.

Mưa chuyển mùa

Thứ Hai, 24/11/2014, 07:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Rồi cũng tới... những cơn mưa dầm dề trong tiết trời se lạnh của đầu đông. Đâu đó, vọng lại tiếng ễnh ương gọi bạn, càng lúc lại càng gần, nghe hoang hoải cả cõi lòng. Chẳng biết giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Đã lâu lắm rồi, nó không được ở bên mẹ vào những ngày mưa dầm dề như thế này. Nó miên man nghĩ...

Chập chờn trong tâm trí là hình ảnh năm xưa, mẹ đang vội vã ra chuồng gà phía sau nhà để che chắn cho đàn gà con mới nở. Bố bảo: Trời sắp rét rồi, mẹ nó còn cho gà ấp làm chi? Mẹ nhỏ nhẹ: Tưởng cố cho ấp thêm một lứa nữa, ai ngờ mùa đông năm nay đến sớm... Xong xuôi, mẹ lại trở ra vườn, cào cuốc mấy cái rãnh cho nước thoát để "cứu" luống cải vừa mọc. Nước ở đâu mà ra lắm thế không biết? Nó thầm nghĩ. Mưa cứ như xối xả trút xuống vườn rau của mẹ, trong tiếng kêu chiếp chiếp liên hồi sợ sệt của đám gà con. Ấy thế nhưng, chẳng trách than chi ông trời, mẹ cứ âm thầm làm hết việc này qua việc khác, như thể cố thu vén nhanh gọn nhất trước khi ông trời kịp lấy đi cái gì.

Mưa chuyển mùa, nặng hạt nhưng chẳng giống với mưa rào mùa hạ chỉ một lúc rồi tạnh ráo. Mưa chuyển mùa đông vừa nặng hạt lại dầm dề ngày này qua ngày khác. Mỗi đợt, ít cũng phải vài ba ngày như thế. Có năm, mưa mãi thành lụt. Cả cái xóm nhỏ của nó nước vào đến tận sân, tận bậc thềm. Đám trẻ con bì bõm nghịch nước, mặc cho các bà mẹ lo lắng, doạ nạt.  

Khoai xéo - món ăn ấm lòng trẻ quê những ngày mưa lạnh.
Khoai xéo - món ăn ấm lòng trẻ quê những ngày mưa lạnh.

Nhưng cũng có những ngày mưa dầm dề trong nó thật là dễ chịu. Bà ngoại lục trong cái chum ở góc nhà lôi ra một đùm khoai khô (khoai lang thái lát, phơi khô) rồi thêm ít gạo nếp, đỗ đem nấu khoai xéo. Hôm nào "sang trọng", bà cho thêm ít hạt lạc. Mặc cái ẩm ướt, lạnh lẽo của những trận mưa không dứt, ngửi thấy mùi khoai xéo bốc lên từ bếp lửa là bọn nó quên đi tất cả. Nồi khoai mang ra, bà ngoại lấy đôi đũa cả, 2 tay cầm 2 cái đũa xéo một cách thuần thục. Cả bọn ngồi xúm quanh xem. Chỉ một lúc, nồi khoai với lạc, nếp, đỗ còn lổn nhổn, rời rạc đã quyện vào nhau. Mà không thuần thục sao được, khi món khoai xéo này, bà ngoại đã từng ăn, từng nấu từ ngày xưa, thuở khoai khô là món để dành cho những ngày giáp hạt của người dân quê nó. Khác chăng, món khoai xéo ngày ấy không có các thứ gạo nếp, đỗ, lạc như giờ.

Có hôm, bà ngoại lại làm bánh "tu hú". Cũng những lát khoai khô ấy được xay thành bột, nhào nước, trộn thêm bột nếp để tăng độ kết dính và một ít lạc vỡ. Bà ngoại hướng dẫn chúng tôi lấy bột đắp vào ngón tay trỏ, dùng tay kia nắm cho đến lúc bánh thành hình, rồi bà cho bánh vào chõ hấp chín. Mỗi chiếc bánh đều có một lỗ nhỏ do ngón tay để lại. Lũ chúng nó vẫn thường đưa lên miệng giả vờ thổi, làm như là tu hú gọi bầy. Bánh có tên "tu hú" cũng là vì vậy.

Những ngày mưa lạnh thế này, nó cũng lại nao nao nhớ cái mùi cà kho mặn của mẹ. Chẳng có gì đặc sắc, chỉ là cà muối mặn từ mùa cũ, mẹ mang ra rửa qua nước lạnh, trộn với tóp mỡ, thêm ít ruốc tép, đường, hạt tiêu, mì chính rồi cứ thế đun lên. Ấy thế mà, món này đưa cơm lắm. Mỗi lần có món cà kho mặn, chị gái nó lại phải đổ thêm lon gạo lúc nấu cơm. Giờ xa quê, mùi mằn mặn của cà muối, ruốc tép, vị béo ngậy của tóp mỡ lẩn quất giữa làn khói bếp, trong dầm dề mưa lạnh cứ vấn vít mãi trong lòng nó.

Tiếng ễnh ương gọi bạn mỗi lúc một dồn, kéo nó trở về với thực tại. Ngày xưa, cũng những đợt mưa ấy, nó nào đâu đã biết suy tư. Tự dưng, nó thấy thèm kinh khủng được chạy về bên mẹ, trong những ngày mưa chuyển mùa...

Trần Hương Lê