.

Chuyến tàu cuối năm

Thứ Bảy, 14/02/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc họp kết thúc sớm hơn dự định. Trong khi ngồi đợi cậu lái xe đến đón, ông lơ đãng giở tờ báo ai đó bỏ quên trên bàn. Và một bức ảnh đập vào mắt ông. Bức ảnh chụp cảnh ở ga xép cũ kỹ, thấp thoáng những bóng người trên sân ga trong chiều mưa gió. Thốt nhiên, ký ức ùa về...

Ông mang theo tờ báo rồi nhắn tin cho cậu lái xe, bảo cậu cứ về trước đi, tôi có chút việc bận. Rồi ông vẫy taxi ra ga tàu mua vé và hòa mình vào dòng người đông đúc ngày giáp tết, trong đầu ngân nga tên ga xép quen thuộc mà suốt thời trai trẻ, ông và bạn bè đã bao lần gặp gỡ, chia tay nhau ở đó.

Bước lên bậc cửa, ông có đôi chút ngỡ ngàng vì sự gọn gàng, sạch đẹp của con tàu. Chẳng hiểu sao trong lòng chợt thoáng chút thất vọng khi không nhìn thấy những túi xách lỉnh kỉnh, những cún, những gà nằm trong sọt, dưới chân ghế ngồi. Và mùi dầu gió thoang thoảng trong không gian huyên náo. Ông loay hoay tìm ghế ngồi và ngơ ngác khi thấy một cậu bé đang ngồi ngay ghế của mình. Chưa kịp hỏi thì có ai đó níu áo ông rồi vang lên giọng quê quen thuộc “Tại tưởng chưa có khách lên nên thằng bé nhà em ngồi tạm, xin lỗi bác!”. Ông quay lại nhìn người phụ nữ trẻ và cảm giác hệt như lúc cầm tờ báo ai đấy bỏ quên trên bàn với bức ảnh chụp cảnh ở ga xép cũ kỹ...

Tàu vun vút lao đi. Và chú bé con người phụ nữ trẻ ngồi ngoan trong lòng ông. Còn cô thì líu lo kể, rằng mẹ con em về thăm quê ngoại. Nội ngoại chỉ cách nhau một con sông nên ngày tết cả nhà líu ríu dắt nhau về, ông bà bảo vui như tết thật chẳng sai. Ba bọn trẻ còn bận việc mấy ngày nữa nên mấy mẹ con về trước. Tàu xe ngày tết thật vất vả nhưng cứ nghĩ đến niềm vui được ăn tết ở quê là cả nhà ai cũng náo nức. Rồi bất ngờ cô hỏi: “Mà bác quê ở đâu, nhìn bác em cứ tưởng bác lên nhầm tàu, bác mặc đẹp mà sang giống mấy người trên tivi!”.

Ông ngượng nghịu nhìn bộ com lê và cà vạt rực rỡ của mình xong ngập ngừng giải thích rằng tôi đang đi công tác, bị nhỡ xe. Cô gật gù ra vẻ đồng tình xong nhìn bâng quơ ra cửa sổ con tàu. Ông cũng nhìn theo cô và gặp màu xanh mát của mạ non, thi thoảng có vài cánh cò trắng thảng thốt bay lên.Tàu chạy hết ruộng lúa thì qua sông dài, qua những đồng hoa cải đu đưa trong gió. Thằng bé con đã ngủ ngon trong lòng ông tự lúc nào...

Vừa nhìn qua cửa sổ toa tàu, cô vừa nói như thầm thì, chẳng hiểu sao khi nhìn đồng hoa cải vàng, em thấy thương người quê em đến lạ. Khi em và bọn trẻ ngồi trên tàu, ngắm cỏ hoa và háo hức về quê ăn tết, thì người làng em vẫn phơi mình trong gió bấc để làm cỏ lúa, để hái rau, thả lưới mưu sinh. Người phố nhìn hoa cải vàng cả triền sông thấy lãng mạn và yêu đời, người làng em nhìn hoa cải vàng thì lo tính toán chuẩn bị cho vụ mùa mới, lo hạt giống cải mùa sau có chắc hạt, lo tết sắp về mà áo mới cho bọn trẻ vẫn chưa may xong. Nhiều năm ở phố, dường như em đã quên mất những nỗi lo này, để những lúc như bây giờ, tự nhiên em thương nhớ người quê thắt ruột...

