.

Vẽ ước mơ bằng hạt gạo quê nhà

Thứ Năm, 20/11/2014, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Ánh nắng yếu ớt của một sáng đầu đông hắt qua song cửa sổ nơi người đàn ông tật nguyền đang tỉ mỉ hoàn thiện bước tranh của mình. Anh ngồi đó, khuôn mặt gầy gò, khắc khổ, đôi mắt u buồn nhưng chất chứa đam mê đang chăm chú vào từng nét “vẽ”.

Người đàn ông tật nguyền ấy tên Giang (Lê Trường Giang, ở xã Vĩnh Tuy, huyện Quảng Ninh). Từ đôi bàn tay của anh, những bức tranh được làm từ hạt gạo quê nhà đã ra đời như một cách để anh trả nghĩa cuộc đời, bởi “cuộc đời dẫu quá nhiều bất hạnh nhưng cũng cho tôi rất nhiều điều trân quý”.

Quả bom nghiệt ngã

34 tuổi, cái tuổi để một người đàn ông bình thường bắt đầu có trong tay nhiều thứ: sự nghiệp, sức khỏe và một mái ấm bình yên để trở về sau mỗi buổi tan tầm. Nhưng với Giang, anh chẳng có gì ngoài một nghị lực vươn lên giữa nghịch cảnh cuộc đời và một hồi ức đau thương đôi khi muốn quên mà cứ đau đáu nhớ. Quá khứ cứ như những áng mây xám xịt bao vây, bám riết cuộc đời anh, nhất là khi anh đang mang trên mình những nỗi đau thân xác – vết tích để lại của một quả bom oan nghiệt năm anh lên 9 tuổi.

Giang kể, cái giọng anh nghe cứ nhẹ tênh như thể chuyện người dưng, nhưng càng kể, khuôn mặt ốm nhom, khắc khổ của anh càng nhăn lại, đau đớn lắm. Năm ấy, trong một lần chăn bò trên núi, chẳng may Giang bị một quả bom bi phát nổ. Sau một tiếng nổ kinh trời, cậu bé Giang chỉ thấy trước mắt là màn đêm tối mịt mờ. Ai cũng nghĩ Giang sẽ không thể sống nổi, vậy mà như một phép màu, sau những tháng ngày chạy chữa khắp các bệnh viện, Giang được trở về nhà, ngoài những vết sẹo rải đều khắp cơ thể, anh vẫn có thể đi lại bình thường như dạo trước.

Nhưng trở lại trường học được vài năm, những vết thương lại bắt đầu nhức nhối, hành hạ anh. Những mảnh bom còn sót lại, găm đều khắp thân thể đã giết dần, giết mòn anh trong đau đớn, tuyệt vọng. 21 tuổi, Giang gần như liệt toàn thân. Ngoài đôi cánh tay vẫn có thể cử động được thì thân thể anh chỉ cứng đờ, bất động. Muốn di chuyển, anh phải tựa vào tường, tay chống gậy, rồi nặng nhọc lê bàn chân từng chút, từng chút một. Anh bảo, chẳng có gì đau đớn thể xác hơn bằng việc đó, nhưng không thể nằm mãi một chỗ được. Sự tuyệt vọng đến cùng cực, rồi nghĩ ngợi về tương lai mịt mờ phía trước, có đôi lúc, anh muốn buông xuôi tất cả. Và Giang đã tìm đến cái chết như một sự cúi đầu chấp nhận số phận. Rồi anh được cứu sống, như được “hồi sinh” sau những khổ đau, tuyệt vọng ấy, Giang đã thôi không còn ý định dại dột nữa. Anh bảo, cuộc sống sau khi được “hồi sinh” mới đáng quý biết bao. Ngày đó, chỉ nghĩ rằng mình phải sống tiếp vì cuộc đời còn dài phía trước, còn bao ước mơ, hoài bão chưa kịp lớn đã vội tắt lụi và còn cha, còn mẹ già cần phải trả ơn.  

Anh Giang miệt mài bên từng bức tranh gạo
Anh Giang miệt mài bên từng bức tranh gạo

Chăm chỉ tập luyện, cuối cùng, đôi bàn chân của anh đã có thể đi lại được, dù những bước chân khập khiễng, xiêu vẹo nhưng may mắn thay, đôi bàn tay vẫn có thể cử động bình thường. Và cuộc đời chẳng lấy đi của ai tất cả. Chính đôi bàn tay ấy đã giúp anh viết tiếp những ước mơ còn dang dở phía trước. Những ngày rảnh rỗi, Giang nhờ mấy đứa em lên núi lấy đá về nhà. Từ những tảng đá thô ráp, xù xì, anh đã mày mò tạc nên những bức tượng đủ hình dáng, kích cỡ. Từ những bức tượng còn thô sơ buổi ban đầu, dần dần, tay nghề của anh đã khéo léo hơn, sáng tạo nên nhiều bức chân dung đẹp mắt, tinh xảo. Những tác phẩm từ đôi bàn tay anh được bạn bè, người thân đón nhận. Ai cũng khen người thanh niên khuyết tật nhưng có đôi bàn tay khéo léo.

