.

Thầy giáo-chiến sĩ và những bài thơ "hoa lửa"

Thứ Sáu, 10/10/2014, 14:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong một tập san của ngành Giáo dục - Đào tạo, tôi tình cờ đọc đôi dòng thơ được trích dẫn trong bài viết của một người thầy. Những câu thơ mang khí phách hào hùng của đất nước những ngày đánh Mỹ "Đây Trường Sơn nâng bước ta đi/Phá Tam Giang cuộn trào sóng biếc...". Đó là những câu thơ của nhà giáo - chiến sĩ Hoàng Đình Bường, nguyên hiệu trưởng Trường THPT số 1 Quảng Trạch (nay là THPT Lương Thế Vinh) viết về những tháng năm lửa đạn.

Năm 2013 và 2014, thầy giáo Hoàng Đình Bường đã in hai tập thơ là “Điểm danh”“Hành khất thời gian”. Những bài thơ đau đáu về một thời hoa lửa...

Như tất cả những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi rạo rực tinh thần yêu nước, cuối năm 1971, khi vừa tròn 22 tuổi và đang là sinh viên năm thứ ba khoa Văn Trường đại học Sư phạm Vinh, cùng với 250 giáo viên và sinh viên của trường, chàng sinh viên Hoàng Đình Bường lên đường nhập ngũ. Bốn năm liền chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế khói lửa cho đến ngày đất nước thống nhất, những bài thơ trong tập "Điểm danh" cũng ra đời trong giai đoạn này.

Bài thơ đầu tiên trong tập "Điểm danh" là bài "Khói lửa". "Rời con đường thương nhớ/Rời mái trường thân thương/Lòng người đi vương nợ/Bóng mẹ, chiều quê hương...", những câu thơ gợi cảm giác vấn vương, lưu luyến của người ra trận, đặc biệt người đó lại là một thư sinh đang dở việc bút nghiên. Cũng từ đây, thơ Hoàng Đình Bường vừa man mác nỗi nhớ quê, vừa ắp đầy không khí chiến hào lửa đạn "AK "cười" sằng sặc/Đạn nổ như ngô rang/Trận địa run bần bật/Đất giành giật từng gang". Và trước những hy sinh, mất mát, thơ ông ngậm ngùi "Những hố bom thù sâu nước mắt/Đào xới tung những nấm mộ chập chờn/Chiến tranh không là trò đùa bỡn/Máu xương năm tháng vơi đầy...".

Và đúng như tên của tập thơ, rất nhiều bài thơ ông điểm danh đồng đội, những người mãi mãi ở lại tuổi hai mươi. Bài thơ "Vĩnh biệt" viết năm 1972, chỉ vẻn vẹn 16 câu thơ năm chữ, đã có tên bốn người đồng đội của ông. Những câu thơ trĩu nặng đau thương "Ôm nỗi đau vĩnh biệt/Nước mắt chảy về tim/Rừng im lìm nuốt hận/Chia lìa những cánh chim...". Và rất nhiều những cuộc chia ly nghẹn ngào như thế trong suốt từ năm 1971, ngày ông nhập ngũ cho đến ngày 30-4-1975 lịch sử.

Sau này, ông tâm sự: "Ngày ấy tôi có ý tưởng ghi chép lại tất cả những gì diễn ra trong đời quân ngũ để sau này về suy nghĩ và chiêm nghiệm lại. Chiến tranh ác liệt, bao bản thảo, sổ ghi chép bị cháy, hư hỏng, nhàu nát... Nhưng những bài thơ điểm danh đồng đội đã hy sinh, tôi lưu giữ nó trong tim mình. Để bây giờ, sau nhiều năm trăn trở, tôi đã in được tập thơ này, như lời tri ân và tưởng nhớ đồng đội!".

Không chỉ điểm danh đồng đội, tập thơ còn là nỗi nhớ thương mẹ già với lời căn dặn của người lính sẵn sàng hy sinh vì đất nước. "Nếu mai con không về/Ngôi nhà tranh vắng vẻ/Lòng mẹ se cát bụi/Mờ trăng trời mồ côi". Dường như ông đã nói dùm tâm trạng cho cả một thế hệ những người lính ra đi vì đất nước...

Sau "Điểm danh", tập "Hành khất thời gian" ra đời, là sự đón nhận những ngày mới nơi giảng đường sau cuộc chiến, những bỡ ngỡ, rạo rực của người lính trước cuộc đời bình dị mà họ đã phải đổ bao máu và nước mắt mới giành được. Trở lại với nghiệp trồng người sau bao chinh chiến trong hình ảnh một người lính – người thầy gầy gò, nước da xanh tái vì rốt sét rừng, ông hân hoan đón chào ngày mới “Cuộc đời mới từng trang lật mở/Những con đò nặng chuyến sang ngang/Hạnh phúc lên hương từ phấn bảng...” (Tái hợp). Trong niềm vui, sự bâng khuâng ngày trở lại đời thường, ký ức xưa cũ vẫn đau đáu trong lòng để chợt bùng lên khi gặp một gốc cây, ngọn cỏ, một tên gọi cũ. Và ông viết bài thơ “Đêm trắng”: "Chiến tranh đi vào bài giảng/Những cánh rừng tả tơi bom đạn/Đồng đội nằm ngổn ngang/Mấy trăm sinh viên không về theo phấn bảng...”.

Những bài thơ trong tập “Hành khất thời gian” được viết từ tháng 12-1975 đến năm 2010. Đó là lời tự sự của một người thầy – người lính đã đi qua những thời khắc khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến và cả những tháng ngày hoa mộng. Có lẽ vì thế, trong thơ ông vẫn thấp thoáng những hình ảnh dịu dàng, lãng mạn giữa đời thường. “Da trời ai nhuộm sắc xuân/Áo vàng hoa cải sao gần sao xa/Bâng khuâng màu áo nõn nà/Nhớ người năm ấy hái hoa cải vàng” (Hoa cải vàng).

Sau ba mươi tư năm gắn bó với nghề dạy học, thầy giáo Hoàng Đình Bường nghỉ hưu với hành trang mang theo là tình yêu của nhiều thế hệ học sinh cùng các bạn đồng nghiệp. Và ông tự ví von, rằng đời ông giờ như “nắng đã vắt sang bên kia đồi”. Đọc thơ ông, hiểu được con người bình dị của ông, tôi cảm nhận được thứ ánh nắng rực rỡ cuối ngày, phản chiếu sự lung linh, đẹp đẽ của một con người suốt đời cống hiến cho đất nước, cho tình yêu nghề, yêu người. Xuyên suốt hai tập thơ là ký ức của người thầy giáo - chiến sĩ về những năm tháng vất vả, hiểm nguy nhưng tình yêu với quê hương, đất nước vẫn tròn đầy, đặc biệt là hồi ức về một thời hoa lửa không thể nào quên...

Diệp Đồng