.

Hát về những kỹ sư tâm hồn

Thứ Tư, 12/11/2014, 07:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Người giáo viên nhân dân, những kỹ sư tâm hồn của lớp lớp học sinh Việt Nam là một đề tài rộng lớn và cao quý, được giới nhạc sĩ cả nước trân trọng.

Có thể nói rằng, con người từ lúc mới lọt lòng đã được người mẹ là người thầy giáo đầu tiên trong đời, qua lời ru đã truyền tình cảm mẫu tử sâu nặng, dạy từ giọng nói, bước đi chập chững và những con chữ o, a,... cho con trẻ lúc chưa đến trường:

“À á ru hời ơ hời ru... Mẹ thương con có hay chăng? Thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so chín năm gian khó tính khôn cùng... Nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi. Thoáng thấy đó hình như bóng dáng bao người... cho đến Giờ con biết đi rồi, đi trên con đường mới... (Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý).

Rồi đến ngày bé lớn lên, được bố mẹ đưa đi nhà trẻ. Các cô nuôi dạy trẻ là người mẹ thứ hai đã chăm sóc, dạy bảo các cháu khôn lớn từng ngày:

“Con thương ơi! Con quý ơi! Nhà trẻ đó con nằm con chơi. Mẹ đi nương, cấy lúa nương. Trồng khoai sắn ấm no bản Mường” ... (Địu con đi nhà trẻ của Đào Ngọc Dung).

Một giờ học múa của cô trò Trường mầm non xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: P.V
Một giờ học múa của cô trò Trường mầm non xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa. Ảnh: P.V

Khi các em vào học phổ thông, được nhà trường, những thầy giáo, cô giáo đón nhận, dạy dỗ các em trưởng thành như những người trồng cây, chăm sóc, vun xới:

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi. Có những loại hoa thơm đậm đà ngát hương. Có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loại hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân”. “Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn. Noi gương anh hùng Cách mạng chiếu sáng ngời. Tuổi trẻ bên em là tương lai Tổ quốc. Lớn lên trong trái tim quê hương Việt Nam”... (Bài ca người giáo viên nhân dân của Hoàng Vân).

Trên khắp các vùng miền đất nước, từ miền núi đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, hình ảnh các cô giáo trẻ như người trồng hoa chăm sóc những mầm hoa rực rỡ sắc màu:

“Em trồng hoa thơm, từng mầm xanh mọc lên một rừng hoa Việt Nam càng thêm rực rỡ. Bao người bón chăm, cây súng thêm vững vàng, bông lúa thêm trĩu hạt. Càng yêu, càng quý công ơn người vun xới. Nay em là cô giáo xây đắp tương lai”... (Nay em là cô giáo của Dương Viết Chiến). Hay trong bài Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi của Văn Ký: “Ơ cô giáo Tày thương quá! Đảng đưa lên đây giúp người Mèo. Từ bàn tay cô dựng lên ngôi trường mới đấy. Tay đóng bàn, tay đóng ghế. Tay cầm sách, tay cầm đàn”...

Chúng ta biết ơn các chiến sĩ biên phòng canh giữ nơi biên cương của Tổ quốc để bảo vệ cả cho những lớp học ở vùng sâu vùng xa:

“Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc. Bừng sáng lung linh, một vì sao.  Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô. Những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay. Có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây”... trong bài Đêm trên Cha Lo của Phạm Tuyên.

Và, cả những hình ảnh “Anh vào mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch. Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran. Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”... (Hành khúc ngày và đêm - Nhạc Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Bùi Công Minh). Đó là tình yêu cao đẹp, thuỷ chung, nồng nàn lòng yêu nước trong những ngày Tổ quốc còn bóng quân thù xâm lược. Gian khổ hy sinh là thế nhưng tình yêu đôi lứa vẫn thật là lãng mạn. Đó chính là sức mạnh để tiếp thêm nhựa sống cho tuổi trẻ trong thời kỳ chiến tranh cách mạng.

Hình ảnh và những tấm gương sáng về người giáo viên nhân dân, người gánh trọng trách trước Đảng và nhân dân làm sự nghiệp trồng người sẽ còn mãi mãi là đề tài trang trọng cho các nhạc sĩ. Chúng ta hy vọng sẽ có thêm nhiều ca khúc viết về người giáo viên nhân dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập vang mãi với tuổi học trò và công chúng yêu mến âm nhạc trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến