.

Hành trình đưa hình ảnh Quảng Bình đến đất Mỹ...

Thứ Bảy, 03/01/2015, 14:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm ngay sát con sông Hương thơ mộng, Trung tâm New Space Art Foundation (15 Lê Lợi, TP.Huế) những ngày cuối năm tất bật, nhộn nhịp với các cuộc triển lãm lạ và độc, vốn là “đứa con tinh thần” thai nghén suốt bấy lâu nay của các họa sĩ trong và ngoài nước. Chủ nhân của trung tâm là anh em họa sĩ song sinh-Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải. Vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi Mỹ dài ngày cùng video art “Chạm tới biển”, với họ, hành trình này vừa góp phần đưa hình ảnh biển miền Trung và đặc biệt là biển Quảng Bình đến với công chúng Mỹ, vừa là sự khẳng định sức sống bền dai của nghệ thuật đương đại ở dải đất miền Trung đầy nắng gió.

Từ nghệ thuật đương đại: dấn thân và thử thách...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh), anh em họ Lê vẫn chưa sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Họ tìm đến với hội họa chỉ sau ngưỡng cửa phổ thông trung học và đơn giản xem đây như một kế sinh nhai giữa đời thường. Ấy vậy, chỉ sau một vài năm theo học mỹ thuật tại Huế, họ chợt nhận ra rằng, nghệ thuật không còn đơn thuần là một cuộc dạo chơi nữa, mà đã thực sự là đam mê, là niềm vui, là lý tưởng sống của chính mình. Lập nghiệp ở cố đô Huế, mải miết với công việc vẽ tranh-mua mua-bán bán cộng thêm một chút ít tiếng tăm, họ vẫn loanh quanh, mỏi bước và chưa thực sự khai phá ra câu trả lời cho câu hỏi nhức nhối “tôi đã thực sự làm được gì cho quê hương?”. Năm 2008, hai anh đã có một quyết định bước ngoặt, đó là bỏ hẳn công việc gắn bó bấy lâu tại ngôi trường mỹ thuật và chuyên tâm mở Trung tâm New Space Art Foundation, đồng thời có những bước tiếp cận đầu tiên với nghệ thuật đương đại.

Những công việc sáng tạo luôn là một phần không thể thiếu  trong cuộc sống của hai họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải
Những công việc sáng tạo luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hai họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải

Anh Lê Ngọc Thanh chia sẻ, mục đích mà trung tâm hướng tới là trở thành một gạch nối hiệu quả giữa các hoạ sĩ Việt Nam với nghệ thuật thế giới, đặc biệt đối với những họa sĩ trẻ, đam mê sáng tạo và dám thử thách. Chính vì vậy, Trung tâm có một khu nhiệm trú tại TP.Huế dành riêng cho các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn đến, khám phá và sáng tạo nghệ thuật tại miền Trung. New Space Art Foundation cũng đã kết hợp với các trung tâm nghệ thuật khác ở Hàn Quốc, Singapore... để trao đổi nghệ sĩ, cùng học hỏi, chia sẻ trải nghiệm trong phát triển nghệ thuật đương đại. Trung tâm thường xuyên là địa điểm ấn tượng diễn ra những cuộc triển lãm “lạ” và “độc” của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, đưa công chúng trẻ đến gần hơn với nghệ thuật đương đại.

Từ năm 2010, Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải không còn vẽ tranh mà chuyển hẳn sang thực hiện những tác phẩm nghệ thuật thông qua các dự án truyền thông, dưới hình thức chuyển tải câu chuyện mang nhiều thông điệp đến với công chúng. Kể từ dự án đầu tiên “Cây cầu” đến dự án gần đây nhất “365 ngày”, anh em nhà họ Lê đã cho thấy một sức sáng tạo đáng nể cùng hệ thống các ý tưởng xuyên suốt không gian, thời gian và đặc biệt là sự đa dạng hóa, cách tân trong cách thức thể hiện của từng dự án. Chẳng hạn, dự án “Cây cầu” với những bộ phim được quay tại các quốc gia có sự chia cắt lãnh thổ trong quá khứ và hiện tại, như: Việt Nam, Hàn Quốc, Đức. Dự án “Trước 1986” khắc họa hình ảnh Việt Nam trước đổi mới với 3 cụm tác phẩm sắp đặt, phim video và 20 bức tranh sơn mài vẽ lại từ 20 bức ảnh gia đình trước năm 1986 được công chúng gửi đến. Các dự án không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn được giới yêu nghệ thuật nước ngoài rất quan tâm. Dự án “Đỏ” sẽ được triển lãm tại Bảo tàng đương đại Croatia vào tháng 7 năm 2015, còn dự án “Trò chơi” sẽ tham gia cùng các nghệ sĩ Singapore tại triển lãm ở Bảo tàng Palais De Tokio (Pari, Pháp) vào ngày 26-3-2015. Hiện tại, anh em họ Lê đang vô cùng bận rộn thực hiện dự án “365 ngày” của mình với sự tham gia đa dạng của các loại hình nhiếp ảnh, video stop motion, nghệ thuật sắp đặt...

Đến khoảnh khắc “Chạm tới biển”...

