.

Đã nghe tiếng xuân về...

Thứ Tư, 18/02/2015, 15:29 [GMT+7]

(QBĐT) - 1.Năm nay nghỉ Tết dài ngày... nhà cứ xao xác cả lên. Bố mẹ nhấm nhẵng: “Chúng tao già rồi, ở nhà giữ lấy hậu phương, mặc sức chúng mày bay nhảy”. Vợ chồng anh chị đầu quyết định làm một chuyến du lịch “trốn rét” vào phương Nam. Cậu út bảo mình theo các bạn ngược lên phía Tây Bắc xem tuyết rơi trong ngày đầu năm mới. Riêng chị, chị ngồi lặng im lẫn lộn giữa những cảm xúc cũ mới về một vùng đất khao khát nơi miền Trung đầy nắng gió...

Cũng khoảng hơn năm tròn, ngày chị chạm đất Quảng Bình, nhận từ anh bó hoa hồng đang độ tuổi tròn căng cùng lời chúc ngồ ngộ: “Vinh dự là người đầu tiên của thành phố đón em”. Chị thoáng nghe dịu dịu chút hương hoa, chút nồng nồng gió biển, chút chân chất từ người đối diện. Và thế, họ trở thành bạn, thành đồng nghiệp cùng nhau trong một dự án tưởng chừng khó thành hiện thực “Phục hồi và phát triển hệ rừng sinh thái trên nền cát bay, cát nhảy”.

Anh đưa chị đi dọc phố, phố cạnh dòng sông, sông nằm cạnh biển, biển đầy cát trắng. Thành phố của anh dịu dàng như  một nàng thiếu nữ xõa tóc soi nghiêng xuống gương sông. Anh giới thiệu cho chị bến đò mẹ Suốt anh hùng “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”, anh bảo chị dừng chân tại tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, nơi thi sỹ  Hàn Mạc Tử làm phép rửa tội lúc chào đời.

Xa nữa... cửa biển Nhật Lệ với câu chuyện tình nàng công chúa Chămpa mang tên Mỵ Ê, chốn Nguyễn Du buông tiếng thở dài về thế thái nhân tình khi ông làm viên cai bạ “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...”.

Họ đi bên nhau, qua bãi tắm Nhật Lệ, nơi ngày Bác Hồ vào thăm Vĩnh Linh, Quảng Bình năm 1957 đã dừng chân và tắm biển. Anh tự hào kể cùng chị cảm nhận của ba anh, một người lính Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 được chứng kiến cảnh Bác Hồ tắm biển Quảng Bình: “Hình ảnh Người khoan thai trên bãi biển, tấm khăn quàng cổ, mái tóc bạc trắng, đẹp như một vị tiên vừa bước ra từ cổ tích”.

Xa hơn nữa, phía Quang Phú, rừng phi lao mướt xanh, rì rào chạy dài về phía vô cùng, song song với bờ biển. Anh giới thiệu cùng chị đó là công lao của mẹ Phạm Thị Nghèng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng người dân Quang Phú ròng rã 40 năm trồng rừng chắn cát, đến hôm nay cây thành rừng. Bà mẹ anh hùng xưa bây giờ đã khuất núi. Chị nghe anh nhẹ thở dài, luyến tiếc... “Nếu thế thì dự án của chúng ta chắc chắn sẽ thành công!” - Chị khẳng định - “Anh phải tin như thế!”.  Chị vui, tiếng cười chị giòn tan hòa cùng sóng biển.

Nhưng rồi thành quả của anh và chị, dự án đang triển khai dang dở bị bão số 10 tràn qua, cuốn sạch ra biển lớn. Ngày chị quay về nhà, lòng trĩu nặng nỗi niềm thương nhớ miền Trung.

2. Không hẹn trước... anh đón chị tận cổng sân bay Đồng Hới. Người cũ sau chừng ấy thời gian vẫn thân thương chi lạ. Bó hoa hồng căng tròn độ tuổi chín chị nhận, nhận cả lời anh trầm ấm như thủơ nào: “Chào mừng em trở lại!”. Có một chút nghèn nghẹn dừng nơi mí mắt chị: “Em thuộc về nơi này mà!”.

Thành phố hơn một năm sau bão số 10 hồi sinh ngoài sức tưởng tượng của chị, nhà cao tầng mọc lên, những con đường cây xanh rợp bóng. Phố vẫn nghiêng nghiêng duyên dáng soi xuống gương sông. Chị bảo mình thèm đặt chân lên những triền cát, ngập sâu vào cát, nghe cát quê hương anh thầm thì, trò chuyện, cát quê anh như người, trung trinh, giản dị, chân tình. Chị thông báo cùng anh tin vui: “Dự án của chúng mình đã chính thức khởi động lại rồi!”. Anh trêu chị: “Của chúng mình à? Của mọi người chứ!”. Gió đông cuống quýt ngang qua mang theo những thẹn thùng trên gương mặt chị.

Rồi đây anh và chị cùng bao người dân Quảng Bình tiếp tục theo dấu chân bà mẹ anh hùng trồng rừng chắn cát năm xưa, găm những gốc phi lao xuống cát. Từ trong cát, sức sống hồi sinh, mạch trào, mãnh liệt...

Như ngày trước, họ cùng nhau song hành trên phố.

Bất chợt... anh và chị cùng nhau cảm nhận được một điều kỳ diệu, dường như xuân đã về ngang qua phố.

Hồ An