.

Phú Quốc Đảo Ngọc - Kỳ 3: Phú Quốc đặc sản và ẩm thực

Thứ Ba, 20/01/2015, 15:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Phú Quốc có nhiều đặc sản được cả nước biết đến là ngọc trai, hồ tiêu, các loài cá biển, ốc biển nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là nước mắm. Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam, cũng là đầu tiên của Đông Nam Á được Liên minh Châu Âu (EU) công nhận và bảo hộ xuất xứ địa lý từ tháng 12 năm 2012.

>> Phú Quốc Đảo Ngọc

>> Phú Quốc Đảo Ngọc- Kỳ 2: Phú Quốc tâm linh

Quảng Bình quê mình cũng có nhiều nơi làm nước mắm ngon như Bảo Ninh, Cảnh Dương nhưng đã ra đây cứ đến xem cách thức họ chế biến ra làm sao mà nổi danh đến vậy.

Đến một cơ sở chế biến gọi là Nhà Thùng ở thị trấn An Thới, chúng tôi đã thấy nhiều khách tham quan đứng chật trong, chật ngoài bên cạnh những thùng chượp mắm thơm lừng. Nghe ông chủ nhà giới thiệu quy trình làm nước mắm mới biết những giọt nước sóng sánh màu cánh gián kia được chắt lọc khá công phu. Xung quanh đảo Phú Quốc  có nhiều bãi cỏ biển (rong biển) nên nhiều phù du thu hút một số lượng lớn các đàn cá cơm, đánh bắt được quanh năm. Nhưng để làm được nước mắm ngon chỉ có ba loại là cá cơm sọc tiêu, các cơm đỏ và cá cơm than.

Không như ở quê mình cá đem về đất liền mới chế biến, ở Phú Quốc người ta thực hiện công đoạn trộn cá ướp muối ngay trên tàu khi vừa đánh bắt được. Từng mẻ cá được xúc rửa bằng nước biển rồi trộn muối, đưa xuống hầm tàu. Theo ông chủ Nhà Thùng,  cách trộn cá tươi trên biển vừa giữ cho thịt cá không bị phân hủy, không trở mùi vừa giữ được độ đạm cao. Về đất liền cá đã trộn muối được đưa vào những thùng lớn làm bằng gỗ bời lời, mỗi thùng có đường kính từ 1,5 đến 3 mét, cao 3 đến 4 mét có thể ngâm ủ trên dưới 10 tấn cá. Người ta cài nén chượp suốt liền trong 12 tháng, có khi đến đến 15 tháng mới rút nước mắm. Lứa nước đầu gọi là nước mắm cốt có 30 độ đạm, nước thứ hai gọi là nước mắm long có 20 độ đạm. Sau khi rút hết nước mắm trong chượp người ta mới pha trộn lại để được loại nước mắm tiêu chuẩn. Vừa giới thiệu quy trình sản xuất như tiếp thị vừa   bán sản phẩm, du khách tin tưởng, không ngần ngại bỏ tiền mua những chai nước mắm Phú Quốc chính hiệu.  

 Nhà thùng làm nước mắm Phú Quốc
Nhà thùng làm nước mắm Phú Quốc

Tiết kiệm được chi phí đi theo tua khá đắt, trong chuyến phượt quanh đảo cha con tôi dành tiền để thưởng thức các món đặc sản của Phú Quốc theo lời giới thiệu của người dân trên đảo. Món ngon vật lạ có nhiều, có món khá đắt như Cơm Ghẹ Hàm Ninh, Còi Biên Mai ở An Thới, Bún Kèn ở Dương Đông. Nhưng cũng có món bình dân, giá rẻ và để lại ấn tượng khó quên đó là món gỏi cá trích. Trước khi ra đảo đã nghe nói về món đặc sản này nhưng tôi không thể hiểu được loại cá xương xóc bán đầy ở chợ Đồng Hới sao lại làm gỏi được. Ở  Phú Quốc món gỏi cá trích là món ăn phổ biến của dân đảo không kể giàu nghèo. Trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng trên phố ẩm thực ở trung tâm thị trấn gỏi cá trích là món thu hút nhiều du khách hơn cả. Ở đó một đĩa có giá 200 nghìn nhưng khi cha con tôi xuống một quán nhỏ bên Bãi Khem mỗi đĩa chỉ có 30 nghìn. Những con cá trích còn tươi xanh được đánh sạch vảy, bỏ ruột, bỏ đầu, bỏ đuôi lạng dọc sống lưng lấy hai miếng phi lê hai bên thân rồi thái mỏng được ngâm qua nước chanh vắt để làm chín tái. Gỏi cá trích cũng ăn các món gỏi khác, cá được cuốn với bánh tráng, rau sống, một lát chuối chát, khế chua, thêm một ít dừa cạo, thìa lạc rang giã nhỏ ăn với chén nước chấm được pha từ nước mắm Phú Quốc có thêm tỏi ớt. Có vị ngọt bùi của cá, vị chát của rau sống, vị béo của dừa, của lạc, cay nồng của tỏi ớt... tất cả để lại một dư vị thật khó quên.

