.

Phú Quốc Đảo Ngọc- Kỳ 2: Phú Quốc tâm linh

Thứ Hai, 19/01/2015, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Tạo hóa cho Phú Quốc rừng vàng biển bạc nhưng đến Đảo Ngọc này khách du lịch không thể không đến những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, như những linh hồn của đảo.

>> Phú Quốc Đảo Ngọc

Ngôi đền đầu tiên chúng tôi đến thắp hương trước khi lên đường khám phá Phú Quốc là Dinh Cậu, một ngôi đền nhỏ được xây dựng từ thế kỷ XII. Nằm ngay cửa sông Dương Đông, trên những khối đá sa thạch xếp chồng lên nhau nhô ra biển, Dinh Cậu là một ngôi đền rất linh thiêng. Từ bãi biển, lên 30 bậc đá chúng tôi vào Điện Thạch Sơn, ông từ giới thiệu, nơi đây thờ hai vị Nhị đầu vương Thái tử có uy quyền trị vì sông nước, giúp ngư dân ra khơi vào lộng. Cách Dinh Cậu không xa là Dinh Bà thờ Thủy Long Thánh Mẫu, người dân xứ đảo thường đến hai nơi này thắp hương cúng vái trước mỗi chuyến đi xa và tạ lễ sau khi trở về bình an thuyền đầy tôm cá.

Ở Phú Quốc có rất nhiều ngôi chùa được xây dựng ở những nơi có thắng cảnh tuyệt vời. Nổi tiếng là chùa Sư Muôn (còn có tên là Hùng Long Tự) ở gần Suối Tranh trên đường đến làng chài Hàm Ninh. Nằm cạnh một hồ nước lớn, quanh năm phủ bóng tà dương, chùa Sư Muôn u tịch thật hợp với lòng người muốn hướng tới cõi thiện tâm. Chùa Sùng Hưng (còn gọi là chùa Thầy Dần) nằm trên một con đường dốc, ở đó có một giếng nước rất trong và ngọt người dân thị trấn hay đến lấy nước để cúng lễ vào ngày rằm, mồng một. Đặc biệt khi đến với Phú Quốc, hai năm lại đây không thể không đến với chùa Hộ Quốc trên đường về Nam Đảo. Chùa Hộ Quốc còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Phú Quốc nằm trong tổng thể khu du lịch tâm linh của Phú Quốc rộng đến 110 ha được xây dựng ở bãi Cây Da xã Dương Tơ gần Vịnh Đầm. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước cảnh quan nơi đây. Chùa nằm trên đồi cao, phía sau là những cánh rừng yên tĩnh, phía trước cát trắng biển xanh, xa khơi nhấp nhô những hòn đảo nhỏ. Trong chùa, gian trước thờ Phật Thích Ca và các vị Bồ Tát, chánh điện thờ Sơ tổ Trúc Lâm - Phật hoàng Trần Nhân Tông, bên phải là Nhị Tổ Pháp Loa, bên trái là Tam Tổ Huyền Quang. Phải chăng, người dân Phú Quốc muốn đưa ý chí, tâm nguyện và linh hồn của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị anh hùng dân tộc về nơi đây để hộ quốc an dân Đảo Ngọc?. Lặng ngắm biển lặng, nghe tiếng chuông ngân ta như được vào chốn thiền tĩnh tại, thư thái tâm linh trong chuyến hành hương về một vùng biển đảo phương nam của Tổ quốc.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Đền thờ Nguyễn Trung Trực

