.

Mỹ thuật và những mảng màu trầm

Thứ Ba, 28/10/2014, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, bằng sức sống riêng của mình, mỹ thuật tỉnh nhà đã hòa vào dòng chảy chung của văn hóa nghệ thuật đương đại, góp phần tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới, phục vụ nhiệm vụ chính trị của quê hương đất nước, hướng đến công chúng yêu nghệ thuật. Tuy vậy, dưới không ít tác động khách quan, chủ quan, mỹ thuật Quảng Bình vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở trong lộ trình phát huy tối đa năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ và tiến lại gần hơn đối với công chúng thưởng thức.

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) chia sẻ, cái thiếu đầu tiên của anh em họa sĩ, điêu khắc chính là... một phòng triển lãm tranh theo đúng nghĩa.

Đầu năm 2014, năm họa sĩ từ Trường đại học Quảng Bình đã mạnh dạn mở triển lãm tranh “Những gam màu”. Năm họa sĩ, năm phong cách, cá tính riêng đã ghi dấu ấn cho cuộc triển lãm, khẳng định niềm đam mê cống hiến, khát khao sáng tạo luôn âm ỉ cháy trong tâm hồn, nhờ đó thu hút sự chú ý của giới chuyên môn cũng như người xem. Tuy nhiên, địa điểm triển lãm mới là điều khiến người trong cuộc phải “đau đầu”. Bởi, hiện nay, tại TP.Đồng Hới vẫn chưa có một phòng triển lãm tranh chuyên nghiệp nào theo đúng tiêu chuẩn.

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng cắt nghĩa, khác với nhiếp ảnh, mỹ thuật có những yêu cầu khắt khe riêng đối với địa điểm trưng bày, từ ánh sáng, màu sắc, bố cục sắp xếp, kích thước... cho đến không gian, cảnh quan... Tất cả các yếu tố đó phải thực sự hài hòa, đúng chuẩn mực mới mang lại hiệu quả thị giác, tâm lý cao nhất. Trên thực tế, tỉnh ta mới chỉ có khu vực sảnh trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh là có thể tạm sử dụng để triển lãm tranh, tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

Quay trở lại với triển lãm của năm họa sĩ trên, cuối cùng, phòng truyền thống chưa sử dụng của Trường đại học Quảng Bình được dùng để làm phòng triển lãm như một giải pháp “cứu cánh” hợp lý nhất. Thiếu địa điểm có lẽ là một trong những lý do khiến họa sĩ Quảng Bình “lười triển lãm tranh tại quê nhà. Với 31 hội viên thuộc 2 chuyên ngành chính là hội họa, đồ họa và điêu khắc, nhưng từ năm 2010 đến năm 2014, Phân hội mới chỉ duy trì được 4 cuộc triển lãm nhóm và 1 triển lãm cá nhân.

Một vài bức tượng thưa thớt dọc hai bờ sông Nhật Lệ vẫn chưa đủ để vừa giáo dục thế hệ trẻ về giá trị văn hóa lịch sử địa phương, vừa góp phần quảng bá du lịch
Một vài bức tượng thưa thớt dọc hai bờ sông Nhật Lệ vẫn chưa đủ để vừa giáo dục thế hệ trẻ về giá trị văn hóa lịch sử địa phương, vừa góp phần quảng bá du lịch

Sắp tới, nhân ngày truyền thống của mỹ thuật Việt Nam (10-12), các họa sĩ đành sử dụng văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để treo tranh, vừa để hưởng ứng, tạo không khí, vừa là dịp để anh em có cơ hội cùng thảo luận, đánh giá, trao đổi, chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình.

Một khó khăn nữa mà theo họa sĩ Văn Đắc nhận định, chính là việc thiếu sân chơi cho anh em theo đuổi mỹ thuật. Anh em thường chỉ gửi tác phẩm dự triển lãm khu vực, toàn quốc hoặc các triển lãm chuyên đề riêng, 1 năm/lần hoặc 2 đến 5 năm/lần. Giải thưởng thường niên dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc của tỉnh không được duy trì nữa cũng là một trong những thiệt thòi cho anh chị em văn nghệ sĩ. Sân chơi cho mỹ thuật trong tỉnh rất khan hiếm, khiến điều kiện tiếp xúc, giao lưu, học hỏi nhau cũng hạn hẹp hơn rất nhiều. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến khoảng cách giữa các thế hệ trong làng mỹ thuật tỉnh nhà dường như ngày càng xa hơn.

Theo anh Nguyễn Lương Sáng, mỹ thuật Quảng Bình đang có 3 thế hệ tiếp nối nhau (thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đất nước đổi mới và thế hệ trẻ hiện đại). 3 thế hệ với lối tư duy sáng tạo, cách nghĩ, cách thể hiện cá tính khác nhau, giữa mới-cũ, giữa cách tân-truyền thống, nhiều thời điểm rất khó để tìm được tiếng nói chung đồng điệu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế đối với các họa sĩ, nhà điều khắc vẫn còn khá hạn chế. Còn nhớ tại một cuộc triển lãm tranh do chính một đơn vị nhà nước tổ chức nhằm mục đích gây quỹ từ thiện, mặc dù đã tích cực quảng bá, giới thiệu, nhưng rất ít doanh nghiệp, cá nhân đến tham gia và việc mua tranh lại càng trở nên xa vời hơn.

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng chia sẻ, tranh của anh chủ yếu được gửi bán tại các phòng tranh ở Hà Nội, còn tại Quảng Bình rất hiếm khi bán được hoặc chỉ bán cho người quen thân với giá thành khá rẻ. Phân hội mới có họa sĩ Văn Đắc là được mua tranh làm từ bẹ chuối với số lượng lớn. Song song, thị hiếu của công chúng tỉnh nhà đối với mỹ thuật cũng là điều đáng bàn. Bên cạnh sự thiếu quan tâm, người dân thường chỉ quen thuộc với tranh, tượng đơn giản, dễ hiểu và có tâm lý e ngại với sự phức tạp, nhiều tầng nghĩa của các tác phẩm mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao hơn.

Mong muốn của anh em hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật hiện nay là được tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng triển lãm tranh, để vừa phát huy tối đa năng lực sáng tạo, vừa đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng thưởng thức. Mặt khác, việc tạo thêm nhiều sân chơi cho không chỉ giới mỹ thuật mà còn nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm, cập nhật các xu thế của nghệ thuật đương đại thế giới, đồng thời còn là cơ hội để công chúng làm quen, tiếp xúc với nhiều cái mới. Cụ thể, dọc bờ sông Nhật Lệ, rất cần thiết có đề án để xây dựng tượng các danh nhân, như Hàn Mặc Tử, Đào Duy Từ..., vừa mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ, vừa giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa-lịch sử, vừa quảng bá về du lịch.

Mai Nhân