.

Ký ức người lính: Cuốn sách mang tính giáo dục sâu sắc

Thứ Sáu, 31/10/2014, 13:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa xuất bản tập sách KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH của tác giả Hồ Duy Thiện (nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá). Cuốn sách dày 236 trang (có cả ảnh minh hoạ), tập hợp từ 3 cuốn nhật ký thời chiến của tác giả viết trong những năm tháng mặc áo lính từ khi nhập ngũ (tháng 9 năm 1970) cho đến ngày kết thúc chiến tranh (30/4/1975).

Đọc KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH, người đọc cảm thấy thu hút vì giá trị độc đáo của thể loại và bởi nhiều sự kiện diễn ra có tính lô gích. Nội dung tập sách ghi chép lại một cách chân thật, tỷ mỷ về cuộc đời người lính trong thời trận mạc với nhiều tư liệu quý và cả những mối tình thầm kín của một tâm hồn trong trẻo, dung dị.

Mỗi trang nhật ký như làm đẹp thêm tâm hồn của người lính một thời xông pha chiến trận. Anh đã dẫn dắt người đọc đi từ trang đầu ngày nhập ngũ luyện tập gian khổ với những nỗi trăn trở từ khi rời ghế sinh viên Trường đại học Thuỷ lợi cùng bao nhiêu bạn bè trai trẻ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cùng tạm gác lại đồ án tốt nghiệp của một kỹ sư tương lai giàu hứa hẹn để theo nghiệp binh đao cho đến khi được vác súng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước.

Mỗi đoạn nhật ký dù rất ngắn ngủi, chắp nối do hoàn cảnh ở chiến trường ác liệt, nhưng từng tình tiết đều là sự chứng kiến của sức sống những tháng năm máu lửa mà anh đã cùng đồng đội vượt qua: “Ba ngày rồi chỉ có ăn lương khô và nước lã. Lúc này, chỉ thèm có một bát cơm nóng và một bát canh rau dền... Nhiều đêm thức trắng vì làm nhiệm vụ và vì bom đạn nổ liên hồi, có rỗi cũng không sao chợp mắt được. Càng thấy nhớ nhà, nhớ người yêu vô cùng” (NK13/8/72).

Trong cuộc đời người lính anh đã từng vượt qua bao chặng đường trường đầy truân chuyên nhưng anh luôn tự hứa với bản thân mình: “Khó khăn không sợ / Gian khổ không sờn / Quyết chí bền gan / Giành nhiều thắng lợi.” (NK 01/5/72). Lời hứa ấy theo anh đi suốt cuộc đời quân ngũ.

Vào Quảng Trị tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khó khăn gian khổ ác liệt cái sống cái chết kề nhau tấc gang, nhưng anh đã cùng đồng đội vượt qua. Khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhiều ngày phải hành quân bộ vất vả trên đường Trường Sơn nhưng anh luôn tự xác định cho mình ý thức trách nhiệm của người lính chiến: “Có đi bộ hành quân như thế này mới thấy được cái quý giá của sức khoẻ con người. Có sức khoẻ, có tinh thần, có nghị lực sẽ vượt qua tất cả khó khăn để vươn tới. Đường xa, vai mang nặng, nhưng khi đã vượt qua mới thấy cái giá trị lớn lao của mỗi giọt mồ hôi đổ xuống trên từng chặng đường, mới thấy hết được cái vĩ đại của lòng quyết tâm, tính kiên trì chịu đựng và sự nỗ lực cố gắng của bản thân mình” (NK 02/3/75).

Cuộc đời người lính dẫu còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng anh luôn tự hào: “Cuộc đời người lính là vậy đó, tất cả chỉ có 2 bàn tay trắng và gia tài là một chiếc ba lô. Vật chất thì nghèo thật đấy, bù lại chúng tôi lại giàu lòng yêu Tổ quốc, giàu lòng căm thù giặc. Thế là cũng đủ lắm rồi, đủ cho mọi người ai cũng phải nâng niu cái “giàu” đó” (NK 14/2/75).   Đã có lúc tôi dừng giữa trang đọc dở để đưa tay áo chặm nước mắt vì quá xúc động  khi nhập hoà vào cõi lòng anh một thời quá vãng.

Trong bức tranh trận mạc của Hồ Duy Thiện, người đọc còn bắt gặp cả những dòng thư tình cảm động viên, cổ vũ của người thân, người yêu anh ở hậu phương trong những năm tháng mỏi mòn chờ đợi tin anh ở chiến trường.

Vậy đó. Chiến trường có nhiều người lính cầm bút ghi nhật ký. Nhưng mỗi người không giống nhau. Anh Hồ Duy Thiện đã giữ được góc riêng của mình để nay dù chậm bước giới thiệu với bạn đọc nhưng đó cũng  là điều may mắn hơn nhiều đồng chí đồng đội của anh vắng mặt trên cõi đời ở tuổi thanh xuân. Tuy nội dung cuốn sách chỉ mới phản ảnh được một phần nhỏ hiện thực của cuộc chiến tranh dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng ta, nhưng điều quan trọng là nó còn có tính giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và sự hy sinh của nhiều thế hệ sinh viên từng mặc áo lính ra trận.

     Văn Tăng
(Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tỉnh Quảng Bình)