.

Dấu ấn 410 năm thơ Quảng Bình

Thứ Năm, 09/10/2014, 12:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Như một sự đánh dấu và tri ân nhân dịp tỉnh nhà kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển, vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã cho xuất bản cuốn “Thơ Quảng Bình 410 năm”. Đúng như lời đề tựa ở đầu cuốn sách, tập thơ chính là món quà tinh thần, là tấm lòng thành của giới văn nghệ sĩ dâng tặng kỷ niệm 410 năm tỉnh nhà mang tên gọi Quảng Bình.

 

Bìa cuốn sách “Thơ Quảng Bình 410 năm”.
Bìa cuốn sách “Thơ Quảng Bình 410 năm”.

Tập thơ quy tụ không chỉ các nhà thơ người Quảng Bình mà còn bao gồm nhiều tác giả ở mọi miền đất nước có tác phẩm hay viết về mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng này.

Trải dài suốt những năm tháng lịch sử của đất nước, bạn đọc dễ dàng bắt gặp nhiều hồn thơ quen thuộc của những bậc tiền nhân (như Lê Thánh Tông với “Linh Giang hải tấn”, “Qua Đèo Ngang”, Ngô Thì Nhậm với “Nhật Lệ hải môn dạ phiếm”, Phan Huy Ích với “Độ đại Linh Giang”, Nguyễn Du với “Đầu mùa thu ngẫu hứng”, “Pháo đài”, Bà Huyện Thanh Quan với “Qua Đèo Ngang”, Cao Bá Quát với “Hoành Sơn Quan”....).

Thế mới biết, mảnh đất Quảng Bình nhọc nhằn, nghèo khó nhưng được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh lam, thắng cảnh hữu tình đã đủ sức khơi gợi cảm hứng thi ca cho biết bao tao nhân, mặc khách. Để rồi ai từng đặt chân qua và thưởng thức cảnh đẹp nơi đây đã để lại không ít áng văn chương truyền tụng đời đời.

Và qua những vần thơ đó, hình ảnh của Đèo Ngang, Linh Giang, Nhật Lệ, Hoành Sơn, Quảng Bình Quan, Lý Hòa... hiện lên với sức cuốn hút, vẻ đẹp riêng khó cưỡng. Cũng từ cuốn sách này, bạn đọc có dịp đến gần hơn với những tác phẩm thơ viết về Quảng Bình của những tên tuổi lớn, như: Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến.... và từ đó có những chiêm nghiệm, cảm nhận riêng của mình.

Ngoài ra, các bài thơ nổi bật về Quảng Bình trải dài trong hai cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc hay giai đoạn phục hồi sau chiến tranh được các nhà thơ ở mọi miền đất nước sáng tác cũng là “mảng” tạo sự chú ý của tập thơ, như: “Mẹ Suốt”-Tố Hữu; “Giấc mơ Ngư Thủy”-Phùng Quán, “Bóng quê”-Hoàng Đăng Khoa....

Cuốn sách cũng giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của những nhà thơ sinh ra ở Quảng Bình và có đóng góp không nhỏ trong văn thơ Việt Nam, đó là: Hàn Mặc Tử với “Mùa xuân chín”, “Tình quê”, Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu”, “Nắng mới”’, “Đường ta đi thế đấy bạn lòng ơi”, Lâm Thị Mỹ Dạ với “Chuyện cổ nước mình”, “Khoảng trời hố bom”.... Trưởng thành trong từng giai đoạn khác nhau của lịch sử đất nước, bằng tài năng và trí tuệ của mình, họ chính là niềm tự hào, là hiện thân của hồn thi ca đất Quảng. Bên cạnh đó là nhiều gương mặt thơ nổi bật góp phần lớn trong việc tạo nên diện mạo riêng của thơ ca Quảng Bình, như: Xuân Hoàng, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ..

Chỉ gói gọn trong gần 400 trang, nhưng chặng đường thi ca 410 năm của Quảng Bình đã xuất hiện tương đối trọn vẹn, cho thấy sự vận động mạnh mẽ của thơ Quảng Bình trong suốt những giai đoạn khác nhau của lịch sử, đồng thời, cuốn sách đã minh chứng một điều là, “...mảnh đất eo thắt chiều rộng có nơi chỉ 50 km với suối lũ, mưa nguồn, gió Lào cát trắng đã trui rèn ý chí của người Quảng Bình, đồng thời cũng cho người Quảng Bình một tâm hồn phong phú, vừa dữ dội vừa hết sức lãng mạn...” (Lời đề tựa). Tuy nhiên, nếu dành một ít “đất” để giới thiệu một vài nét phác họa về chân dung các tác giả thì chắc chắn tập thơ sẽ là một món quà đủ đầy hơn với công chúng.

M.N