Vậy nhưng những buổi say mê chạm, khắc, gò lưng trong bụi đá đã khiến sức khỏe của anh giảm sút đi nhiều. Thân hình chẳng thể ngồi, chẳng thể cúi được khiến anh không thể theo nghề được mãi. Giang phải bỏ chạm khắc đá trong bao nuối tiếc. Không chịu được rảnh rỗi, anh lại mày mò tham khảo trong sách báo, trên mạng internet để kiếm tìm cho mình một nghề phù hợp. Và nghề “vẽ” tranh từ hạt gạo đã đến với anh như một cái duyên như thế.

Nâng niu từng hạt gạo

Nghề làm tranh bằng hạt gạo chỉ mới xuất hiện cách đây chừng vài năm. Mà càng lạ, càng “độc” thì Giang càng thích. Vậy là anh lần mò vào tận Kon Tum để theo học một khóa ngắn hạn về loại tranh độc đáo này, dù lúc đó, việc di chuyển đường xa đối với anh quả là một kỳ tích. Giang thông minh, lại sở hữu đôi bàn tay khéo léo nên chẳng mấy chốc mà học được nghề. Trở về quê, anh mang theo cả những kiến thức bản thân thu nạp được về loại tranh mới mẻ này những mong kiếm được một nghề có thu nhập ổn định để nuôi sống chính mình.

Mày mò làm tranh bằng kiến thức đã học hỏi được, rồi những tác phẩm đầu tiên đã ra đời sau rất nhiều nỗ lực. Giang bảo, nghề làm tranh gạo khá kỳ công, đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian và công sức, nhất là với một người di chuyển khó nhọc như anh, nhưng một khi đã làm ra được sản phẩm đầu tiên, thì cứ như một ma lực cuốn hút và đam mê đến lạ. Đến giờ, kho tranh gạo của anh đã có hàng chục tác phẩm, từ tranh phong cảnh, đến tranh thư pháp... Thể loại nào cũng lôi cuốn người đàn ông tật nguyền ấy chăm chút trong từng khâu, từng bước thực hiện.

Nói về quy trình làm tranh, anh cho biết: Làm một bức tranh gạo bắt đầu từ việc chọn hình ưng ý, sau đó canh tỷ lệ và vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép; chọn màu gạo và gắp từng hạt gạo bỏ lên bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun sơn PU để bảo quản tranh tốt hơn. Công việc nghe ra khá đơn giản nhưng lại đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, vì ngoài việc chọn màu gạo, người thợ phải biết lựa chọn lúc nào thì “đi” gạo đứng, lúc nào “đi” gạo nằm, khi nào dùng gạo nguyên hạt và ở đường nét nào thì dùng gạo tấm. Điều đặc biệt, hạt gạo dùng làm tranh phải là gạo rang. Tùy theo thời gian, nhiệt độ nhất định mà cho ra những mẻ gạo với màu sắc đậm, nhạt khác nhau: từ trắng trong chuyển sang trắng sữa, trắng ngà, vàng mơ, vàng đậm, nâu nhạt, nâu đậm, nâu đen, đen, đen mun... Và quan trọng nhất là trong lúc rang, phải làm sao hạt gạo không bị nở bung, gãy, hoặc cháy và phải cho ra màu đẹp. Tùy từng chi tiết mà sử dụng gạo nếp hay gạo tẻ, màu nhạt hay đậm, đen hay trắng...

Những bức tranh làm từ hạt gạo của anh Lê Trường Giang
Những bức tranh làm từ hạt gạo của anh Lê Trường Giang

Nói về tranh gạo, đôi mắt của anh Giang sáng lên lấp lánh, bao buồn đau, tủi khổ vương trên khuôn mặt gầy gò trong phút chốc dường như tan biến cả. Nhìn những sản phẩm anh làm ra, không ai nghĩ đó thành quả của những ngày anh vừa đam mê sáng tạo, vừa phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật. Ngày chăm chú với  từng hạt gạo, đêm về, đôi bàn tay mỏi nhừ, nhức nhối. Cả thân thể cứng đờ, bất động, đau đớn khôn tả. Vậy mà sáng mai ra, anh lại bắt tay với những sản phẩm mới. Không ngồi, cũng chẳng thể quay đầu, xoay lưng, anh vừa làm tranh, vừa phải đứng, đến lúc cả thân thể mỏi nhừ, không trụ vững được nữa mới nghỉ tay. Khó nhọc là thế, nhưng từ khâu chọn gạo, rang gạo cho đến gia công khung tranh, anh đều tự tay làm lấy. “Việc của mình, răng dám làm phiền đến ai? Cũng chẳng thể là gánh nặng cho gia đình mãi được”, anh cười gượng, giọng nghe cứ buồn buồn, thương thương.

Mỗi bức tranh khổ 22 x 22 cm phải mất hai ngày làm cật lực, nhưng bán ra cũng chỉ được chừng 300 ngàn đồng. Tranh anh làm đẹp và công phu nhưng chưa được nhiều người biết đến, nên người đàn ông tật nguyền ấy giờ chỉ mong có thể tìm được một đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình. Xa xôi hơn, anh mong mở được một trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật cùng cảnh ngộ như mình, từ đó, có thể làm nên những bức tranh từ hạt gạo quê hương. Đó cũng là cách để người đàn ông ấy nhân đôi niềm vui, chia đôi nỗi buồn và quan trọng hơn là để anh trả nghĩa cuộc đời, mang hạt gạo quê hương đến gần hơn với người thưởng lãm gần xa.

Diệu Hương