.

Đi tìm nét văn hóa Bài Thai

Thứ Tư, 14/01/2015, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu Bài Chòi có một quá trình phát triển dài lâu, đi sâu vào đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân và trở thành một phần không thể thiếu của nhiều lễ hội, thì Bài Thai dường như lại có số phận kém may mắn hơn. Sự kém may mắn ấy không chỉ thể hiện ở việc vắng bóng tại các sân đình trong mùa lễ hội, mà còn ở nguồn tài liệu, hay sự truyền khẩu rất hiếm hoi từ các bậc cao niên. Tất cả tựu trung lại chính là sự phôi pha, mất dấu, mất dạng trong đời sống văn hóa văn nghệ dân gian-một điều rất đáng tiếc đối với một loại hình trò chơi vô cùng độc đáo và đặc sắc này.

Trong cuốn “Địa chí Đồng Hới” do nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú biên soạn, Bài Thai và Bài Chòi được đánh giá là hai nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người dân Đồng Hới xưa. Trong khi Bài Chòi thiên về tính cộng đồng, thu hút người chơi ở mọi tầng lớp nhân dân, bất kể giàu nghèo, thì Bài Thai lại chủ yếu là một trò chơi thuần túy văn học, người chủ trì không chỉ là những nhà nho uyên bác, thông kinh bác cổ mà còn có vốn sống dồi dào, đi nhiều, hiểu biết nhiều. Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho rằng, Bài Thai gần giống với Bài Chòi và Bài Ghế trước đây, nhưng với những nét đặc thù của mình, không gian chủ yếu của Bài Thai là vùng thành thị của TP.Đồng Hới, như: Hải Đình, Bảo Ninh, Đồng Sơn... Trong cuốn “Địa chí làng Trung Bính” của tác giả Phạm Ngọc Hiên, Bài Thai, Bài Vụ, Bài Nhất Lục, Bài Chữ... là những trò chơi ngày Tết của người dân Trung Bính xưa và nay.

Bài Chòi vẫn còn được duy trì sức sống, còn Bài Thai có lẽ đã lùi xa như quy luật tất yếu của thời gian
Bài Chòi vẫn còn được duy trì sức sống, còn Bài Thai có lẽ đã lùi xa như quy luật tất yếu của thời gian

Lần theo dấu vết của Bài Thai ở địa bàn TP.Đồng Hới mới thấy được một thực tế là loại hình trò chơi đặc sắc này hầu như không còn tồn tại và số người hiểu biết về Bài Thai có lẽ cũng chỉ là các nhà nghiên cứu văn hóa qua sách vở mà thôi. Cụ Đậu Có, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi phường Hải Đình cho biết, gắn bó với phường từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, nhưng cụ vẫn chưa bao giờ được nghe đến Bài Thai, chỉ có Bài Chòi là trước đây còn được tổ chức chơi nên người dân vẫn biết đến nhiều. Nghệ nhân Bài Chòi Thái Mai Hoa (Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) cũng trao đổi chân thành, từ 12-13 tuổi ông đã biết và chơi Bài Chòi, nhưng thực sự Bài Thai là một tên gọi rất lạ lẫm và chưa từng được nghe đến. Tìm về làng Trung Bính, nơi khi xưa Bài Thai một thời vang bóng, đều nhận được sự lắc đầu tiếc nuối của ông Phạm Ngọc Thành (Trưởng thôn Trung Bính) và của cả ông Nguyễn Huệ (86 tuổi, một trong những bậc cao niên am hiểu văn hóa của làng). Điều này đồng nghĩa với việc sự tồn tại của Bài Thai có lẽ đã cách thời đại của chúng ta một quãng khá dài và việc tìm ra các “nhân chứng sống”, đã từng một lần được tham gia loại hình văn hóa văn nghệ độc đáo này, bỗng trở thành một nhiệm vụ “bất khả thi” đối với những người trót say mê nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Bình.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú dường như đã biết rõ rồi sẽ có một ngày Bài Thai đi vào lãng quên như thế, cho nên đã dành nhiều công sức sưu tầm và giới thiệu cách chơi của Bài Thai một cách cặn kẽ trong cuốn “Địa chí Đồng Hới” của mình. Sân chơi thường là bãi đất trống tập trung được đông người, ở giữa có cắm một cây tre cao 4 mét và có ròng rọc kéo con bài lên đỉnh cây tre. Dưới gốc tre được đặt một chiếc bàn làm diễn đàn và làm chỗ đứng cho người bảo vệ con bài treo ở trên cao. Trong khi các câu thơ đố không hạn chế, thì các con vật để đố và giải đáp được thu hẹp trong bộ bài tới của trò chơi Bài Chòi hoặc trong 36 con vật tướng tinh của nhà Phật mang tên Hán, cụ thể: con rùa gọi là Hỏa Quan, con ếch gọi là Hiệp Hải, con cá gọi là Tỉnh Lợi...

Cách chơi Bài Thai có nhiều nét giống với Bài Chòi, người chủ trì viết con bài giải đáp vào tấm bìa, cuộn tròn trong lụa điều, buộc vào dây, công bố khai cuộc và rút con bài treo lên đọt cây tre (“con thai” đã treo, không được thay đổi). Người chủ trì ra một câu thơ để khách chơi đoán “con thai”, ghi tên mình và tên con bài đáp vào phiếu dự đáp cùng số tiền đặt cược để nộp cho Ban tổ chức, rồi nhận lại một biên lai thu tiền. Khi cuộc chơi kết thúc, khách chơi trúng giải phải được đối chiếu giữa phiếu dự đáp và biên lai, nếu trúng khớp mới được công nhận. Hết thời gian quy định theo hiệu lệnh của bộ phận “xổ bài thai”, người chủ trì trịnh trọng đốt pháo, cảm ơn khách chơi và tuyên bố “mở thai”, hạ ròng rọc và đọc to tên con bài thai đã được ấn định trước. Tiếp đó mới là phần hấp dẫn nhất của Bài Thai, là cuộc đấu trí hấp dẫn giữa người chủ trì và khách chơi để giảng giải, bình luận, tranh luận, phân tích về nội dung câu thai đã ứng với con bài thai ở chỗ nào... Các kiến thức về văn học, điển tích, điển cố và cả hò, vè trong kho tàng dân gian được đem ra so sánh, đối chiếu khiến cả người chơi lẫn người xem đều vô cùng hứng khởi, tò mò, thích thú.

Đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú đã nhận định, khách chơi của Bài Thai không chỉ tìm đến vì không khí vui tươi, hoạt náo mà còn bởi ý nghĩa xem trọng tri thức, mang giá trị giáo dục cao, nâng tầm vốn văn hóa Việt. Những ngày Tết sắp đến, xuân đã về ở khắp mọi miền đất nước, dù Bài Thai đã ẩn sâu trong miền ký ức của người Đồng Hới xưa, chúng ta vẫn rất tự hào về một loại hình trò chơi dân gian vô cùng độc đáo và mang đậm nét văn hóa xứ Quảng mà không phải bất kỳ nơi nào cũng có được.

Mai Nhân