.

Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa: Nơi giao thoa của lịch sử và văn hóa

Thứ Sáu, 21/11/2014, 13:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Là nhà truyền thống cấp huyện đầu tiên và duy nhất cho đến nay trong toàn tỉnh, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của quê hương, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Phải tận mắt nhìn thấy nhà truyền thống này mới thấy hết được ý nghĩa cũng như tâm huyết của những người tạo ra nó. Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa được khởi công xây dựng từ tháng 4 năm 2007 và được thiết kế theo kiểu kiến trúc nhà sàn, bê tông cốt thép. Tổng diện tích của nhà truyền thống là 453m2, trong đó, diện tích trưng bày là 220m2 và được chia thành 3 gian, gian chính diện 100m2 và gian hai bên mỗi gian 60m2. Tầng trệt bố trí 1 kho đựng hiện vật 30m2 và phần còn lại là nơi để tổ chức các hoạt động khác.

Ông Nguyễn Trường Thụ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH và TT) huyện Tuyên Hóa vừa dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ các gian trong nhà truyền thống vừa cho biết, nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa là nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu, tranh ảnh về con người và truyền thống lịch sử của Tuyên Hóa trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, những bức ảnh của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ qua các thời kỳ và các hoạt động phát triển KT-XH của địa phương...

Nói về sự ra đời của nhà truyền thống có một không hai trong toàn tỉnh này, ông Thụ vẫn chưa hết hồi hộp. Bởi phải mất rất nhiều lần hội họp, bàn bạc UBND huyện mới quyết định trích kinh phí ra để xây dựng nên nó. Mục đích ban đầu khi xây dựng là để góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của địa phương. Từ ý tưởng đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH và TT phối hợp với Trung tâm VH và TT và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tiến hành công tác sưu tầm hiện vật. Đồng thời, nhờ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Phòng VH và TT trong quá trình sưu tầm và bảo quản, nhằm làm nổi bật được giá trị truyền thống trong mỗi hiện vật, tư liệu. “Sưu tầm và bảo quản hiện vật là công đoạn khó khăn nhất và cũng là nội dung quan trọng nhất để xây dựng, hình thành đề cương trưng bày hiện vật sau này, cũng như quyết định đến sự sống còn của nhà truyền thống”. ông Thụ chia sẻ.

Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhờ sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong toàn huyện và sự hưởng ứng ủng hộ của nhân dân trên địa bàn nên chỉ sau 2 năm triển khai thực hiện, nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa đã sưu tầm được gần 600 hiện vật các loại. Có những hiện vật cán bộ của Phòng VH và TT huyện phải lặn lội hàng chục cây số để đưa về được phòng trưng bày. Trong đó có nhiều hiện vật có giá trị lớn về văn hóa và lịch sử.

Vấn đề kinh phí để duy trì hoạt động cho nhà truyền thống cũng là một vấn đề quan trọng của huyện, đã có lúc những người lãnh đạo của huyện này phải cân nhắc rất nhiều. Nhưng cuối cùng nhà truyền thống vẫn “sống” và vẫn phát huy tốt nhiệm vụ của mình. “Dù Tuyên Hóa còn là huyện nghèo nhưng UBND huyện rất quan tâm đến việc duy trì tốt hoạt động của nhà truyền thống. Những năm qua, huyện luôn hỗ trợ kinh phí để phục vụ công tác sưu tầm và trưng bày hiện vật, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng”, ông Thụ nói. Trong năm 2013, Phòng VH và TT huyện đã sưu tầm thêm gần 100 hiện vật và tranh ảnh các loại. Hiện tại hiện vật và hình ảnh đang được chỉnh lý, phân loại để chuẩn bị cho công tác trưng bày bổ sung trong thời gian tới.

Từ khi đi vào hoạt động, nhà truyền thống của huyện đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên trên địa bàn và khách thập phương đến tham quan và học tập. Đến nay, nhà truyền thống đã đón trên 2.000 lượt người đến tham quan, học tập và nhiều nhất là năm 2013 với trên 800 lượt người. Nhất là vào các dịp lễ, tết có rất nhiều các cơ quan, đoàn thể trong huyện đã tổ chức cho cán bộ, hội viên đến tham quan nhà truyền thống để nâng cao hiểu biết của mỗi người về tiến trình phát triển của lịch sử huyện nhà cũng như những kết quả và thành tích mà toàn đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đạt được trong những năm qua. Qua đó, tuyên truyền vận động cán bộ, người dân lao động sáng tạo, đoàn kết xây dựng Tuyên Hóa ngày càng giàu mạnh.

Theo ông Thụ thì nhà văn hóa huyện cũng là nơi để những người con của huyện Tuyên Hóa sống và làm việc trên khắp các tỉnh thành trong cả nước đến tham quan mỗi dịp về quê. Họ đến đây với mong muốn hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra cũng như để có cái nhìn toàn diện về lịch sử và truyền thống vẻ vang của một miền quê cách mạng. Không chỉ vậy, nhà truyền thống còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa-lịch sử, những giá trị vật chất và tinh thần về mảnh đất và con người Tuyên Hóa đến với khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Gần đây nhất, đoàn công tác của huyện Lệ Thủy đã đến tham quan, học tập và đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa. Đồng thời mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng tại các huyện trong toàn tỉnh nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa-lịch sử, những nét đẹp riêng của mỗi vùng miền.

Để phát huy tốt ý nghĩa của nhà truyền thống, Phòng VH và TT huyện còn phối hợp với phòng Giáo dục-Đào tạo tổ chức cho giáo viên và các em học sinh tại các trường học trong toàn huyện đến tham quan và học tập. Các em được tự do khám phá những mô hình, hiện vật, hình ảnh, tư liệu sắp đặt một cách có hệ thống về vùng đất và con người Tuyên Hóa, hay những di tích lịch sử văn hóa của địa phương. Nhờ những buổi tham quan này mà nhiều học sinh đã biết thêm nhiều điều về lịch sử, văn hóa, bản sắc của vùng đất Tuyên Hóa. “Em rất thích đến phòng truyền thống của huyện tham quan và học tập, để được tận mắt nhìn thấy những hiện vật đã gắn liền với thế hệ cha ông trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mà trước đây em chỉ được nghe qua lời giảng của cô giáo dạy Sử. Em rất mong nhà trường tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tham quan và học tập tại nhà truyền thống để chúng em có cơ hội nâng cao hiểu biết về giá trị lịch sử và văn hóa của quê hương mình”, em Nguyễn Trung Quân, một học sinh  chia sẻ.

Tuy nhiên, quá trình duy trì hoạt động và mở rộng quy mô của nhà truyền thống còn gặp không ít khó khăn. Vì Tuyên Hóa là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh tiến hành xây dựng nhà truyền thống cấp huyện nên không có điều kiện để học tập kinh nghiệm từ các mô hình của huyện bạn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân đối với hoạt động nhà truyền thống còn hạn chế nên trong quá trình tiến hành công tác sưu tầm hiện vật đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Để phát huy hiệu quả hoạt động, thời gian tới, nhà truyền thống huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong quá trình sưu tầm hiện vật. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các trường học, xây dựng chương trình giáo dục lịch sử, văn hoá truyền thống của quê hương để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử mà cha ông để lại.

Lan Chi