.

5 năm, một chặng đường sáng tạo

Thứ Sáu, 30/01/2015, 14:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến hẹn lại... ngoái nhìn, như nông phu kiểm đếm sản phẩm mùa màng để vụ sau gieo trồng gắng bội thu, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) trước thềm đại hội nhiệm kỳ mới (2015-2020) điểm lại thành tựu sáng tạo để bước tiếp trên hành trình vạn dặm. VHNT tựa như dòng nước, nếu là khởi nguồn thì “quãng đường” 5 năm chưa kể được nhiều, nhưng khi suối đã thành sông, sông hòa vào sông cái thành đại giang, lưu tốc ổn định thì…dù chỉ một bến nước, một khúc quanh cũng lưu dấu phù sa.

Văn xuôi Quảng Bình, 5 năm qua đã thể hiện được sự đa dạng về  phong cách, phong phú đề tài. Thái độ của chủ thể sáng tạo trước hiện thực cuộc sống thể hiện rõ ràng quyết liệt hơn. Qua trang văn, các mặt đen - trắng, các khoảng sáng- tối hiện lên rõ nét. Nổi bật có các ấn phẩm tạo được ấn tượng tốt ở độc giả: Hoàng hôn tím, Trên một chuyến đò, Bến đợi nhọc nhằn, Sống giữa đời người, Bến mê, Bụi đá,Bến sông quê, Đường qua tuyến lửa, Đoản khúc cho quê, ký ức làng... Mảng đề tài chiến tranh cách mạng như một dư ba chưa thể chìm khuất vẫn hấp dẫn các cây bút văn xuôi khai thác với nhãn quan mổ xẻ và phương pháp xử lý trong tâm thế đã lắng đọng ổn định sau độ lùi thời gian cần thiết. Tiểu thuyết, vũ khí hạng nặng của nền văn học thời gian qua cũng bội thu: Chân trời mùa hạ, Bến đắng, Người châu thổ, Dấu ấn thời gian, Chắp nối Trường Sơn... Đặc biệt, trong thể loại này, lần đầu tiên Quảng Bình có tác phẩm đạt giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết “ Chân trời mùa hạ” và cũng lần đầu xuất hiện tác phẩm có thể sẽ mở đầu dòng tiểu thuyết tư liệu: tác phẩm “Chắp nối Trường Sơn”. Bên cạnh những nhà văn đã thành danh, những hội viên nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ qua đã có thêm nhiều tác giả văn xuôi bút pháp ngày càng ổn định, có hai tác giả nữ tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, chưa phải hội viên VHNT, nhưng với lòng đam mê sáng tạo, đã dũng cảm “lao vào” thể loại tiểu thuyết và bước đầu đã có tác phẩm trình làng, được dư luận chú ý. Có thể nói bức tranh văn xuôi Quảng Bình 5 năm qua khá hoàn chỉnh và đậm màu, đậm nét.

Vài thập niên gần đây, trong dân gian xuất hiện một nhận xét đã ổn định như một sự tổng kết: Miền Bắc làm văn, miền Nam làm báo, miền Trung làm thơ. Thơ là một thế mạnh của văn học Quảng Bình. Nhiệm kỳ qua, hội đồng nghệ thuật đã thẩm định và giới thiệu xuất bản gần 50 tập thơ. Nội lực thơ Quảng bình đang sung mãn. Trong xu thế đổi mới của thơ Việt, thơ Quảng Bình cũng đang mạnh dạn đột phá thể nghiệm thi pháp sáng tác và cảm nhận mới. Những cây bút trung thành với cách thể hiện truyền thống cũng tự làm mới cách “gọi tên cảm xúc, cách thể hiện tâm trạng và sử dụng ngôn từ trong lao động nghệ thuật, hướng tác phẩm về chân trời mỹ cảm bằng liên thông vô tuyến là thông điệp đi từ trái tim đến trái tim, chinh phục tâm hồn bằng những rung cảm của tâm hồn đồng điệu. Vẫn còn nhiều tác phẩm thể hiện theo lối mòn trần thuật, kể, tả đơn giản những điều nhìn thấy, nhưng những tác phẩm, những câu thơ thể hiện những điều cảm thấy đã bất đầu hướng độc giả làm quen với phương cách thưởng thức thơ chủ yếu bằng sự cảm hơn là sự hiểu. Với sự xuất hiện gây ấn tượng mạnh của những trường ca: Đồng Hới khúc huyền tưởng, Âm vang Cự Nẫm, Trường ca Tướng Giáp, Nguyễn Du, bản tổng phổ thơ Quảng Bình đã đầy đủ các cung bậc, thanh âm, giai điệu.

