.

Đầu năm lạ chuyện danh xưng

Thứ Năm, 19/02/2015, 08:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Số báo Tết Giáp Ngọ, chúng tôi có bài nối mạch chuyện của nhà thơ Ngô Minh, mua vui, được độc giả hoan nghênh nên lấy làm mừng. Nhưng, đường đời muôn nẻo, năm vừa qua, lại đi lại gặp, bèn ghi chép, đầu năm Ất Mùi kể ra hầu quý vị cùng thưởng trà.

Chuyện địa danh. Đường thiên lý Bắc Nam có đi qua thị trấn Ba Đồn. Tên nghe độc đáo như thể ở đó có ba cái đồn. Mà đúng vậy đấy. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh ngót trăm rưỡi năm lấy sông Gianh làm giới tuyến. Bờ Bắc, chúa Trịnh đóng ba đồn binh để cự nhau với chúa Nguyễn. Dân nông thôn ngày trước sống tự cấp tự túc, nhưng từ khi có lính, có cai đội, có lương tiền, nhu cầu tiêu dùng cao nên sinh cái chợ, chợ phục vụ cho ba cái đồn. Trung tâm đô thị tụ nhân tụ hóa dần thành xóm chợ, phố thị, thị trấn. “Ba Đồn là chợ xưa nay/ Tụ nhân tụ hóa mỗi ngày thêm đông”.  Bờ Nam, chúa Nguyễn đóng ba trại lính, nhưng có thể vì gần đó đã có dân cư Thanh Khê, Lý Hòa buôn bán sầm uất nên chỉ thấy địa danh Ba Trại mà không thấy chợ. Con đường ngang Ba Trại nối mạch giao thông từ quốc lộ 1 lên đường 15A thời những năm1964-1968 bị máy bay Mỹ và pháo Hạm đội bảy bắn phá ngày đêm. Ngày nay, đường Ba Trại được khôi phục, chạy uốn lượn dưới rừng thông qua các hồ nước rất đẹp. Đường chạy qua làng Cao Lao Hạ là quê hương của các nhà thơ tiền chiến Lưu Trọng Lư, Lưu Trọng Lai.

Chẳng biết có phải thần khí trận mạc từ thuở binh đao ấy tryền lại mà trong hai cuộc chiến vừa qua đôi bờ sông Gianh xuất hiện đến bốn năm vị tướng tư lệnh rất ấn tượng: Tướng Hoàng Sâm: Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Ba, Quân khu Trị-Thiên...; Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Tư lệnh Chiến trường Trường Sơn; Trung tướng Mai Xuân Vĩnh: Tư lệnh Hải Quân; Trung tướng Lê Văn Tri: Tư lệnh Phòng không Không quân; Trung tướng Nguyễn Hữu Cường: Tư lệnh Quân khu Bốn.