Nhân viên phục vụ của những nhà hàng ven bãi này cũng thật đặc biệt, họ thật thân thiện, hiền lành, vui vẻ nhưng không chào mời thái quá. Chỉ có món gỏi cá là họ phải chế biến còn các món nướng khách tự chọn cá, mực, ốc, ghẹ rồi đưa ra một bếp than hồng khách tự làm lấy, vừa nướng vừa ăn.  Những chiếc bàn nhỏ đặt ngay chân sóng vừa lặng ngắm hoàng hôn buông dần trong vịnh vừa nhẩn nha thưởng thức. Tôi chợt nghĩ, giá như món gỏi cá trích cũng có trong thực đơn ở Đồng Hới quê mình thì tốt biết bao, vừa ngon, vừa lành lại vừa rẻ.

Người ta bảo, ăn gỏi cá trích và các món hải sản không nên quên nhâm nhi một vài cốc rượu sim của Phú Quốc vì nó tốt cho tiêu hóa nhất là đối với các món ăn nhiều đạm. Những năm gần đây Rượu sim Phú Quốc trở thành một đặc sản, một thương hiệu được cả nước biết đến.  Người ta nói nhiều về công dụng của rượu sim trong các quảng cáo trên bao bì, trong nhà hàng, trong các bữa nhậu. Được kiểm nghiệm là thứ rượu bổ máu, khí huyết lưu thông, mạnh gân cốt, ăn ngon ngủ ngon, rượu sim còn có tác dụng tiêu nhanh sỏi mật, sỏi thận, chống ô xy hóa, trung hòa gốc tự do. Dọc đường lên bắc xuống nam, từ tây sang đông đảo Phú Quốc ở đâu tôi cũng thấy bạt ngàn những đồi sim được bảo vệ để thu hái quả nhất là ở những khu rừng phòng hộ ở Hàm Ninh, Dương Tơ, Gềnh Dầu, Bãi Thơm. Người ta còn đem cây sim về trồng trong các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại trung tâm thị trấn. Nhờ khí hậu trong lành, mát mẻ, cây sim ở Phú Quốc cho hoa trái quanh năm nhưng thu hoạch rộ nhất là từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch khi thời khắc giao hòa của tiết trời phương nam. Cuối đông, hoa sim nở rộ tím cả một vùng đồi hẹn một mùa bội thu. Rượu sim Phú Quốc được chế biến thành nhiều loại, có loại nồng độ cao có loại có nồng độ thấp như rượu vang được đóng chai, bao gói đẹp là đặc sản thu hút nhiều du khách. Nhớ câu ca xưa: “Đói lòng ăn một trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương” trái sim ở Phú Quốc ngày nay đã giúp cho Phú Quốc xóa đói giảm nghèo và đang trở thành một ngành công nhiệp chế biến đang phát triển mạnh ở hòn đảo xinh đẹp này.

Nghe nói đến lịch sử nghề làm rượu sim Phú Quốc tôi cảm thấy hơi chạnh lòng, bởi lẽ nghề làm rượu sim ở đây mới có khoảng hai mươi năm  trước mà đã nhanh chóng nổi tiếng cả nước. Còn ở Quảng Bình rượu sim đã có từ những năm trước chiến tranh và rượu dâu (rừng) thì lâu hơn nữa. Rượu dâu Quảng Bình từng được đem vào tiến vua trong những ngày lễ trọng. Thời Pháp thuộc rượu dâu Quảng Bình cũng từng được xuất sang Pháp. Tôi được biết, trên cơ sở công nghệ sản xuất rượu dâu nổi tiếng những năm 60 thế kỷ trước Xí nghiệp rượu Quảng Bình đã sản xuất hàng ngàn lít rượu sim, rượu dâu bán ra thị trường khắp miền Bắc. Ấy thế mà giờ đây thứ đặc sản ấy của quê mình chỉ còn trong hoài niệm. Dọc các tuyến giao liên từ Tuyên Hóa đến Lệ Thủy màu tím hoa sim bạt ngàn níu bước hành quân năm xưa chỉ còn trong ký ức. Giá như có một ai đó nặng nợ với vị quê mà phục hồi những đồi sim, đồi dâu để làm nên thương hiệu rượu sim, rượu dâu Quảng Bình thì quý biết bao nhiêu.

Lan man chuyện ăn, chuyện uống nhưng đó cũng là một sản phẩm du lịch được thưởng lãm ở Phú Quốc nên không thể không viết ra vậy.

Ký sự của Phan Viết Dũng

Kỳ cuối: Phú Quốc cất cánh