.

Ứng xử với nhà cổ: Níu giữ hay quay lưng?

Thứ Tư, 01/10/2014, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều công trình kiến trúc cổ vẫn trầm mặc, vững chải tồn tại mặc sự thách thức tàn nhẫn của thời gian. Tự bản thân mỗi công trình đền, chùa, nhà cổ... đã mang chiều sâu văn hóa của lịch sử dân tộc. Giữ gìn hay quay lưng lại trước những giá trị văn hóa cổ xưa ấy là câu hỏi khó cho bao thế hệ hậu thế.

Dấu ấn trăm năm

Nhà thờ họ Trần (Vạn Ninh, Quảng Ninh) được xây dựng từ năm 1859. Đến nay, trải qua hơn 150 năm tồn tại, công trình mang hồn vía cổ xưa này vẫn còn lưu giữ hầu hết những nét kiến trúc của lịch sử. Xưa, ông thủy tổ của dòng họ là Bộ quân Đô tướng Trần Tùng, là vị tướng coi quân Long tiệp từ triều Trần sang triều Hồ, đã hai lần được cử làm chỉ huy quân bộ đi đánh Chiêm Thành mở mang bờ cõi. Hết thời binh nghiệp, ngài đem con cháu từ mảnh đất Thanh Hóa vào khai khẩn và lập làng tại vùng đất neo mình bên dòng Đại Giang này.

Theo dòng lịch sử, từ thế kỷ XV đến nay, dòng họ Trần ở đây trải 20 đời, ngót 600 năm, có 3 vị tước hầu, 1 vị tước bá, 2 vị tước tử, 2 tước nam, 4 chính đội trưởng và 1 vị võ cử phát khoa. Đó là những tước hiệu quý tộc, chức vụ quân đội trong thời phong kiến, nhưng nó phản ánh truyền thống văn nghiệp, võ công nhiều thế hệ của dòng họ này. Tự hào với những bề dày truyền thống của họ tộc, bản quán, dòng họ Trần ngày nay của đất Vạn Ninh vẫn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống cổ xưa, đặc biệt là những công trình kiến trúc mang dáng dấp của một thời quá vãng.

Bên trong nhà thờ họ Trần ở Vạn Ninh vẫn còn nguyên vẹn những đường nét cổ kính.
Bên trong nhà thờ họ Trần ở Vạn Ninh vẫn còn nguyên vẹn những đường nét cổ kính.

Trải qua bao biến thiên, năm tháng, nhà thờ họ Trần ở Vạn Ninh cũng ít nhiều bị hư hỏng, thế nhưng, phần gỗ bên trong hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Nhìn khung gỗ của ngôi nhà thờ bóng loáng, sắc cạnh, không ai nghĩ chính tự thân nó đang mang trong mình những dấu tích hàng trăm năm tuổi. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Chường thì cấu trúc phần gỗ còn giữ khá nguyên vẹn kiểu kiến trúc cận đại giữa thế kỷ XIX của đền thờ vùng Bình Trị Thiên.

Dẫu đã trải qua không ít lần tu bổ, nhưng công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử này vẫn còn lưu giữ được gần như tất cả những dáng dấp cổ xưa. Những nét chạm khắc hình rồng tinh xảo, sắc nét, nổi bật lên giữa màu gỗ sậm. Giữa khung cảnh ấy, đặt chân vào không gian nhà thờ, ngắm những đường nét tinh xảo, những ồn ã, xô bồ của cuộc sống hiện đại bỗng chợt bị đẩy lại phía sau, chỉ còn cái yên bình hiện hữu trên từng ngóc ngách, đường nét.