Trở lại chuyện danh xưng những vùng đất. Nhiều địa danh trên đất Bình-Trị-Thiên ngày nay còn mang dấu ấn Chăm, dù đã gần nghìn năm trở về với Đại Việt. Năm 1069, Lý Thường Kiệt theo vua Lý nam chinh thu hồi ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh (là vùng đất từ nam Đèo Ngang-Quảng Bình vào đến bắc sông Hiếu-Quảng Trị). Sáu năm sau, 1075 lại vào vẽ bản đồ ba châu đổi tên Bố Chinh thành Bố Chính, Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh. Vẫn một chữ Bố của Chăm nay còn lưu lại trong “Bố Trạch”, chữ Linh còn trong “Vĩnh Linh, Gio Linh”. Sông Hiền Lương bây giờ nguyên gốc là Minh Lương. Chữ “Minh” liệu có phải phiên ra từ châu Minh Linh do Lý Thường Kiệt đặt từ gần nghìn năm trước? Sông chảy qua Minh Linh thì gọi Minh Lương, đến thời Minh Mạng, phạm húy mới đổi thành Hiền Lương. Sông còn có tên Bến Hải, xuất phát từ bến đò ông Hai, gọi lâu gọi tắt trẹo thành Bến Hải. Vùng đất này còn nhiều địa danh mang dấu ấn Chăm như chợ Thùi, bến đò Chền. Trong từ điển tiếng Việt không có chữ Thùi, chữ Chền. Chữ Thùi được bắt gặp trong từ điển Việt-Chàm- Bồ, nghĩa tiếng Chăm là cái quán lợp lá. Từ quán đến chợ cũng không phải xa lạ lắm. Chợ Thùi ở cuối xã An Thủy ăn hải sản phá Hạc Hải, gần đối diện với căn nhà tổ phụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lên thượng nguồn Kiến Giang chỗ ngã ba sông bến đò qua chợ Tréo có tên bến Chền, chắc biến nghĩa từ tên gốc là bến Chàm. “Tôi về Lệ Thủy ngày mưa/ Bến Chền in bóng đò trưa nhuốm màu” (Lê Đình Ty). “Hồn tôi đã hóa con đò ấy/ Qua lại bến Chền đón đưa em” (Ngô Minh) Cũng thượng nguồn Kiến Giang có vùng đất nay dân cư đã sầm uất nhưng vẫn mang tên Lòi Đẻ. Hỏi ra mới biết, chừng trăm năm trước nơi đây còn rậm rịt lùm lòi, có con cọp cái làm tổ đẻ đàn con nên dân gian gọi luôn tên “Lòi cọp đẻ”. Sau gọn lại “Lòi Đẻ”. Ngay trên đỉnh Hoành Sơn có hai làng mang tên rất lạ, chưa ai tra cứu được gốc tự thuộc hệ ngôn ngữ nào là làng Bu lu- Kịn và Nớơc; làng trong rừng nhưng xã lại mang tên Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa), chả hợp tý nào. Ngay cái tên đèo Ngang cũng không mấy thuận khi nó chạy dọc theo quốc lộ 1, nên Phạm Tiến Duật mới có câu thơ khá ấn tượng:

Bao nhiêu người làm thơ về đèo Ngang
Mà không biết con đèo chạy dọc

Đèo Ngang (ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)
Đèo Ngang (ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)

Đèo chạy dọc thì ai mà chả biết, chỉ có điều ít ai để ý vì đèo vắt qua Hoành Sơn (núi ngang) mà tiện gọi đèo Ngang vậy thôi. Nhân nói chuyện xu thế gói gọn danh xưng cho tiện giao tiếp. Dạo còn ở Huế, biết có một đơn vị có cái tên rất dài, mười ba âm tiết lận, vào văn bản không biết phải viết hoa từ nào cho phải. Đang đạp xe thong thả trên đường Lê Lợi, gặp người bạn đạp xe ngược chiều, tôi hỏi: Đâu về đấy? Người bạn gọi to bảo tôi dừng xe, ra hiệu lại gần. Tưởng có gì nghiêm trọng, thế mà anh ta chỉ nói: - Mình đi trên “Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Long Thọ”, rồi thôi. Tôi hỏi:- Gì nữa không? – Hết! – Thế mà cũng kêu người ta đứng lại!? – Ai bảo ông hỏi đi đâu về, tôi phải dừng ông lại mới trả lời đủ. Lần sau có hỏi đi đâu thì trả lời “Vôi Long Thọ” cho gọn. Bởi vậy mà, mãi, cái liên hiệp này trong giao tiếp đời thường vẫn “gánh” một chữ ‘vôi” rất thủ công. Đồng Hới có “Trường trung cấp kỹ thuật công nông nghiệp Quảng Bình” với gần hai mươi ngành nghề lận. Học lái xe chỉ là một phân khoa nhưng bãi lái nằm ngay vệ đường, sự học cũng ồn ào hơn cả. Nên, nhắc đến đơn vị này người ta cứ quen gọi là “Trường lái xe”, tiết kiệm được đến bảy âm tiết mà đối tác vẫn hiểu. Cũng theo xu thế rút gọn những chữ dài dòng mà một thời người miền Trung quen gọi Rip, Bót là viết tắt của hai từ tiếng Pháp với khá nhiều âm tiết để chỉ thuốc và bàn chải đánh răng. Bà con ta đến hiệu thuốc thì cứ gọi Pêni(xêlin),Step(tômixin), Fara(xêtamôn) khỏe người mà dược tá vẫn thừa sức biết.

