.

Đặc sắc lễ hội cầu ngư Hải Ninh

Chủ Nhật, 08/02/2015, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Với một tỉnh có bờ biển trải dài như Quảng Bình, các lễ hội cầu ngư luôn gắn bó máu thịt với đời sống của ngư dân, trở thành một nét văn hóa đặc sắc và khẳng định “thương hiệu” của từng làng biển. Đối với xã bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh), lễ hội cầu ngư hàng năm chính là minh chứng cho sức sống bền dai của làng cát và khẳng định niềm tin vào nghề truyền thống của cha ông, để mỗi thế hệ đi sau lại nối tiếp làm giàu cho quê hương, khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Mấy đời gắn bó với biển, người dân nơi đây chủ yếu làm giàu từ nghề đánh bắt thủy hải sản và cũng nương vào nghề này để phát triển thêm các nghề phụ khác, tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, do địa hình biển bãi ngang nên ngư dân Hải Ninh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đánh bắt. Chính vì vậy, ngư dân dành trọn lòng tin vào vị thần biển cả sẽ luôn mang lại may mắn, an lành cho họ mỗi khi gặp phong ba, bão tố. Lễ hội cầu ngư được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 âm lịch hằng năm tại thôn Cừa Thôn chính là sự thể hiện niềm thành kính đó.

Lễ hội cầu ngư là nét đẹp của các làng biển Quảng Bình
Lễ hội cầu ngư là nét đẹp của các làng biển Quảng Bình

Theo cuốn “Quảng Bình ẩn tích thời gian” (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2014), lễ hội cầu ngư Hải Ninh còn được biết đến như lễ hội cúng cá voi, bởi người dân nơi đây xem cá voi như một vị thần hộ mệnh và gọi cá bằng cố, bằng ông, bằng bà, bằng cô và mỗi khi nhắc đến lại dành sự kính cẩn, tôn nghiêm. Ông Mai Chọi, Hội người cao tuổi thôn Cừa Thôn cho biết, lễ cầu ngư này là dịp để người dân Hải Ninh ôn lại lịch sử truyền thống quê hương và mang những giá trị văn hóa lịch sử truyền lại cho con cháu mai sau. Vào dịp này, người người nhà nhà đều có những đóng góp công sức vào việc dựng trại, trang hoàng sân lễ cho lễ hội thêm phần đặc sắc. Đặc biệt, hầu như các gia đình ngư dân đều bày biện đồ lễ cúng để cầu lộc, cầu an, cầu một năm tôm cá đầy thuyền.

Cũng giống như lễ cầu ngư ở các vùng khác, phần lễ tổ chức vừa trang nghiêm, vừa độc đáo. Trước khi vào lễ, các cụ cao niên thắp hương cầu khấn sóng yên bể lặng, con em sức khỏe dồi dào, đánh bắt đầy thuyền. Tiếp đó, lễ chánh tế bắt đầu với bài văn tế dâng lên các vị thần cầu mong quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa, dân làng no ấm hạnh phúc. Phần hội hấp dẫn, linh đình, nhộn nhịp, tái tạo lại không khí lao động của ông cha ngày xưa với múa bông chèo cạn và bơi trải. Điệu múa bông được thực hiện theo nghi thức truyền thống với 16 người nam trên nền trống hội. Tiếp sau đó là nghi thức chèo cạn bao gồm 12 người nữ cùng tái hiện lại các động tác mô phỏng hoạt động chèo thuyền của ngư dân trong làn điệu hò truyền thống. Cuối cùng là bơi thuyền mừng mùa đánh bắt cá mới hứa hẹn mang lại những thành công, may mắn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng nhận định, đây là lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, thể hiện nét văn hóa dân gian tiêu biểu của một xã bãi ngang. Lễ hội vừa nhằm “cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho tôm cá quanh năm được mùa”, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, yêu thương, tương trợ lẫn nhau của người dân Hải Ninh.

Mỹ Lý