.

Hồn thơ của một người lính "tàu không số"

Thứ Ba, 17/02/2015, 15:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh là Nguyễn Huy Đăng-con trai của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan. Viết về anh không nhằm giới thiệu một nhà thơ ẩn khuất hay là sự phát hiện giá trị văn chương của một tác phẩm thơ, tôi chỉ muốn nói về vẻ đẹp tâm hồn của một “thế hệ vàng” -  một thế hệ đã dấn thân hết mình cho lý tưởng mà những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... đã trở thành những biểu tượng bất tử...

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gia đình cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gia đình cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan.

Đó là một cuốn sổ nhỏ cở 20x18cm, đóng bằng loại giấy kẻ ngang mà học sinh thời trước hay dùng. Nét chữ chân phương, nắn nót bằng mực Cửu Long-cũng là thứ mực thân thuộc với bao thế hệ học sinh miền Bắc... Tính từ bài thơ mở đầu ghi ngày 7-2-1969 cho đến bài cuối-tháng 5-1977, tôi đếm được 100 bài tất cả... Bắt đầu từ một cậu học trò cấp 2-3 cho đến khi rời quân ngũ, trong khoảng 7 năm giữa bom đạn chiến tranh, giữa bao lần cận kề cái chết mới thấy vẻ đẹp tâm hồn của một “thế hệ vàng” - thế hệ thắng quân thù bằng truyền thống của một dân tộc “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa...”.

Nguyễn Huy Đăng sinh năm 1952, là con thứ 3 trong gia đình. Học lên cấp 2 (hệ 10 năm ngày trước) anh được đưa vào trường Nguyễn Văn Trỗi là nơi dành cho con cán bộ cấp cao. Một suất đi du học nước ngoài có lẽ chẳng khó nhưng với cha anh thì con cái cũng phải bình đẳng như với mọi người dân, không có đặc quyền khi đất nước gian nguy...

Trước Nguyễn Huy Đăng, anh trai là Nguyễn Thanh Phong mới 16 tuổi, đang học dở cấp 3 đã trốn nhà đi bộ đội. Hết chiến tranh mới trở về học tiếp. Cùng con đường ấy bây giờ là Nguyễn Huy Đăng. Năm 1970 anh vào bộ đội hải quân. 2 năm 1971-1972 là lính “tàu không số” thuộc Đoàn 125, Nguyễn Huy Đăng đã cùng đồng đội vận chuyển trót lọt 3 chuyến vũ khí vào tận Nam bộ.

Trở về vào Đại học quân sự, được 2 năm lại theo lệnh tổng động viên lên đường giải phóng miền Nam, có mặt trong trận giải phóng Trường Sa. Sau giải phóng, Nguyễn Huy Đăng về Bộ Tư lệnh Hải quân công tác một thời gian  rồi phục viên với quân hàm thiếu úy. Anh mất năm 2004 lúc mới 53 tuổi...

“Ta lớn lên giữa vườn hoa
                               cộng sản
Tuổi thanh xuân can đảm
                                      tự hào
Gió lộng lòng son phơi phới
                           giữa trời cao
Băng gian khổ ta vào đường
                             cách mạng...”

Có lẽ thế hệ trẻ ngày nay thật khó hình dung vì sao  một thiếu niên mới 16 tuổi đã viết nên những dòng thơ già dặn, cháy bỏng nhiệt huyết như một cụ lão cách mạng? Quảng Bình, mảnh đất tươi đẹp với bao trầm tích lịch sử, mảnh đất của truyền thống cách mạng quật cường đã cho Nguyễn Huy Đăng cảm hứng thơ ngay từ những vần thơ đầu để rồi tiếp đó, hàng chục bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương nồng cháy...

Quê hương anh là con sông Nhật Lệ “Nước trong xanh như giọt lệ nàng tiên”; nơi “Có giọng hò theo nhịp mái chèo khuya”; là những xóm nhỏ “Áo xanh quê rười rượi đường dừa”; là những cánh đồng lúa trĩu bông “Chấp chới cánh cò đậu vào trang sách”... Nhưng rồi bỗng một ngày kẻ thù tàn ngược kéo đến.

Trong khói lửa đạn bom, trong đổ nát đau thương, Quảng Bình vẫn một tinh thần quật khởi: “Những hàng dừa vẫn phơi mình trong nắng/Vẫn hiền hòa ôm chặt lấy quê hương/ Vẫn thủy chung, vẫn chiến đấu kiên cường/Vẫn dào dạt giọng hò khuya man mác nhớ...” Chính là hình ảnh một quê hương kiên gan bất khuất từ trực giác tuổi thơ đã dần định hình cho Nguyễn Huy Đăng một lý tưởng để dấn thân...

