.

Nhớ về Minh Hóa

Thứ Hai, 01/12/2014, 15:43 [GMT+7]
(QBĐT) - Nhà thơ Hoàng Trung Thông có hai câu thơ: “Anh làm chủ nhiệm đã ba năm/ Ba năm vật lộn cùng khó khăn” Bài thơ “Anh chủ nhiệm”. “Anh chủ nhiệm” trong thơ Hoàng Trung Thông chỉ là trong ba năm, còn tôi gần 40 năm dạy học thì đã có đến 30 năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm. Tính tôi vốn lãng tử nên chẳng được cân nhắc làm chức vụ gì (kể cả chức tổ trưởng tổ chuyên môn). Vì thế mà cái chức “chủ nhiệm” là cái chức to nhất trong quãng đời đi dạy của tôi. Với tôi, đó lại là điều hết sức may mắn. Bởi nhờ thế mà tôi có rất nhiều học trò gần gũi, thân thương cho đến tận bây giờ.  
 
Thời tôi mới ra trường, được phân về dạy cấp 3 Minh Hóa. Ngay năm đầu tiên (1971), tôi đã được phân công làm chủ nhiệm lớp 8B (tương đương lớp 10 bây giờ). Các em học sinh Minh Hóa hết sức chăm ngoan. Thầy trò phải vào rừng chặt gỗ về làm lán học. Lán làm nửa nổi nửa chìm. Các lán nối nhau bằng những đường giao thông hào chằng chịt... Các em phải đốt rẫy trồng sắn, phải chăn nuôi bò làm quỹ lớp... Tôi nhớ một lần, các em đẵn được cây gỗ khá to, mà các em thì còn quá nhỏ không thể nào khiêng nổi. Thế là tôi chọn Kim Đông -  cô bé có vóc dáng lớn nhất lớp cùng khiêng với tôi. Hai thầy trò ì ạch mãi mới đưa được cây gỗ về trường. Hôm hội trường cấp 3 Minh Hóa, Kim Đông vẫn còn nhắc lại kỷ niệm xưa.

 

Lớp học thời chiến (ảnh minh họa. Nguồn: internet)
Lớp học thời chiến (ảnh minh họa. Nguồn: internet)
Còn lớp trưởng Đinh Tiến Hùng (nguyên Giám đốc Bưu điện Minh Hóa) thì nghẹn ngào nói với các bạn: Nếu không có thầy chủ nhiêm Mai Văn Hoan thì Hùng không thể được như bây giờ! Thời đó, hoàn cảnh của Hùng hết sức khó khăn. Hùng  bỏ học suốt cả tuần. Suốt cả tuần đó, chiều nào tôi cũng tìm sang Minh Tiến trò chuyện, tâm sự với Hùng và gia đình. Cuối cùng, nghe theo lời khuyên của tôi, Hùng đi học trở lại. Đinh Minh Hùng vừa nghỉ hưu, em lại theo nghiệp “thầy chủ nhiệm” làm thơ, viết văn. Hùng đã xuất bản được 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và một tập sưu tầm Truyện dân gian người Nguồn. Hùng có sức viết thật đáng nể! Tôi và Hùng vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Mỗi lần tôi có dịp lên Quy Đạt, vợ chồng Hùng (vợ Hùng, cũng là học trò tôi chủ nhiệm), tiếp đãi thầy hết sức thân tình. Tôi lại được nếm đặc sản của núi rừng Minh Hóa. Vừa rồi, Hùng vui mừng báo tin cho tôi:  Bài thơ lục bát của em  vừa được giải thưởng của Hội Di sản Quảng Bình, thầy ạ! Tôi chúc mừng Hùng và vui như chính mình được giải vậy. 
 
Trong lớp tôi chủ nhiệm (thời tôi dạy cấp 3 Minh Hóa), có hai em đẹp nức tiếng là Đinh Thị Lan Hương và Đinh Thị Hương Lan. Đôi bạn “hoa khôi” thường hay cặp kè với nhau. Cả hai đều có nước da trắng mịn và đôi môi hồng thắm. Lan Hương mắt bồ câu, mũi cao, lại Tây còn Hương Lan mắt lá răm, mũi dọc dừa có vẻ đẹp đồng nội. Lan Hương thì sôi nổi, tươi cười; Hương Lan thì dịu dàng, kín đáo. Thỉnh thoảng hai em ghé phòng tôi chơi. Thầy trò nói chuyện hết sức vui vẻ. Hương Lan thích thơ, em thường nhờ tôi chép những bài thơ hay vào sổ tay văn học của em. Đáp lại, em thường mang cho tôi khi thì gói bồi, khi thì vài quả cam, quả chuối... Lan lúc nào cũng quàng chiếc khăn màu hồng nên dù em ở trên đồi sắn, nương ngô xa đến mấy tôi cũng nhận ra. Tôi gọi đùa Lan là “Bông Hoa Rừng”. Vào dịp lễ 1-5, trường  tổ chức biểu diễn văn nghệ. Hương, Lan đều ở trong đội múa và kịch. Múa thì các em tự biên còn kịch bản thì do tôi soạn. Sắp đến ngày hội diễn, tôi không may bị cảm hàn, phải nằm viện. Khoảng mấy hôm sau Lan cũng bị cảm hàn cùng nằm viện với tôi. Tôi lần sang thăm em, thấy người em gầy rộc, nước da tái mét, em thở rất yếu... Nằm viện chưa đến một tuần thì  Lan đột ngột ra đi trong niềm thương tiếc của gia đình, thầy cô, bè bạn. Tôi còn yếu nên không thể về đưa tang em.
 
Sau khi ra viện, tôi tìm lên mộ, lặng lẽ thắp cho em nén hương muộn màng. Đêm hôm ấy, tôi thao thức mãi. Hình ảnh bông hoa rừng với chiếc khăn màu hồng, nước da trắng mịn, đôi mắt lá răm, chiếc mũi dọc dừa... cứ chập chờn trước mắt tôi. Và tôi cầm bút viết liền một mạch bài thơ khóc Lan. Bài thơ ra đời cách đây đã 44 năm, câu chữ còn nhiều chỗ thô vụng. Tôi vẫn còn nhớ khổ cuối Vẳng: nghe vọng tiếng thơ buồn/ Cất lên từ tận ngọn nguồn xa xanh: “Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương!”.
 
Đầu năm học 1973, tôi nhận quyết định chuyển trường. Trong buổi chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng giới thiệu tôi lên nói lời chia tay với các em học sinh. Tôi xúc động nghẹn ngào đọc hai câu thơ của Chế Lan Viên: "Khi ta ở đất chỉ là nơi ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Và tôi tâm sự với các em bằng những vần thơ viết ra từ đáy lòng mình: Trong giờ phút chia tay này thầy không biết nói gì với tất cả các em/ Bởi lòng thầy đang dâng trào kỷ niệm/ Dù mai đây có trăm nơi thầy đến/ Thầy vẫn không quên Minh Hóa – quê hương!
 
Hôm tôi lên đường về xuôi, các em lớp tôi chủ nhiệm kéo cả đoàn đưa tiễn đến mấy cây số. Các em gái cứ khóc thút thít, tôi dỗ thế nào cũng không nín... 
 
Khi viết những dòng hồi ức này, tôi như vẫn còn thấy những chiếc nón trắng bên kia Dốc Lớ cứ vẫy theo, vẫy theo... tôi mãi.
 
Mai Văn Hoan