Không chỉ có đền chùa chốn linh thiêng, Phú Quốc còn có những di tích lịch sử để lại dấu ấn của tinh thần và ý chí bất khuất trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngược lên phía bắc đảo, chúng tôi  đến tham quan căn cứ của nghĩa quân và đền thờ Nguyễn Trung Trực, người anh hùng dân tộc trong những ngày đầu chống Pháp ở Nam Bộ. Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến Nguyễn Trung Trực đã ra Phú Quốc xây dựng căn cứ ở Cửa Cạn nhưng do tương quan lực lượng và thiếu thốn mọi bề nghĩa quân phải chịu thất bại. Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp bắt đưa về Khám Lớn Sài Gòn và sau đó bị xử chém tại Rạch Giá. Ngưỡng mộ trước chí khí anh hùng bất khuất của Nguyễn Trung Trực, người dân Phú Quốc coi ông là một vị thần nên đã lập đền thờ ở mũi Ghềnh Dầu, quanh năm hương khói. Câu nói cuối cùng của người anh hùng dân tộc “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam  mới hết người Nam đánh Tây” được khắc chạm vào bức hoành phi tại ngôi đền thờ ông. Nhìn bức tượng Nguyễn Trung Trực đang tuốt gươm nhìn ra biển lớn tôi chợt nhớ câu thơ ca ngợi chí khí người anh hùng: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỹ thần”.

Tượng đài kỷ niệm nhà tù Phú Quốc
Tượng đài kỷ niệm nhà tù Phú Quốc

Xuôi về nam đảo bên cạnh đường 46 là Trại tù binh Phú Quốc gần thị trấn An Thới. Trại tù này được thực dân Pháp xây dựng để giam cầm các chiến sĩ cách mạng, sau đó chính quyền Mỹ ngụy mở rộng làm nhà tù giam các chiến sĩ giải phóng quân bị bắt trong chiến tranh. Nằm ở ấp Cây Dừa thuộc xã An Thới nên còn gọi là Nhà lao Cây Dừa. Rộng trên 400 ha, trại có nhiều khu, mỗi khu chia thành nhiều phân khu giam giữ 40.000 người tù gồm cả tù binh và tù chính trị.

Trên nền nhà lao xưa, một di tích nhà tù Phú Quốc được tái dựng lại với những rào kẽm gai dày đặc, những chòi canh, chuồng cọp và cả những hình thức tra tấn dã man mà chính quyền Sài Gòn đã áp dụng để hòng đè bẹp ý chí quật cường của người tù. Được xem những hình ảnh mô phỏng cảnh tra tấn của kẻ thù đối với người tù không ai không rùng mình trước tội ác man rợ như ở thời trung cổ. Hàng chục kiểu tra tấn được tái hiện từ việc đóng đinh vào tay chân, đục răng, trùm bao bố đổ nước sôi, than lửa lên người đến thiêu sống, chôn sống... kẻ thù không từ một thủ đoạn nào hòng đè bẹp ý bất khuất của người tù. Gông cùm, xiềng xích, đòn roi tra tấn của quân thù không đè bẹp được ý chí chiến đầu của người chiến sĩ cách mạng, không chịu đầu hàng, không chịu khai báo nhiều tù nhân còn tìm cách vượt ngục trở lại chiến trường.

Tại một điểm trong di tích người ta đã đào một đường hầm lớn đưa du khách xuống tham quan con đường hầm vượt ngục của các tù nhân ngày xưa. Câu chuyện đào đường hầm vượt ngục của tù nhân trại A5 ngày xưa được người hướng dẫn kể lại nghe như huyền thoại. Bằng những công cụ tự tạo từ chiếc ăng gô, thìa muỗng những tù binh đã đào bốn tháng trời để có một con đường hầm dưới mặt đất 1,5 mét dài 120 mét xuyên qua các hàng kẽm gai để thoát ra rừng tìm đường về với cách mạng.

Chỉ trong 6 năm (từ tháng 6-1967 đến tháng 3-1973),  hơn 4.000 người tù đã bị tra tấn đến chết, hàng chục ngàn người bị tàn phế. Họ là những chiến sĩ giải phóng quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích và tù chính trị từ khắp mọi miền đất nước. Trong danh sách những người tù hy sinh tại nhà lao Phú Quốc bất chợt tôi đọc thấy tên 27 người quê ở Quảng Bình trong đó có 2 người đồng đội, đồng hương Đồng Hới, lòng tôi như lắng lại.

Chiến tranh đã lùi xa, vùng đất An Thới đang đổi mới từng ngày nhưng khúc ca bi tráng về nhà tù Phú Quốc vẫn âm vang cùng năm tháng.

Ký sự của Phan Viết Dũng

Kỳ 3: Phú Quốc đặc sản và ẩm thực