Trở lại với đề tài báo tết năm ngoái về tên người. Một lần nghe trên ti vi có cái tên người ở thành phố Hồ Chí Minh: Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Ở nước Scốtlen có tên người 197 ký tự (La tinh) phải gọi tắt là Bina bai. Trên Tạp chí Hồng Lĩnh đọc thấy cái tên khá nhiều âm tiết: Lê Thị Lan Đài Hiếu Nghĩa. Tên như vậy khi ghi danh sách mục họ và tên chắc phải xuống hai ba dòng. Một gia đình nọ sinh hạ bảy người con đặt tên thứ tự là: Giàu, Có, Nhiều, Tiền, Vàng, Ngọc, Bích. Tôi có ông dượng (chồng của o) tên là Sang trong gia đình hai anh em, người em tên Giàu. Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng có bốn anh em tên là: Châu, Nguộc, Tăng, Pháp, Bửu, Bối. Có lẽ gia đình hướng Phật. Trưởng ban Biên giới Chính phủ một thời là ông tiến sĩ Trần Công Trục. Người em trai công tác ở Đồng Hới là Trần Công Trặc. Nhưng xem ra công việc của hai ông đều hanh thông, chẳng trục trặc tẹo nào. Bốn mươi năm trước, ở Hà Nội có hai anh em ruột đều là cán bộ học sinh miền Nam tên là Đỗ Cục và Đỗ Củi. Tên như thế và tính tình của hai người cũng mạnh mẽ khí khái đúng chất Nam Bộ. Anh Cục muốn về quê làm việc. Cấp trên chần chừ không quyết. Sốt ruột, anh xách dao găm lên cắm giữa bàn tổ chức tuyên bố: Nếu không cho về thì cầm dao đâm anh một nhát hoặc anh sẽ... Cán bộ tổ chức liền ký cái rụp. Trên báo Quân đội một thời hay bắt gặp cái tên Bùi Như Lạc. Tên Lạc không mới, họ Bùi cũng bình thường, rắc rối ở chữ Như. Sách tiểu học có những thành ngữ “Bùi như lạc, đặc như bí, đỏ như gấc, trắng như bông”. Cũng trên thông tin đại chúng một thời kể câu chuyện: Có anh chàng nọ ở nhà tên Ách. Nhập ngũ, anh cải lại thành Nguyễn Phi Hùng. Vợ viết cho chồng, phong bì đề: Thân yêu gửi: Nguyễn Phi Hùng (tức anh Ách), cứ tưởng vợ ở nhà có chuyện gì không ổn... Có câu chuyện chiến tranh một thời nổi tiếng: Chính trị viên đại đội tên là Binh Chủng trên đường vào chiến trường đem lòng yêu cô gái Quảng Bình tên là Biển Khơi, có với nhau một con trai. Anh Binh Chủng hy sinh trong thành cổ Quảng Trị. Chị Biển Khơi tìm về quê chồng. Sau nhiều khúc quanh, chuyện kết thúc có hậu. Tên người thật viết trên báo mà cứ như tên biểu tượng trong tiểu thuyết. Năm qua có dịp lên Yên Tử, gặp cô bé bán giải khát rất đáng yêu. Mấy du khách xin chụp ảnh chung kỷ niệm. Chia tay, ghi địa chỉ để khi về sẽ gửi ảnh. Địa chỉ cô bé thế này mới ngộ: Nguyễn Thị Hương Giang, xóm Năm Mẫu Hai, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí.

Nói gọn viết gọn thì không sao nhưng viết tắt nhiều khi cũng gây không ít nhiêu khê. Một lần tôi nhận được cái giấy của ngành Nông nghiệp mời đến nhà nọ phòng kia họp bàn về L.M.L.M (lờ mờ lờ mờ). Chịu không thể luận ra được nội dung gì, tôi định bụng cứ đến khắc biết. Đến, thấy tấm bảng viết: Đại biểu đến họp L.M.L.M lên tầng hai. Vào phòng gặp những gương mặt quen có lạ có, tôi vẫn kiên tâm không hỏi, nhất định chờ nghe báo cáo khắc biết. Và, cuối cùng cũng được đền đáp: Thì ra là họp về dịch “lở mồm long móng” ở trâu bò.