Chiếm một dung lượng khá lớn trong sổ thơ anh là những vần thơ cháy bỏng nhiệt huyết, cháy bỏng khát khao được cống hiến cho một lý tưởng cao đẹp, một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, Bác Hồ: “Ta đi giữa mùa xuân tràn ánh sáng/Mang trong lòng dáng vóc của non sông/ Tình quê hương tha thiết cháy nồng/Tràn sức sống theo cánh buồm lộng gió...” (tuổi 17).

Tuy nhiên cũng như bao bạn trẻ mới bước chân vào con đường gian khổ, tâm hồn “tiểu tư sản” của Nguyễn Huy Đăng không khỏi những giây phút yếu lòng. Anh thú nhận mình đã bao lần mơ “những tà áo màu thanh thiên thiếu nữ”, những giờ phút yếu đuối trước thử thách khó khăn hay lẽ thường tình là nhớ mẹ, nhớ em... Nhưng rồi anh đã nhủ lòng gắng vượt lên tất cả: “Dòng sữa mẹ nuôi nhiều mơ ước/Cho con đi theo bước cha anh/ Tình thương yêu gửi gió trong lành/Ru con đi vào đêm trường chiến đấu...” (Bài thơ người lính).

Nguyễn Huy Đăng.
Nguyễn Huy Đăng.

Nhưng “lửa thử vàng”, phải trong hoàn cảnh gian nguy nhất, kề cận nhất giữa sự sống và cái chết mới là sự kiểm nghiệm chân xác lòng trung thành lý tưởng của một con người. Với Nguyễn Huy Đăng, đó là những tháng ngày lênh đênh trên con “tàu không số”... Có lẽ khỏi phải nói thêm nỗi hiểm nguy, gian khổ của những chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt này.

Vậy mà thật lạ, trong thơ tuyệt không thấy Nguyễn Huy Đăng than phiền nỗi gian nan, nỗi hiểm nguy trên những chuyến tàu lẻ loi hàng tháng ròng trên biển cả. Biển trong anh lúc nào cũng lung linh huyền diệu. Biển ôm chứa cả một thế giới tâm hồn của quê hương đất nước.

Nghe sóng vỗ mạn tàu, anh cảm giác “Biển rì rầm như nhịp đập trái tim” và “hồi hộp như người yêu hẹn đến”. Nhiều lúc cảm giác biển với người chiến sĩ là những người bạn tâm giao tri kỷ “Ta gọi biển tự đáy lòng giục giã/ Một nỗi niềm yên ả đọng thành thơ...”. Hay “Ta ra đi có biển hiền yêu dấu/Tình nghĩa người như đất nặng phù sa...”. Nghe tiếng lòng của biển, anh dốc lòng  với biển tất cả nỗi niềm sâu kín, nhất là với người yêu...

Trong nhiều bối cảnh, Nguyễn Huy Đăng đều nói đến tình yêu nhưng chỉ khi giữa lòng biển cả bao la trong những đêm huyền diệu, khi đang cùng đồng đội dấn thân vào con đường có thể một đi không trở lại, tình yêu trong anh mới trào lên với những vần thơ nồng cháy nhất:

Anh hát em nghe bài hát xa khơi
Để nắng tỏa chiều nay cho đôi ta đỡ lạnh
Dẫu xa khơi có “Xa khơi” chắp cánh
Cho tim anh về ôm ấp tim em...

Đa cảm là thế nhưng không một giây phút tỏ ra yếu lòng. Tình yêu trái lại chắp thêm cho Nguyễn Huy Đăng niềm tin và sức mạnh: “Có tình em ngọn lửa nhỏ thêm hồng/Anh đang sống với trái tim tràn máu nóng”. Và bởi vậy “Có hy sinh ta vẫn nở môi cười/Vì mùa xuân ta sẽ hiến trọn đời/Cho Tổ quốc và nhân dân yêu quý...” .

Thơ Nguyễn Huy Đăng chưa một lần được đăng báo. Những người thân trong gia đình có biết nhưng biết là biết vậy. Nguyễn Thanh Bình-em trai anh kể rằng mãi khi anh mất, người chị dâu thu dọn những di vật của chồng mới thấy có cuốn sổ thơ này...

Quả thật là đọc thơ Nguyễn Huy Đăng, tôi cũng có cảm giác anh không có ý nghĩ mình làm thơ. Không một sự  trau chuốt hay làm dáng, thơ anh  gần như là nhật ký ghi vội những cảm xúc của mình. Đọc thơ anh do vậy tôi ít bị sự thuyết phục bởi giá trị văn chương mà là sự không cưỡng nỗi của một sức hút - ấy là sức hút của một tâm hồn nồng cháy lý tưởng mà vô cùng lãng mạn...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ gần 40 năm đã qua. Khoảng lùi ấy càng cho ta thấm thía hơn vẻ đẹp tâm hồn của một “thế hệ vàng” - một thế hệ đã ra trận bằng cả trái tim... Và ta bỗng hiểu sức mạnh nào đã cho dân tộc ta chiến thắng...  

Ngọc Tấn