Là một người con của đất Quảng Bình, sinh năm 1975, hơn ai hết giấc mơ tìm về nguồn cội luôn là nỗi niềm thôi thúc trong tâm trí của hai họa sĩ trẻ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải. Họ hiểu rằng, những ý tưởng sáng tạo, những tư duy mới mẻ trong nghệ thuật của mình chính nhờ sự hun đúc từ ký ức của mảnh đất Văn La “bát danh hương” một thuở, với giếng Hang ngọt mát, lễ hội làng vẹn nguyên giá trị và cả những bậc tiền nhân một đời dâng hiến cho dân, cho nước. Và đúng như anh Lê Đức Hải tâm sự, khát khao đưa niềm tự hào là người con Quảng Bình thể hiện vào nghệ thuật đương đại luôn là sự giục giã không thể gọi tên. Nghĩ về quê hương, hình ảnh cao cả, yêu thương, chở che của người mẹ luôn hiển hiện trong biển và họ đã tìm về với biển như một hành trình trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, nguồn cội của chính cuộc đời mình. Và đó cũng là cách họ lựa chọn để nói về chủ quyền biển đảo linh thiêng của Tổ quốc.

Hai họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải trong một buổi chiếu “Chạm tới biển” tại Mỹ
Hai họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải trong một buổi chiếu “Chạm tới biển” tại Mỹ

Video art 3 kênh màu “Chạm tới biển”, dài 21 phút 30 giây, nằm trong dự án “Những con số” được thực hiện năm 2011. Dự án gồm 3 cụm tác phẩm biệt lập, gồm: video art “Chạm tới biển” mang số 2011, tác phẩm sắp đặt hai giường nội trú sơn son thiếp vàng mang số 1991 và 1945 chiếc bát sơn son thiếp vàng mang số 1945. Tác phẩm được thực hiện ròng rã trong suốt 6 tháng trời dọc bờ biển từ Huế ra Quảng Bình, xuất phát từ nơi họ lập nghiệp trở về mảnh đất quê hương. Nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ của Quảng Bình được chọn lọc trong khuôn hình, như: Long Đại, Hải Ninh, Bảo Ninh, Ngư Thủy, Lý Trạch... Năm 2014, cùng với ba tác phẩm tài liệu khác, “Chạm tới biển” đã vinh dự được Viện trao đổi Văn hóa-Giáo dục Việt Nam tại Mỹ lựa chọn trình chiếu ở 10 trường đại học danh giá nhất của Mỹ, gồm: Đại học Yale, Brown, MIT, New York, Pennsylvania, Columbia, Massachusetts... Trước đó, “Chạm tới biển” từng tham gia triển lãm tại Singapore Biennale năm 2013 và vinh dự nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng đương đại Singapore.

Những ngày trên đất Mỹ đã mang đến trong anh em nhà họ Lê nhiều trải nghiệm cảm xúc thật đặc biệt, bởi lần đầu tiên, những thước phim về biển quê hương được trình chiếu tại một quốc gia trước đây ở phía bên kia chiến tuyến, cho những tri thức hàng đầu của nước Mỹ. Đưa người xem về với biển lúc hoang sơ, mộc mạc nhất, những thước phim 3 kênh màu đã “chạm” được tới các giá trị nhân sinh sâu sắc mang thông điệp về sự thuận hòa giữa con người và thiên nhiên, về trải nghiệm giữa chiến tranh và hòa bình, về sự mải miết đi tìm bản ngã của chính mình trong cuộc sống hiện đại, về hành trình tìm lại cội nguồn đã phôi pha trong tâm trí và cao hơn cả chính là thông điệp về chủ quyền lãnh thổ vẹn nguyên qua giông bão.

Nhiều biểu tượng triết lý được tạo ra do chính hai anh em song sinh vốn giống nhau như đúc, tượng trưng các các quy luật song hành, tương trợ trong triết lý phương Đông đã phản chiếu một lăng kính nhiều màu, đa chiều trong tâm trí của người xem, để từ đó, mỗi người lại có những cảm nhận, trăn trở, suy tư riêng, như: dải lụa đỏ thắm mang tính kết nối dân tộc, những sợi dây chằng chịt đan xen tượng trưng cho mâu thuẫn hiện đại... Hình thức chiếu trên 3 kênh màu thực sự phát huy hiệu quả khi mang đến cho công chúng những trải nghiệm thực, vô cùng mới mẻ và ẩn chứa nhiều cảm xúc. Họa sĩ Lê Võ Tuân đã nhận định, “Chạm tới biển” là một tác phẩm nổi bật trong bối cảnh nghệ thuật hiện nay. Không chỉ liên kết nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, vượt qua những bức tường lý thuyết phân chia thể loại trong nghệ thuật, tác phẩm là một bài thơ siêu thực, bài thơ lãng mạn ca ngợi tình yêu quê hương đất nước dưới góc nhìn tươi mới của nghệ thuật đương đại, chuyển tải thông điệp qua nhiều tầng nghĩa, tránh được sự khô cứng và giáo điều.

Sau “Chạm tới biển”, hai họa sĩ họ Lê vẫn tiếp tục con đường khám phá, chinh phục những chông gai, thử thách của nghệ thuật đương đại. Mải miết với các dự định nghệ thuật táo bạo, phô diễn sức sáng tạo không mệt mỏi, trong tâm khảm của hai họa sĩ Lê Đức Hải và Lê Ngọc Thanh vẫn dành nhiều tâm sức cho Quảng Bình. Theo lời tâm sự của anh Thanh, sắp tới hai anh sẽ tiếp tục triển khai một vài dự án tại Quảng Bình với kỳ vọng sẽ quảng bá hình ảnh quê hương rộng khắp hơn và góp phần đưa nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng quê nhà.

Mai Nhân