Người Việt ta xưa (nay vẫn còn) trẻ sơ sinh không được đặt tên ngay mà gọi nôm na thằng Cu, Tèo, Bi, cái Tý, Hĩm, Xí... hay những cái tên thật xấu. Các cụ quan niệm đặt tên đẹp sợ ma quỷ bắt đi. Qua một trăm ngày hoặc đầy tuổi mới có cơi trầu be rượu đến nhờ các cụ hay chữ đặt tên cho. Nên nhiều khi thanh niên lớn đã có tên húy từ lâu mà người nhà vẫn quen miệng gọi anh Bi, anh Tèo, chị Xí. Có trường hợp gọi tên cúng cơm không những xấu mà còn bẩn. Tôi đi qua làng nọ từng nghe con bé chị gọi thằng em:- Ươ cứt, về ăn cơm!

Bây giờ, kể từ năm 2005, nghị định của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch quy định trong vòng sáu mươi ngày phải khai sinh cho con, để muộn sẽ bị phạt.

Thiết nghĩ, theo truyền thống, khi đặt tên cho trẻ cũng nên tránh tên húy của ông bà nội ngoại, sợ réo gọi mắng mỏ hàng ngày không hay. Nhưng nếu kiêng hết cả họ hàng nội ngoại xưa xắc thì “quỹ tên” không đủ, phải đặt qua tên xấu. Cũng không nên đặt tên đẹp quá, hoành tráng quá, khiến người lạ, mới “văn kỳ thanh” hình dung ra nào hoa khôi , tráng sĩ, tới khi “kiến kì hình” thấy cũng chỉ trên trung bình mà đâm ra thất vọng oan. Năm 1945, cách mạng giành chính quyền, giải giáp đơn vị quân đội Nhật hoàng ở Đồng Hới. Có ba bốn sĩ quan Nhật tình nguyện theo kháng chiến. Tên theo tiếng Nhật vừa dài vừa rắc rối. Các cụ đồ nho đặt tên Việt cho họ là Ngọ, Mùi, Thân. Ý rằng, nước Nhật phát xít nay đã xế chiều, họ đang bắt đầu một cuộc đời mới, các sĩ quan cũng vui vẻ nhận tên mình. Một người là bác sĩ quân y, phục vụ trong quân y viện kháng chiến, lấy vợ Việt, sinh được con gái đặt tên Tuyên để kỷ niệm mảnh đất Tuyên Hóa đã cưu mang. Sau, ông lâm bệnh sốt rét ác tính mất, được suy tôn liệt sĩ, phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc.

Năm mới Ất Mùi lại nhớ một người tên Mùi. Năm 1971, học xong năm hai ở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, huấn luyện ở Thanh Trì. Trong xóm có một nàng tên Mùi, gái vùng ven dậy thì mặt hoa da phấn. Tôi và nàng cảm nhau nhưng “quân lệnh như sơn” nên chủ yếu là “mắt ướt tìm mắt ướt” vậy thôi. Đùng một cái, báo động hành quân!. Ô tô chuyển bánh, gió bụi lá bay theo vòng bánh xe. Bóng nàng chạy theo tay vẫy khăn mu soa, miệng kêu tiếng gì nghe không rõ... Hơn bốn mươi năm nay, những âm thanh lảnh lói của người con gái ngoại thành thường vẳng lại thiêu đốt trái tim tôi. Em tên Mùi, tuổi Ất Mùi, năm mới này vừa tròn “lục thập hoa giáp”. Gái Ất Mùi liệu đường đời có hanh thông may mắn, ấm áo no cơm, có được “một cây cù mộc đầy sân quế hòe” !?

Chuyện danh xưng kể mãi không hết. Tạm biệt ở đây. Hẹn gặp lại quý vị vào năm sau - Bính Thân 2016.

Nguyễn Thế Tường