.

Nông thôn mới qua "lăng kính" của làng

Thứ Ba, 02/12/2014, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với mỗi làng quê, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống của bà con trên mọi phương diện vật chất và tinh thần, qua đó, rút ngắn hơn khoảng cách giữa nông thôn-thành thị. Tuy vậy, trong lộ trình về đích nông thôn mới, vẫn còn đó một vài trăn trở, khắc khoải phía sau mỗi lũy tre làng. Vấn đề đau đáu đặt ra là phải làm sao tìm được cách thức hiệu quả, thiết thực nhất để vừa phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi vùng quê, vừa lưu giữ, bảo tồn và phát huy vẹn nguyên, bền vững những tầng sâu, trầm tích văn hóa-vốn là “báu vật’ của làng?

Từ chuyện đường...

Bức ảnh nghệ thuật “Quê ngoại” của nhiếp ảnh gia Thành Vương vừa được chọn là 1 trong 60 bức ảnh nghệ thuật lọt vào chung kết cuộc thi ảnh của tờ báo mạng điện tử VnExpress. Để có được thành tích này, bức ảnh phải vượt qua hơn 30.000 tác phẩm của hơn 10.000 tác giả trên khắp mọi miền đất nước. “Quê ngoại” đã khắc họa vẹn nguyên hình ảnh một làng quê thanh bình chiêm trũng miền Trung với những ụ rơm vàng nghiêng bóng trên dòng mương yên ả. Không cần nhắc nhớ nhiều, chỉ một bức ảnh đơn sơ thế thôi cũng đủ để nói lên hồn cốt của làng quê trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Ấy vậy, khi chia sẻ niềm vui với Thành Vương, lại thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh phảng phất chút buồn. Anh chia sẻ, những bức ảnh đẹp về vùng quê như thế này sẽ ngày càng hiếm đi khi “bê tông hóa”, “đô thị hóa” đã len lỏi về mỗi thôn, mỗi xã và sẽ thật khó khăn để các nhiếp ảnh gia “bắt” được những khoảnh khắc đẹp, tìm lại nét thiêng nguồn cội xưa.

Vẻ đẹp vùng quê chiêm trũng vẹn nguyên trong bức ảnh “Quê ngoại”, tác giả Thành Vương
Vẻ đẹp vùng quê chiêm trũng vẹn nguyên trong bức ảnh “Quê ngoại”, tác giả Thành Vương

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương chia sẻ thêm, cái khó bắt gặp trước hết đó chính là sự mất đi những con đường làng theo đúng nghĩa của nó. Dẫu biết rằng đó là điều hiển nhiên trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người dân vùng nông thôn, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng, bởi giá như có sự bảo tồn con đường làng dưới một hình thức nào đó chẳng hạn, có lẽ sẽ giúp con cháu đời sau gợi nhớ về cuộc sống của cha ông.

Làng Quảng Xá xưa (Tân Ninh, Quảng Ninh) nổi tiếng gần xa không chỉ bởi nghề quay tơ dệt vải hay truyền thống học hành thi cử, văn hóa văn nghệ mà còn ở con đường đá “có một không hai”. Theo ông Dương Viết Thủ, người dành nhiều năm nghiên cứu về Quảng Xá, đây là “di sản đá” của làng. Trong quá khứ, nhờ nghề dệt vải, người dân Quảng Xá làm ăn khấm khá, cuộc sống ấm no, dư dả. Vào khoảng những năm 1930, một lễ hội bài chòi được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền cách mạng cho bà con buổi đầu sơ khai và nguồn kinh phí quyên góp được dùng để xây con đường đá dài hơn 700 mét này. Những viên đá to bản, trơn láng, góc cạnh được lát từ đầu làng đến cuối làng, vào sâu trong ngõ và vào tận cửa nhà bà con.

Một câu chuyện ly kỳ khác lại cho rằng, con đường đá này hình thành từ “sự tích”, bất kỳ cô gái hay chàng trai nào về làm dâu, làm rể của làng đều mang theo một viên đá để lót đường, dần dần xây nên con đường đá này. Trải qua hàng mấy chục năm, con đường đá đã chứng kiến biết bao thăng trầm của làng Quảng Xá, gắn bó máu thịt với cuộc sống người dân nơi đây.