Tại xã Quảng Hòa (Quảng Trạch), hiện có hơn 100 ngôi nhà cổ vẫn đang được người dân nơi đây lưu giữ lại như một phần tài sản vô giá của ông cha. Nhiều ngôi nhà hiện vẫn còn khá nguyên vẹn với ngói âm dương, khung rường gỗ cổ kính và những bức cửa bàn khoa. Đáng nói nhất phải kể đến ngôi nhà ba gian, hai chái của cụ Nguyễn Ngọc Lâm, hiện đã có trên 300 năm tuổi hay ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị Quý với gần 200 năm tuổi.

Bên trong những ngôi nhà cổ kính nằm nép mình bên dòng sông Gianh này, những âm trầm của quá khứ vẫn đâu đó còn vọng về. Những giá trị của lịch sử, tiên tổ, ông cha vẫn là thứ gia bảo quý giá nhất cần được lưu giữ. Như lời anh Nguyễn Đức Chinh (Quảng Hòa) thì “mỗi lúc về quê, bước vào ngôi nhà cổ của bố mẹ cứ như nhìn thấy bóng dáng của ông bà mình vẫn còn đâu đây”.

Hiện tại tỉnh ta vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà ở, đền, chùa là những công trình kiến trúc cổ xưa. Trong số đó có rất nhiều những ngôi đền thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và Quốc gia. Theo bà Trần Thị Lý, trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh thì hiện trên địa bàn tỉnh có gần 20 ngôi đền thờ hàng trăm năm tuổi là di tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận. Với những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc cũng như văn hóa lịch sử, mỗi ngôi nhà, đền, chùa cổ trên mảnh đất Quảng Bình xứng đáng là một “chứng nhân” tiêu biểu trong hành trình lưu giữ văn hóa, nếp sinh hoạt truyền thống đang rất cần được gìn giữ.

Mai một

Ông Tạ Đình Hà, người có hàng chục năm nghiên cứu văn hóa, lịch sử Quảng Bình cho biết rằng đã từng có rất nhiều những công trình kiến trúc cổ (nhà ở, đình, chùa...) nằm rải rác ở hầu khắp các vùng quê của tỉnh ta. Thế nhưng, do sự khắc nghiệt của thời gian và nhu cầu bức thiết về nhà ở, rất nhiều ngôi nhà cổ đã vĩnh viễn mất đi. Một số vẫn được tu sửa, trùng tu nhưng điều đáng buồn là chúng đã bị biến dạng đi nhiều. Sửa chữa chắp vá, không theo nguyên bản và một quy tắc kiến trúc nào khiến nhiều ngôi nhà, ngôi đền cổ bị lai tạp, nửa cổ, nửa kim. Nhiều ngôi nhà cổ ở Quảng Hòa, Quảng Lộc... bị gió bão thổi tung mái ngói nên người dân phải tự lợp lại bằng vật liệu khác như tôn, fibro - ximăng... khiến cho ngôi nhà mất đi nét cổ kính vốn có của mình.

Nhiều ngôi nhà cổ ở Quảng Hòa lại được lợp bằng tôn
Nhiều ngôi nhà cổ ở Quảng Hòa lại được lợp bằng tôn

Theo ông Hoàng Đình Châu, cán bộ văn hóa xã Quảng Hòa thì khoảng hơn 10 năm trước, hàng chục ngôi nhà cổ ở địa phương đã bị xóa bỏ để làm nhà bê tông. Từ năm 2005 đến nay, lại rộ lên phong trào trùng tu lại nhà cổ do đặc điểm của loại nhà rường này là khả năng chống chịu tốt với mưa, bão, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Thế nhưng, như ông Châu chia sẻ thì muốn trùng tu theo đúng nguyên bản của một ngôi nhà cổ phải mất rất nhiều công sức và tiền của. “Đó chỉ phù hợp với những nhà có điều kiện kinh tế. Thế nên, mới có trường hợp nhà gỗ cổ nhưng lại được lợp bằng vật liệu hiện đại”, ông cán bộ xã cho biết thêm.

