.

"Xẩm & Đời": Đêm giao thoa âm nhạc của sự liều lĩnh và tham vọng

Thứ Năm, 15/01/2015, 13:58 [GMT+7]

Với mong muốn làm sống lại loại hình nghệ thuật xẩm, ban tổ chức đêm “Xẩm & Đời” ngoài việc tái hiện lại xẩm thị thành xưa còn có tham vọng “trẻ hóa” xẩm trong dáng dấp đương đại, bên cạnh những thể nghiệm âm nhạc lạ lẫm.

"Cặp đũa lệch" dẫn chuyện đêm "Xẩm & Đời": nhà thơ Vũ Quần Phương- Trà Ngọc Hằng (Ảnh: BTC)

Mở ra không gian cổ

Chính vì vậy, sự trở lại của “Xẩm & Đời” lần này theo kết cấu chương trình sẽ là một vệt dài, với bước chuyển giao từ Xẩm xưa - Xẩm đương đại – Xẩm thử nghiệm khi kết hợp với một số loại hình âm nhạc khác

Đầu tiên, “Xẩm xưa” sẽ mở ra không gian cổ gồm những bài xẩm kinh điển đã rất phổ biến ở khắp miền Bắc những năm nửa đầu thế kỷ 20. Trong nhiều thập niên vắng bóng, những bài xẩm này vẫn được các nghệ nhân hát xẩm giữ theo bên mình như một báu vật.

“Xẩm đương đại” là nỗ lực làm sống lại nghệ thuật xẩm mang dáng dấp đương đại khi phát triển những làn điệu xẩm xưa, nhưng được lồng điệu vào những bài thơ trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Quang Long thì chủ đề của đêm nghệ thuật "Xẩm &Đời" gồm hai khía cạnh: Xẩm nói về cuộc đời và cuộc đời với xẩm. Chính vì thế, “Xẩm đương đại” sẽ làm phong phú hơn về nội dung ca từ, và góp phần giúp cho nghệ thuật hát xẩm gần gũi hơn, mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Bất ngờ nhất trong đêm, cũng là sự liều lĩnh của các nghệ sỹ khi quyết định đưa “Xẩm thể nghiệm” làm màn kết của đêm “Xẩm & Đời”.

“Xẩm thử nghiệm” sẽ kết hợp xẩm xưa với những dòng nhạc đương đại thế giới để khai thác những ưu điểm của hát xẩm như chất ngẫu hứng, nhạc điệu hòa trộn với dòng chảy hiện đại, thiên về tiết tấu như jazz, hip- hop, beatbox.

Đêm nghệ thuật “Xẩm và đời” sẽ quy tụ những nghệ sỹ hàng đầu về loại hình hát Xẩm hiện nay như: nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch, nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan, nghệ sỹ ưu tú Thúy Ngần, nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nhạc sỹ Khương Cường…

Công chúng yêu nhạc thủ đô sẽ được nghe lại một số bài Xẩm nổi tiếng như: "Xẩm ba bậc," "Vợ chồng cờ bạc," "Ngãi mẹ sinh thành," "Quyết chí tu thân," "Thập ân 10 điều," "Mục hạ vô nhân" và nhiều ca khúc mới như: "Tiễu trừ cướp biển," "Xẩm rau má"…

"Bị đánh đồng với ăn xin"

Trong nỗ lực làm “trẻ hóa’ Xẩm, đêm nghệ thuật “Xẩm &Đời” sẽ do “cặp đũa lệch” dẫn chuyện là nhà thơ Vũ Quần Phương và Á hậu Trà Ngọc Hằng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương là một người am hiểu và yêu mến nghệ thuật xẩm. Tại buổi họp báo tại Hà Nội, ông nói: “Xẩm nó không nổi trội nhưng cứ âm ỷ và có thể bùng cháy lúc nào không biết, như một con thuyền đắm chìm hàng 400 trăm năm được trục vớt lên, những của cải vật chất trên con thuyền đó giá trị của nó như thế nào thì xẩm cũng như vậy.”

Trong khi đó, Trà Ngọc Hằng sẽ ở vai một cô gái trẻ Phương Nam đi khám phá một nét âm nhạc đường phố đặc sắc của Hà Nội. Sự đối thoại giữa hai thế hệ đó vì thế thật thú vị và ý nghĩa bởi sự chuyển giao, tiếp nối trong tình yêu và nỗ lực giữ gìn nghệ thuật xẩm.

Nhạc sỹ Quang Long cũng chia sẻ: “Đời người hát xẩm suốt thời gian dài trong quá khứ bị đánh đồng với ăn xin nên con cái người hát xẩm không muốn theo nghề vì xấu hổ. Mặt khác cũng do hiểu không đúng xẩm, nên xẩm không được phát triển, điều này dẫn đến việc mai một của hát xẩm.

Trong suốt quá trình phục hồi các nhà nghiên cứu chúng tôi đã đi rất nhiều nơi tìm nghệ nhân hát xẩm thì bên cạnh Hà Thị Cầu cũng có thêm 2 hay 3 nghệ nhân, nhưng họ đều già yếu lớn tuổi và quên rất nhiều làn điệu trong xẩm. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Hát xẩm rất đặc biệt ở chỗ nghệ thuật này dù có thể biểu diễn không nuột nà nhưng âm nhạc và lời ca phải chú ý đến từng nốt, từng chữ và điều đó gần như vắng bóng từ sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu và Nguyễn Văn Giang. Bởi vậy, những người biểu diễn trong chương trình nỗ lực làm mới xẩm, đưa xẩm đến gần công chúng nhưng vẫn giữ hồn cốt của xẩm.”

Về sân khấu, đạo diễn Nhật Giang, người từng gắn bó với các chương trình xẩm nhiều năm nay của nhóm xẩm Hà Thành chia sẻ: "Sân khấu nhà hát lớn dù rất là sang trọng nhưng những hình ảnh trên sân khấu sẽ ngập tràn không gian của phố phương cổ xưa, đưa công chúng trở về với thời vàng son của cõi Xẩm."

Đêm nghệ thuật “Xẩm & Đời” sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 20-1-2015 tại Nhà hát Lớn, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Hát xẩm là nghệ thuật dân gian đặc sắc và lâu đời đã có mặt ở nhiều địa phương trên miền Bắc, đặc biệt rất phổ biến ở Hà Nội từ đầu thế kỷ 20.

Tại liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Tokyo tháng 2-2009, các chuyên gia âm nhạc Nhật Bản đánh giá hát xẩm là đặc sắc nhất.

Theo đó, nghệ thuật hát xẩm sẽ được tiếp nối các loại hình nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng tây nguyên, Ca trù, Quan họ… để đề cử với UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Cẩm Thơ (Vietnam+)