhất ở TP.Đồng Hới theo phong tục tập quán của làng Thuận Lý xưa. Hội Bài Chòi đầu xuân của phường luôn tấp nập, náo nhiệt, thu hút đông đảo bà con không chỉ trong phường mà nhiều vùng lân cận đến tham gia.

Bài Chòi là sản phẩm tinh thần độc đáo, là tài sản quý báu, là niềm tự hào không chỉ của nhân dân miền Trung mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sau khi được “khoác” chiếc áo di sản, vẫn còn đó rất nhiều điều phải làm để chứng minh sự tồn tại của Bài Chòi trong đời sống của người dân Quảng Bình.

Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, tỉnh ta cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của Bài Chòi, từ công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê cho đến khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và tăng cường nguồn lực đầu tư từ Nhà nước cũng như nguồn xã hội hóa.

Và quan trọng hơn, Bài Chòi phải được sống trong chính cộng đồng nuôi dưỡng, không tách rời khỏi không gian truyền thống hay xa lạ với các thế hệ ươm mầm. Chính vì vậy, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng giao lưu, tổ chức liên hoan, hội diễn, hội thi... đóng một vai trò then chốt trong nỗ lực bảo tồn.

Những giá trị văn hóa của Bài Chòi đã được minh chứng bằng sức tồn tại bền bỉ qua nhiều thế hệ cha ông và nay, trên lộ trình giới thiệu ra thế giới, Bài Chòi lại càng cần được quan tâm, duy trì và phát huy hơn nữa, xứng tầm với tầm vóc lịch sử.

Cách chơi Bài Chòi: Trên khoảng đất rộng, 11 chòi (làm bằng gỗ hoặc tre, cao 1 mét rưỡi) được bố trí theo hình vuông hoặc hình chữ nhật, 1 chòi cái và 10 chòi cho người chơi. Mỗi chòi được trang bị một chiếc mõ và được đặt tên theo thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh...)

Sau khi người chơi được bố trí vào các chòi, anh hiệu-nhân vật trung tâm của cuộc chơi và rành các điệu hò, vè, thơ ca, có tài ứng đối linh hoạt-sẽ sai người chạy cờ chia 30 quân bài cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con. Xướng xong câu hò vào cuộc, anh hiệu lần lượt rút một quân cờ từ bộ cờ thứ hai và hò lên để mọi người đoán biết quân bài. Nếu chòi nào có bài trùng tên với con bài của anh hiệu thì gõ lên 3 tiếng mõ.

Người chạy cờ sẽ mang đến một lá cờ xéo cầm tay cho chòi đó. Chòi nào có 3 cờ xéo sẽ đánh một hồi mõ dài và hô “tới”, kết thúc một ván và nhận giải. Một hội chơi có 8 ván, ai tới 1 ván thì được đổi 3 cờ xéo lấy 1 cờ vuông. Cứ 3 cờ vuông thì được một phần thưởng đặc biệt.

Mai Nhân