Theo ông Trần Đình Xờ, Bí thư Đảng ủy bộ phận thôn Quảng Xá, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, con đường đá được thay thế bằng con đường đổ bê tông khang trang, kiên cố từ đường chính đến các đường phụ, ngõ ngách. Dẫu vậy, ông Dương Viết Thủ tâm sự, ông đã có đề xuất nên lưu giữ, phục dựng một đoạn đường đá nhỏ ngay tại các điểm công cộng để có thể giới thiệu cho lớp trẻ sau này về truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhưng không được thành công. Riêng ông vẫn lưu giữ lại một đoạn đường đá nhỏ trong ngôi nhà của mình, với ấp ủ sẽ hình thành một “bảo tàng” cá nhân nho nhỏ về Quảng Xá sau này.

Lại chợt lo lắng hơn cho số phận của những con đường, bờ rào tương tự ở các làng quê và lại nhớ đến lời kể của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương về một chuyến đi sáng tác của anh tại Nghệ An. Anh kể, ở một địa phương miền núi của Nghệ An, dù hơi thở đô thị đã về tới với đường bê tông thẳng tắp, nhưng nơi đây vẫn nỗ lực lưu giữ, bảo tồn một vài công trình truyền thống xưa, như: nhà ở, tường rào hay đoạn đường lát đá...

Đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng từng lo ngại, do sự rập khuôn, xơ cứng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, những làng quê đang ngày càng na ná nhau về mặt hình thức với đường bê tông, nhà văn hóa..., và thiếu đi nét độc đáo, riêng biệt vốn có trước đây, trong khi không ít công trình văn hóa đặc trưng lại bị thay mới không cần thiết.

Đến chuyện đình...

Ngay từ xa xưa, đình làng mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng trong tiềm thức của người dân ở mỗi làng quê. Nhắc đến làng, người ta nghĩ ngay đến đình, bởi nơi đây diễn ra mọi sự kiện cộng đồng quan trọng nhất, là nơi gặp gỡ, chia sẻ và cũng là nơi chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của quê hương. Theo dấu thời gian và chiến tranh khốc liệt, nhiều đình làng giờ đây không còn tồn tại nữa hay hư hỏng, mối mọt. Khi cuộc sống no ấm hơn, bà con ở các làng quê bắt đầu cùng nhau khôi phục lại đình làng-hồn cốt tinh thần của cộng đồng nông thôn.

Đình làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) được phục hồi từ năm 2013 với sự đóng góp kinh phí của các thế hệ con em trong làng. Theo ông Trần Đình Xờ, Bí thư Đảng ủy bộ phận thôn Quảng Xá, với nguồn kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng, đình làng mới to đẹp, khang trang. Tuy vậy, các hoạt động cộng đồng diễn ra tại đình làng lại khá ít ỏi. Trừ những dịp như rằm tháng 6 âm lịch để cầu mưa hay một vài hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, Tết âm lịch, còn lại đa phần thời gian đình trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Bên cạnh đình, thôn Quảng Xá cũng có nhà văn hóa, nên các công tác hội họp, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ đều được tổ chức ở đây.

Một vài nhà nghiên cứu văn hóa cũng đang mong muốn đưa ca Huế vào đình để biểu diễn phục vụ bà con thường xuyên. Nhưng xem ra ý tưởng rất khó thực hiện do thiếu nghệ nhân trẻ trầm trọng. Theo như ông Dương Viết Thủ, cả làng hiện chỉ còn trên dưới 10 người biết ca Huế, nhưng phần đa cũng đã trên 70 tuổi. Hay như bài chòi ở sân đình, loại hình nghệ thuật đang được làm hồ sơ đề xuất lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng đang ngày càng mai một. Ghế đã được thay cho chòi, và sự háo hức, hào hứng cũng khó đong đầy như trước đây. Ông Trần Đình Xờ cho rằng, để tăng cường các hoạt động sinh hoạt cộng đồng sẽ cần một nguồn kinh phí lớn, cũng như sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn, tư vấn của các nhà nghiên cứu văn hóa...