Mười ba hội viên phân hội Văn nghệ dân gian đã thực sự là những hạt nhân tập hợp lực lượng những cây bút “đãi quặng-mò ngọc”, sưu tầm nghiên cứu phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa văn nghệ truyền thống rất phong phú của quê hương. Quảng Bình là vùng đất tiềm chứa nhiều giá trị văn hóa văn nghệ dân gian. Hội viên đã lựa chọn phương pháp tiếp cận thích hợp, hiệu quả góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, tăng cường nội lực cho người quê hương trong lộ trình hội nhập. Đã có 18 công trình quy mô và chất lượng tốt của hội viên được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đầu tư xuất bản. Có bốn tác phẩm giành giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Tác phẩm mỹ thuật: Người trong cuộc, tác giả Nguyễn Lương Sáng, giải trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
Tác phẩm mỹ thuật: Người trong cuộc, tác giả Nguyễn Lương Sáng, giải trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Hoạt động đều trên cả ba loại hình: hội họa, đồ họa và điêu khắc, với lực lượng sáng tạo có tuổi đời trung bình trẻ nhất, nhiều đam mê sáng tạo, mỹ thuật đã có nhiều bứt phá ngoạn mục về chất lượng tác phẩm. Tại các cuộc triển lãm khu vực trong 5 năm qua, Phân hội Mỹ thuật có117 tác phẩm được chọn treo, 16 tác phẩm đoạt các giải thưởng. Hội VHNT tỉnh đã tổ chức thành công triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 16. Các hội viên của phân hội tổ chức sáu cuộc triển lãm cá nhân, nhóm tác giả và câu lạc bộ. Tác phẩm của hội viên cũng đoạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm chuyên đề khác.

Tính đặc thù của nghệ thuật nhiếp ảnh là “thăng hoa nghệ sĩ phải kết hợp tinh xảo phương tiện và phương pháp “cận chiến”. Đi và sáng tạo là nghiệp của người cầm máy. Để có “một phần vài trăm giây mở ống kính nghệ thuật” nghệ sĩ phải mất nhiều ngày thậm chí nhiều tháng lao động nghệ thuật, đổ nhiều mồ hôi trên từng cây số. Ngoài những tác giả đã định hình trong làng ảnh” cả nước, thực tế đã cho thấy hành trình của nhiều tay máy từ thợ ảnh dịch vụ, phóng viên ảnh đưa tin phản ánh đã “vượt vũ môn” thành nghệ sĩ nhiếp ảnh với nhiều cấp độ năng lực sáng tạo. Cùng với các cuộc triển lãm cá nhân, những kỳ tham gia liên hoan ảnh nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực, các triển lãm chuyên đề, phân hội nhiếp ảnh nghệ thuật đã nhận được 15 giải thưởng các loại từ toàn quốc, khu vực, giải Lưu Trọng Lư, giải các câu lạc bộ trong nước và quốc tế.

Nhiệm kỳ qua, chuyên ngành Âm nhạc gặt hái được nhiều thành công tại các cuộc liên hoan âm nhạc khu vực bắc miền Trung. Đặc biệt, đã tổ chức thành công liên hoan âm nhạc khu vực năm 2012 do tỉnh ta đăng cai. Đã có hai nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc cá nhân gây ấn tượng tốt.

Một số hội viên quảng bá tác phẩm mới trên các phương tiện truyền thông, tạo không gian âm nhạc lành mạnh. Ngoài những ca khúc chính trị phục vụ kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trong các dịp kỷ niệm lớn, số lượng những ca khúc trữ tình xuất hiện nhiều và tìm được sự đồng điệu của ca sĩ, đối tượng thưởng thức, có tác dụng nâng cao mặt bằng mỹ cảm và tâm hồn, xây dựng nhân cách con người cao thượng nhân ái. Đã có 19 tác phẩm được vinh danh, hai nhạc sỹ được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động.

