.

"Sân chơi" nào cho sân khấu biểu diễn?

Thứ Ba, 18/11/2014, 08:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Tồn tại song hành kể từ khi Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh ra đời, nhưng Phân hội Sân khấu biểu diễn vẫn chưa có những dấu ấn đáng nhớ nào để khẳng định vị thế, vai trò của mình. Với 23 hội viên ban đầu, nay chỉ còn 17 hội viên, do một số thành viên tuổi cao, sức yếu đã qua đời, nỗ lực của Phân hội trong hành trình khẳng định mình đã khó lại càng thêm khó.

Theo nhà biên kịch Lê Quang Trí, Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu biểu diễn, Phân hội bao gồm các loại hình sân khấu, múa và điện ảnh truyền hình, nhưng chỉ có 2 loại hình trước là có thành viên, còn điện ảnh truyền hình thì không có. Hoạt động chính của Phân hội trong suốt những năm qua, đó là: động viên anh chị em sáng tạo, nỗ lực viết tác phẩm kịch bản, dàn dựng sân khấu, múa. Mỗi năm anh chị em tùy theo điều kiện để đến dự buổi liên hoan, tổng kết, còn chủ yếu, “mạnh ai nấy chạy”. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu hội viên là nhà biên kịch thì tự viết tác phẩm, tự xuất bản, tự quảng bá, hoặc nếu hội viên là biên đạo múa thì cũng tự dựng tác phẩm, tự giới thiệu công chúng.

Đối với các anh chị em hội viên thuộc Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh, mọi hoạt động đều gắn liền với Đoàn. Tuy vậy, trong bối cảnh TP.Đồng Hới chưa có một sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp nào thì không ít chương trình, tiết mục chỉ có thể biểu diễn ở các vùng sâu, vùng xa, đi hội diễn...

Còn đối với những hội viên đã nghỉ hưu, thì phải tự mình sáng tạo và tìm những công việc liên quan đến sân khấu, biểu diễn để duy trì niềm đam mê (chủ yếu là nhận đặt hàng viết kịch bản của các cơ quan, đơn vị tham gia hội diễn quần chúng). Với nguồn kinh phí hầu như không có, Phân hội, trên thực tế, chỉ là “đặt tên” cho có và hoàn toàn thiếu những hoạt động khẳng định chức năng, vai trò cũng như tạo sự liên kết giữa các hội viên lại với nhau.

Đối với các anh chị em hội viên thuộc Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh, mọi hoạt động đều gắn liền với đoàn, chưa có hoạt động đặc trưng của phân hội.
Đối với các anh chị em hội viên thuộc Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh, mọi hoạt động đều gắn liền với đoàn, chưa có hoạt động đặc trưng của phân hội.

Nhà biên kịch Lê Quang Trí cho biết thêm, kinh phí để tổ chức một sự kiện hay thực hiện một tác phẩm, chương trình cho Phân hội là rất lớn. Bởi, đặc trưng của sân khấu biểu diễn khác với văn thơ, mỹ thuật..., đòi hỏi có sự tham gia đông đảo của đội ngũ những người sáng tạo. Chẳng hạn, để hoàn thành một tác phẩm múa, sẽ cần sự đầu tư từ khâu biên đạo, diễn viên cho đến âm nhạc, ánh sáng và sân khấu thực thụ để biểu diễn. Trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho văn học nghệ thuật hạn hẹp, xã hội hóa khó khăn, đam mê của công chúng chưa cao, những tác phẩm như vậy sẽ rất khó để thành hình.

Anh Phan Xuân Thành, đạo diễn múa của Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh chia sẻ, nỗi lo lắng hiện tại của Phân hội Sân khấu biểu diễn chính là thiếu lực lượng trẻ kế cận. Bởi, trong 17 hội viên của Phân hội, chỉ khoảng 10 người là hoạt động khá tích cực, còn lại đều đã ngừng do tuổi cao, khó theo đuổi đam mê nghệ thuật. Bên cạnh đó, không ít tác giả biên kịch tên tuổi đã “dứt áo ra đi” tìm đến những môi trường nghệ thuật thuận lợi và hấp dẫn hơn. Các biên đạo, nghệ sĩ múa và đội ngũ biên kịch cũng đều đã lứa tuổi trung niên hoặc cao niên, nhưng chưa tìm được những người trẻ thay thế hay đã tìm ra nhưng họ từ chối không vào Phân hội. Anh Thành nhẩm tính, chỉ độ khoảng mươi, mười lăm năm nữa, Phân hội sẽ khó có thể duy trì lực lượng khi thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Mong muốn lớn nhất của những người làm sân khấu biểu diễn đó là được hỗ trợ để duy trì một nguồn kinh phí ổn định cho các hoạt động của Phân hội, trong đó, tập trung cho công tác học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp ở các địa phương, khen thưởng các tác phẩm có chất lượng cao hoặc đầu tư một số tác phẩm mang tên tuổi của Phân hội...

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và sự liên kết chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan góp phần tạo “sân chơi” thiết thực nhất, chuyên nghiệp nhất cho các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn, qua đó, để Phân hội thực hiện tròn vai trò, nhiệm vụ của mình. Đơn cử như khi du lịch đang được định hướng là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh ta, hướng mở cho Phân hội chính là những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống nhằm phục vụ du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Do đó, sự hỗ trợ tích cực từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh... là rất cần thiết.      

Mai Nhân