Mang trong mình nhiều giá trị quý báu và thiêng liêng nhưng có một sự thật hiển nhiên mà hậu thế phải chấp nhận là hầu như tất cả những công trình kiến trúc cổ ở tỉnh ta đang cùng chung một số phận đó là sự bào mòn, xuống cấp.

Trở lại với nhà thờ họ Trần ở Vạn Ninh, công trình hơn 150 năm tuổi này cũng đang chịu sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Ba bộ cửa bàn khoa song tiện và nhiều chi tiết khác của nhà thờ cũng đã bị hư hỏng. Nhiều cái buộc phải thay mới. Điều đáng tiếc hơn hết là 4 liễn đối bằng gỗ de viết chữ Hán, sơn son thiếp vàng do triều đình và quan lại nhà Nguyễn dâng cúng được treo ở các cột chính đã bị mất, không sưu tầm được nội dung. Cụ Trần Văn Dần, một bậc bô lão của dòng họ Trần ở Vạn Ninh cho biết: “Đã không ít lần, nhà thờ họ bị hư hỏng, con cháu trong họ tộc lại đóng góp tiền của để trùng tu nhưng chúng tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu rằng những gì của cha ông thì vẫn phải lưu giữ lại. Nếu thay mới tất cả thì chẳng còn gì là của cha ông nữa”.

Nhưng thời gian có quy luật tàn phai khắc nghiệt của nó, hậu thế của họ Trần ngày nay vẫn hiểu rằng việc bảo tồn và lưu giữ vĩnh viễn những giá trị cổ xưa sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Đó không chỉ là vấn đề kinh phí mà còn là chuyện kiếm tìm được thợ giỏi và vật liệu phù hợp để bảo tồn nguyên dạng kiến trúc công trình. Đây cũng là cái khó chung của nhiều địa phương, nhiều gia đình nên dù muốn thì nhiều chủ nhân vẫn buộc lòng phải “khoanh tay đứng nhìn” những ngôi nhà cổ của mình đang dần bị xuống cấp, mai một đi.

Níu giữ hay quay lưng?

Những công trình kiến trúc cổ được công nhận là di tích hoặc chỉ tồn tại với danh phận “nhà cổ dân gian” thì vẫn là những công trình kiến trúc lưu giữ nghệ thuật đặc sắc của cha ông. Đối với những đình, chùa đã được công nhận là di tích thì việc bảo tồn, trùng tu là chuyện hiển nhiên và đã có rất nhiều chính sách đầu tư cho việc trùng tu những công trình này. Riêng đối những “nhà cổ dân gian”, việc ứng xử với các công trình đặc biệt này ra sao vẫn đang nằm trong giới hạn của riêng chủ nhân của nó. Mà việc này thì muôn vàn khó khăn khi vấn đề kinh phí vẫn luôn là gánh nặng đối với nhiều gia đình, dòng họ.

Theo ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì hiện ở tỉnh ta vẫn chưa có một chính sách nào để bảo tồn những công trình kiến trúc đặc biệt này. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành khác đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ người dân trùng tu những công trình kiến trúc cổ, cho dù đó không phải là những di tích đã được công nhận. “Giá mà những ngôi nhà cổ ở dọc sông Gianh này được đầu tư trùng tu, để rồi đưa nhà cổ vào phát triển du lịch địa phương thì hay biết mấy. Nhưng hiện tại, địa phương vẫn chưa thể có chính sách gì để giúp người dân bảo tồn chúng vì nan giải ở vấn đề kinh phí”, ông Ngô Ngọc Cầm, phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa bộc bạch.

Chạy đua theo xu thế thời cuộc, tất sẽ khó giữ được những giá trị truyền thống. Nếu ngay từ bây giờ vẫn chưa có một cơ chế quản lý nào chuyên biệt dành riêng cho đối tượng nhà cổ, e rằng chỉ một thời gian nữa, những ngôi nhà trăm tuổi ở tỉnh ta chỉ còn trong hoài niệm.

Diệu Hương