Là một địa phương gần như chưa có cơ sở vật chất chuyên ngành và không nằm ngoài tiến trình cải biến của thị hiếu thời đại bị các phương tiện nghe nhìn lấn át, loại hình nghệ thuật sân khấu-điện ảnh-múa ở tỉnh ta gần như không có sân dụng võ chính thức, không được duy trì và phát triển đúng tiềm năng. Cũng đã từng có manh nha một vài ý tưởng tìm lối rẽ cho phương pháp thể hiện và quảng bá nhưng đều không được thực hiện và nếu tiến hành cũng khó thành công. Trong hoàn cảnh ấy, nổi bật nhất vẫn chỉ là sự nỗ lực của các nghệ sĩ ở đoàn nghệ thuật truyền thống, sáng tạo, dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình chất lượng cao. Một số hội viên có năng lực giành được giải cao tại các liên hoan sân khấu lớn. Một số hội viên sáng tác dân ca quảng bá trên những kênh văn nghệ thông tin đại chúng. Cá biệt có kịch bản sân khấu quy mô được trung ương đầu tư dàn dựng hoành tráng. Hội viên tại các trung tâm Văn hóa tích cực giúp đỡ các đơn vị dàn dựng nhiều tiểu phẩm tham gia hội diễn, nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng có chất lượng nghệ thuật.

Hai mươi lăm năm tái lập tỉnh, từ trong chiến tranh đổ nát, các trung tâm đô thị, đặc biệt là đô thành Đồng Hới hồi sinh với diện mạo hài hòa, nhiều cá tính, có công lao của những người làm kiến trúc. Mặc dù chịu nhiều áp lực từ thị hiếu của chủ thể đầu tư nên nhiều trường hợp mâu thuẫn với giá trị thẩm mỹ, các nghệ sỹ tạo hình kiến trúc vẫn bằng năng lực sáng tạo và trách nhiệm với quê hương đã tạo nên những gương mặt đô thị vóc dáng hiện đại sang trọng mà vẫn giàu tính truyền thống nhân bản phù hợp với tính chất thổ nhưỡng địa hình và khí hậu đặc thù vùng miền, vừa bảo đảm công năng sử dụng vừa phô diễn đường nét hình khối nghệ thuật. Có thể nói không ngoa ngôn rằng, những kiến trúc sư Quảng bình đã thực hiện được ước nguyện của cố nhà thơ Xuân Hoàng từ gần nửa thế kỷ trước, trong đống đổ nát đã dũng cảm và lạc quan đoán chắc rằng:”... Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình/  Để có được một ngày mai Đồng Hới đẹp/ Thành phố ta xây bên bờ biển biếc/ Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh...”.

5 năm, 60 số tạp chí ra đời, Nhật Lệ đã làm tròn chức năng, vai trò là tiếng nói, là sân diễn là không gian quảng bá và cũng là nơi phát hiện bồi dưỡng những khả năng sáng tạo, khẳng định được tầm vóc thương hiệu” của mình trên diễn đàn văn nghệ cả nước.

Sáng tạo là thiên chức của nghệ sĩ, không lặp lại sản phẩm người khác và không lặp lại chính mình. Như con tằm rút ruột nhả tơ, trong gần hai nghìn ngày qua, mỗi ngày, mỗi khắc, cả trong giấc ngủ, cả trong tiềm thức, những hạt nhỏ phù sa li ti ý tưởng sáng tạo cứ nảy nở như mầm hạt chồi xanh cứ đội đất trồi lên thành đồng bãi, thành ruộng nương, thành mùa màng, thành cây, thành trái. Có thể còn hạt lép, quả sâu mùi vị xam xáp, nhưng với sản phẩm văn nghệ Quảng Bình tuyệt nhiên không có độc hại. Khẳng định như thế không phải để tự bằng lòng. Với người sáng tạo văn nghệ, tự bằng lòng, hiu hiu tự đắc cũng đồng nghĩa với việc cáo chung nguồn cảm hứng và đam mê, đồng nghĩa với giáo điều khô xác. Mà sản phẩm rơi vào giáo điều khô xác là vô bổ, là rất gần với... độc hại. Nhiệm kỳ 2015-2020, một hành trình mới gian nan khó nhọc, một chu kỳ “lột xác- rút ruột” nữa đã bắt đầu.

Nguyễn Thế Tường
Chủ tịch HĐNT, Hội VHNT Quảng Bình