Để đình làng phát huy hết giá trị của mình sẽ còn rất nhiều việc phải làm
Để đình làng phát huy hết giá trị của mình sẽ còn rất nhiều việc phải làm

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho biết, tín hiệu vui là đình làng đang rất được bà con ở các làng quê chú trọng đầu tư xây dựng, phục hồi. Nhưng, trên thực tế, sau khi đã có đình hoàn chỉnh, nhiều địa phương lúng túng chưa biết cách thức vận dụng đình làng trong sinh hoạt cộng đồng như thế nào cho phù hợp, thiết thực. Đó là chưa kể đến, một số thôn, xã vừa xây mới đình làng, vừa dựng thêm nhà văn hóa thôn, xã, gây lãng phí không cần thiết tiền của từ Nhà nước và nhân dân.

Và chuyện xa hơn...

Trong lộ trình về đích nông thôn mới, chuyện một con đường làng bị lãng quên hay chuyện một ngôi đình làng “vắng lặng” mới chỉ là bề nổi của vấn đề, mà điều phải quan tâm nhất là đằng sau câu chuyện đó, việc duy trì các sinh hoạt cộng đồng của làng và việc giữ vững, phát huy các giá trị tinh thần quan trọng của làng, như tính cộng đồng, sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc nhau..., cũng như nét độc đáo, đặc sắc của mỗi làng quê sẽ phải được thực hiện như thế nào.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng chia sẻ thêm, trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền một số nơi quan tâm nhiều đến các tiêu chí giao thông, thủy lợi... hay cơ sở vật chất văn hóa, mà chưa thực sự tập trung vào các hoạt động văn hóa, tinh thần-vốn dĩ quyết định tính bền vững của các giá trị truyền thống ở mỗi làng quê. Chẳng hạn, sẽ vô cùng cần thiết để có sự quan tâm đầu tư đào tạo thế hệ trẻ kế cận của các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian hay chú trọng tạo các sân chơi hữu ích cho lễ hội, sinh hoạt cộng đồng hoặc vừa xây mới, vừa bảo tồn các công trình theo hướng thiết thực nhất, tránh sự đập bỏ không cần thiết... Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần thiết xây dựng một kế hoạch dài hơi trong lộ trình phát triển văn hóa tinh thần của mình. Và cũng đã đến lúc cần sự quan tâm của cộng đồng, đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, tránh chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, to đẹp và để rồi ‘không biết làm gì”. Nếu không, chiều sâu văn hóa làng trong giai đoạn mới sẽ khó tìm được chỗ “neo đậu”.

Nhằm phát triển đời sống văn hóa tinh thần nông thôn theo hướng bền vững, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy các thế mạnh vốn có, loại trừ dần những phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp, bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới có hai tiêu chí 6 và tiêu chí 16 về văn hóa. Nếu tiêu chí 6 tập trung vào cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở các thôn, xã, thì tiêu chí 16 chú trọng vào công tác xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của bà con. Và tất nhiên, các tiêu chí còn lại cũng có những tác động trực tiếp hay gián tiếp đến việc hoàn thiện hai tiêu chí liên quan đến văn hóa này.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, 9 tháng đầu năm 2014, đối với tiêu chí 6, mới có 17/136 xã đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 12,5%, tăng 5 xã so với đầu năm) và tiêu chí 16 có 49/136 xã đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 36,03%, tăng 2 xã so với đầu năm). Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ nhân dân, chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan để hoàn thiện các tiêu chí văn hóa. Và tất nhiên, các số liệu về văn hóa sẽ chỉ thực sự mất đi sự cứng nhắc, khô khan của mình, nếu mỗi địa phương có được cách thức ứng xử hợp lý, hiệu quả và bền vững nhất đối với các giá trị văn hóa tinh thần mà mỗi làng quê đang lưu giữ.                  

Mai Nhân