Rồi cô kể, em có người chị bên chồng năm nay gần 50 tuổi mà vẫn một mình. Hồi xưa, khi em còn bé như con em bây giờ, chị xinh nhất làng. Mẹ chồng em kể, chị học gần hết cấp ba thì bố mẹ mất trong một ngày mưa lũ. Sau chị là lóc nhóc bốn đứa em ngơ ngác. Chị thành mẹ ngày ngày trồng lúa trồng rau nuôi bầy em. Chị xinh đẹp và tảo tần nên có không ít trai làng ngấp nghé. Nhưng chị phải nuôi hết em này đến em khác đi học, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Mẹ em kể, có lần chị bảo chị đã thương một người tình cờ gặp ở ga xép, hôm chị tiễn cô em út vào trường đại học. Người ấy hẹn hò tết sẽ về thăm chị, thăm quê. Chị đợi mấy cái tết liền, đợi lâu quá thì cố quên. Khi chị ngoài ba mươi tuổi thì đàn ông độc thân trong làng chẳng còn ai, còn chị chẳng biết đã quên ai đó được chưa nhưng vẫn luôn bần thần khắc khoải mỗi bận ra ga đón những đứa em về nhà...

Thôi không nhìn ra cửa sổ toa tàu, cô quay lại nhìn ông với vẻ mặt nghiêm nghị: “Đôi khi em nghĩ, bài hát Chị tôi mà nhạc sĩ Trần Tiến viết đích thị là viết về chị chồng của em. Bữa đầu tiên nghe bài hát đó, em rớt nước mắt vì thương chị. Về quê, em hỏi thì chị cười, bảo nhạc sĩ dư hơi mà viết bài hát cho mấy chị em mình. Mà cái bài ấy, chị đã nghe bao giờ đâu! Em nghĩ lại thấy có lẽ là trùng hợp, ở đâu đó ngoài quê em chắc cũng có những người giống chị em, thay cha mẹ nuôi một bầy em khôn lớn, xong thì mỏi mòn chờ ai đó cho hết cả tuổi xuân!”.

Ông nhìn vẻ mặt nghiêm nghị của cô, gật gật đầu rồi tảng lờ ngó ra ngoài cửa sổ. Tự nhiên ông nhớ da diết những chuyến tàu ngược xuôi thời trai trẻ. Nhớ buổi chiều đợi tàu trong gió lạnh se sắt, nhớ chiếc khăn len cô bạn gái cùng làng đan tặng ngày ông thi đỗ đại học. Nhớ những hẹn hò xưa cũ đã từng bị lãng quên, bị khuất lấp giữa bề bộn cuộc sống ồn ào chốn thị thành. Thốt nhiên ông lo sợ, rằng liệu có ai đó ngốc nghếch đợi mình cho đến hết cả tuổi xuân như người chị của cô hành khách hay chuyện này?
Tàu dừng chân ở một ga nhỏ. Cô bảo ga tới là đến làng em. Chải xong mái tóc cho con gái, cô lay gọi cậu con trai đang ngủ say trong lòng ông trở dậy rồi hỏi bác xuống ga nào, có gần làng em không? Làng ông cách quê cô một dòng sông và mấy cánh đồng y như trong bài hát nào đó. Nhưng ở quê giờ chẳng còn ai. Lâu lâu ông về quê có việc cũng chỉ đi xe ô tô, gặp gỡ, bắt tay, chuyện trò rổn rảng với anh em, họ hàng, ăn vội bữa cơm rồi trở lên phố. Ông chẳng có thì giờ để dạo quanh làng, ngắm cải, ngò ra hoa và đu đưa trong gió, lòng rưng rưng như lúc nghe cô kể chuyện làng, chuyện người...

Con tàu hú còi rồi từ từ dừng lại. Ông xách giúp cô mấy cái túi xách lỉnh kỉnh đi ra cửa. Xoa đầu cậu bé, ông tiễn ba mẹ con xuống sân ga rồi bần thần quay về chỗ ngồi. Qua ô cửa sổ, bóng ba mẹ con khuất dần trong buổi chiều cuối đông...

*   *
*

Khi con tàu dừng ở ga của ông cũng là lúc ba mẹ con cô về đến nhà. Cởi chiếc áo khoác cho cậu con trai, cô thấy một chiếc phong bì nhỏ rơi ra từ túi áo. Mở phong bì, cô đọc lá thư của ông: “Tôi định nói lời cảm ơn cô nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chúc cô chú và các cháu ăn tết vui vẻ, chúc chị bên chồng cô sẽ có những niềm vui trong năm mới. Tôi gửi hai cháu chút quà mừng tuổi! À mà cô có dùng Facebook không, nếu có thì ghé qua nhà tôi nhé, địa chỉ Facebook của tôi là...”.

Cô đọc thư xong vừa cảm động vừa buồn cười, nghĩ bụng, bác lớn như vậy mà còn biết chơi Faceboook nữa là em. Rồi thắc mắc không biết bác ấy viết thư và tặng quà cho bọn nhỏ lúc nào, chắc là lúc cô kể chuyện xong thì mơ màng thiếp đi một chút... và cô thầm cảm ơn lời chúc năm mới của ông gửi cho chị...

Lúc cô đang đọc thư thì ở bên kia dòng sông và cách xa mấy cánh đồng, ông đang đi chầm chậm dọc cánh đồng làng rực rỡ màu vàng hoa cải. Còn chuyến tàu cuối năm vẫn tiếp tục hành trình, đưa những người xa về với quê hương...

Diệp Đồng