.

Cấm doanh nghiệp đặt tên theo danh nhân: Liệu có khả thi?

Thứ Tư, 29/10/2014, 16:17 [GMT+7]

Thông tư của Bộ VH-TT&DL cấm các doanh nghiệp không đươc dùng tên của danh nhân từ ngày 25-11 gây ra nhiều tranh cãi.

Theo quy định trong Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, từ ngày 25-11 tới đây, doanh nghiệp không được dùng tên của danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp.

Thông tư được áp dụng với các tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nội dung Thông tư còn nhiều điểm chưa rõ

Thông tư cũng nêu, việc đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc.
Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng tên riêng này trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

Việc doanh nghiệp đặt tên theo danh nhân sẽ bị cấm từ ngày 25-11 tới
Việc doanh nghiệp đặt tên theo danh nhân sẽ bị cấm từ ngày 25-11 tới

Nội dung Thông tư cũng đề cập đến việc cấm sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược, tên những nhân vật trong lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc, bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ...

Tuy nhiên, Thông tư còn có nhiều điểm mơ hồ, chưa rõ như: Định nghĩa thế nào là danh nhân? Những ai trong lịch sử Việt Nam được coi là danh nhân? Danh nhân bị cấm có bao gồm cả danh nhân nước ngoài không? Những địa danh trong thời kỳ bị xâm lược cụ thể là nơi nào? …

PGS-TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết: “Khi soạn Bách khoa Toàn thư, cũng có nhiều tranh cãi về việc lựa chọn danh nhân để đưa vào từ điển, bởi vẫn chưa có một định nghĩa chính xác về danh nhân. Ngoài những người nổi danh trong lịch sử thì những nhân vật nổi tiếng đương đại có được coi là danh nhân không? Thông tư cần phải làm rõ được những điểm này”.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng không trả lời được câu hỏi: Những doanh nghiệp đã đặt tên rồi có phải đổi tên không? Nếu buộc phải đổi tên thì chi phí đổi tên do ai chi trả?

Thông tư gây tranh cãi

Dù vẫn chưa chính thức được áp dụng nhưng những điểm không rõ ràng trong Thông tư đã dẫn đến nhiều ý kiến không đồng thuận từ phía các nhà nghiên cứu văn hóa.

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam khẳng định, việc lấy tên danh nhân đặt cho các doanh nghiệp hoàn toàn không gây hại gì.

“Khi chưa xác định được những ai là danh nhân thì mọi doanh nghiệp đều có thể sử dụng những tên gọi đó. Thậm chí, việc sử dụng tên nước, tên địa danh cũng không có hại, đôi lúc còn có tác dụng nhắc nhở, gợi nhớ về quá khứ. Nhìn từ góc độ văn hóa, doanh nghiệp lấy tên danh nhân thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh danh nhân. Nếu cấm thì phải nói rõ lý do và như thế nào để doanh nghiệp thực hiện”, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho biết.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc đặt tên của các doanh nghiệp cần được tôn trọng: “Chúng ta nên tìm hiểu mục đích mà các doanh nghiệp lấy tên danh nhân để đặt. Về cơ bản, doanh nghiệp đều muốn tôn vinh danh nhân hoặc đặt tên theo vị trí địa lý (như Nha khoa Nguyễn Du nằm ở phố Nguyễn Du). Tôi thấy, ở cả hai trường hợp đó đều cần được tôn trọng”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cần tôn trọng việc đặt tên của doanh nghiệp
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cần tôn trọng việc đặt tên của doanh nghiệp

Ông Dương Trung Quốc cũng đồng ý rằng, trong Thông tư có rất nhiều cụm từ mơ hồ và rất khó đánh giá chính xác. Kể cả lịch sử cũng không đánh giá rõ được về những “nhân vật phản chính nghĩa, có tội với đất nước” hay những danh xưng địa lý Việt Nam trong thời kỳ bị xâm lược.

PGS.TS Phạm Văn Tình thì cho biết, trên thế giới, việc các doanh nghiệp lấy tên người nổi tiếng là khá phổ biến, cũng là cách để tôn vinh tên tuổi của những nhân vật đó với các lớp nghĩa thể hiện giá trị của sản phẩm. Theo ông, điều này còn phát huy tính tính cực ở góc độ ngôn ngữ.

Tuy vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi trong Thông tư mà Bộ VH-TT&DL ban hành nhưng thực chất, đây là những quy định được Bộ VH-TT&DL soạn thảo căn cứ theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ năm 2013 về đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, khoản 3 thuộc Điều 14 “Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp” của Nghị định đã nêu: “Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp”.

Vì thế, Bộ ban hành Thông tư mới này cũng là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ theo Nghị định từ năm 2010./.

Theo Thanh Thanh - Thu Linh/VOV.VN