.

Mùa khói

Chủ Nhật, 30/11/2014, 14:09 [GMT+7]

(QBĐT) -

Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một cánh diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro

(Thơ Đồng Đức Bốn)

Người ta đi qua một năm với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, còn với tôi, có thêm một mùa. Đó là mùa khói. Mùa khói đã gắn liền với những năm tháng ấu thơ trong tôi nơi miền quê nghèo bình dị. Để bây giờ khi đã lớn lên, đi xa, nhưng cứ đến mùa khói, lòng tôi lại đau đáu, khắc khoải nhớ về.

Ở quê tôi sau vụ thu đông, khi mà lúa đã được gặt về nhà, trên cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ bạc màu là đến mùa đốt đồng. Riêng tôi gọi là mùa khói, bởi khói luôn là nỗi nhớ, là sự ám ảnh trong tôi về sự ấm no của những người dân quê bình dị. Lúc nhỏ, tôi thường theo cha ra đồng cắt những gốc rạ vun đống vào rồi đốt. Tôi hỏi cha sao lại phải đốt đồng, cha bảo sau mỗi vụ gặt phải đốt đồng để cho ruộng đồng sạch sẽ và lấy tro ủ ruộng cho đất đai màu mỡ, tơi xốp vào vụ sau. Nhưng với suy nghĩ của đứa trẻ, tôi không để ý nhiều đến điều đó. Khi ấy, tôi thích mùa đốt đồng vì bao giờ cũng vậy, khi đưa tôi ra đồng, cha thường đi qua ruộng khoai bới vài củ mang theo, đến khi đốt rạ, người sẽ vùi khoai vào tro nóng. Khi khoai chín, cha lấy ra cho tôi ăn. Cầm củ khoai nóng thơm lừng lẫn trong mùi cay nồng của khói, phủi phủi cho sạch tro bám ngoài rồi không cần bóc vỏ, tôi vừa thổi vừa ăn ngon lành. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không khỏi rưng rưng khi nhớ về cái mùi vị ấy. Đó là điều ngọt ngào, hạnh phúc của tuổi thơ tôi.

Mùa khói đốt đồng (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)
Mùa khói đốt đồng (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)

Mùa đốt đồng cũng là mùa tôi theo lũ bạn đi hun chuột. Sau mùa lúa chín, bầy chuột đồng béo núc. Chúng tôi thường dùng rơm khô bện lại thành những chiếc nọt rồi bỏ than nóng vào giữa. Chiếc nọt giữ khói được rất lâu. Chúng tôi tìm những hang chuột rồi thổi cho khói bay vào trong. Những con chuột ngạt khói sẽ phải chui ra và khi ấy, chúng tôi sẽ hò nhau đuổi theo lũ chuột. Tiếng cười, tiếng hét làm xôn xao cả một vùng quê bình lặng. Dù mặt đứa nào cũng nhem nhuốc và mắt thì cay xè vì khói nhưng vẫn vui, những niềm vui rất đỗi hồn nhiên con trẻ mà sau này, chúng tôi không bao giờ có lại được.

Nhưng điều tuyệt vời nhất đó là những lần bắt được chuột đồng non. Chuột đồng non ướp muối ớt, lá sả rồi cho vào rơm hun là món ăn khoái khẩu nhất của bọn trẻ chúng tôi. Cũng trên cánh đồng ấy, chúng tôi thả lên bầu trời những cánh diều mơ ước, cánh diều như dẫn dụ cho giấc mơ của những đứa trẻ quê nghèo bay cao, bay xa hơn. Trên cánh đồng mùa khói, những trò chơi tưởng như bất tận. Cánh đồng dường như là nơi nuôi dưỡng, tắm táp cho thế giới tuổi thơ của chúng tôi. Ngay từ khi sinh ra, sương khói đồng đất quê hương đã ngấm vào tâm hồn mỗi người để rồi những đói no mùa vụ cũng gắn liền với buồn vui của con người. Bài học đầu tiên tôi đã được cha dạy là phải yêu đất, vì đất nuôi ta lớn, đất che chở ta, khi ta chết cũng sẽ về với đất. Phải biết gieo trồng tình yêu trên đất thì sẽ gặt về được hạnh phúc, ấm no.

Bao năm qua, tôi rong ruổi đến nhiều miền đất lạ. Cánh đồng mùa khói và những trò chơi con trẻ không đủ sức níu giữ những đam mê trong tôi. Tôi như cánh diều bị đứt dây, mặc sức gió bay đi đến những chân trời mới mà chưa biết nơi nào là bến đỗ. Nhưng mỗi khi tháng mười âm lịch về, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ mùa đốt đồng. Đôi khi chỉ một gợn khói bay lên từ làng xa cũng khiến tôi cay cay sống mũi nhớ về mùa khói. Đã cuối vụ thu đông, nơi quê nghèo, cha mẹ tôi có còn đủ sức gieo trồng, gặt hái trên cánh đồng vốn đã lao tâm khổ tứ gần cả đời người? Và những đứa trẻ quê có còn chơi trò của chúng tôi ngày xưa mỗi mùa đốt đồng?

Tùng Lam