.

Ấn tượng ca khúc phụ nữ Quảng Bình

Thứ Sáu, 03/10/2014, 14:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam viết về phụ nữ trong kho tàng âm nhạc của đất nước rất nhiều. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến những tác phẩm của các nhạc sĩ tỉnh ta sáng tác trong gần 50 năm qua.

Những ca khúc của các nhạc sĩ tỉnh ta viết về phụ nữ, xuất hiện đầu tiên với công chúng từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước. Tính đến nay, các nhạc sĩ của tỉnh đã có hàng chục tác phẩm ra đời, ngợi ca về người phụ nữ Quảng Bình được công chúng cả nước biết đến.

Phụ nữ Quảng Bình biểu dương lực lượng trong ngày đại lễ. Ảnh: P.V
Phụ nữ Quảng Bình biểu dương lực lượng trong ngày đại lễ. Ảnh: P.V

Những ca khúc viết về phụ nữ Quảng Bình đến với công chúng trong những ngày toàn Đảng toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, là những ca khúc của nhạc sĩ Quách Mộng Lân, mà phổ biến hơn cả là bài Đẹp sao năm gái quê ta. Những hành động dũng cảm của năm nữ anh hùng trên đất Quảng Bình đã được diễn tả một cách sôi động, gian khổ nhưng rất lạc quan. Từ "Nhật Lệ sông sâu in bóng mái chèo Mẹ Suốt"..., đến "Trên dòng sông Lũy tấm gương chị Lý kiên cường"...; từ "Chị Khíu năm con, tung lưới dẫn thuyền vượt sóng"... đến "Trương Thị Diên nữ anh hùng y tế đã lớn lên rồi cùng dòng sông Gianh. Trên khắp nẻo đường quê hương sáng soi tấm gương chị Huế, ôi đẹp sao những chuyến xe về",... Thật xứng danh "Năm đóa hoa tươi dương cao cờ Bà Triệu Bà Trưng. Trên đất Quảng Bình chị em ta nối gót"...

Quảng Bình có những con sông đã gắn liền với lịch sử anh hùng của quê hương đất nước, như sông Gianh, Nhật Lệ, Kiến Giang,... Chiến công của mẹ Suốt trên dòng sông Nhật Lệ được nhạc sĩ Hoàng Sông Hương miêu tả rất sôi động trong ca khúc Tiếng hát đò đưa:

"Đây rặng dừa soi bóng dòng sông, bên cây đa giếng nước rừng dương. Nhật Lệ hiền hoà, con đò mẹ Suốt lại, qua (ơ... hơ)". Quê hương đẹp đẽ, êm đềm là thế, mà "Giờ quân giặc Mỹ điên cuồng, ngày đêm bắn phá nhà thờ, nhà thương, phố phường, trường học, xóm làng,... nhưng không thể phá lòng dân Quảng Bình”. Giặc đến nhà, người già cũng đánh. Hình ảnh mẹ Suốt anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ lịch sử: "Mẹ rằng cứu nước mình chờ đợi ai, tay chèo mẹ Suốt sẵn sàng quyết không lỡ chuyến đò ngang diệt thù" để "Góp phần đánh Mỹ ngày nay mẹ Suốt chèo đò một lòng tiếp đạn chở quân sang"...     

Trong những ngày cả nước sục sôi đánh Mỹ, chị em phụ nữ vùng biển, tay chèo tay súng ra khơi vào lộng không quản ngại gió mưa và bom đạn của kẻ thù: "Lướt sóng ra khơi nào ta vui chài lưới, lướt sóng ta đi nào ra khơi vào lộng, biển cả mênh mông em không ngại mưa gió, cùng bạn thuyền em vây đàn cá tươi nồng"... (bài Ra khơi của Dương Viết Chiến),...

Chúng ta không thể quên được hình ảnh những cô gái Quảng Bình ngày đêm đi tiếp lương tải đạn đến chiến trường Trị Thiên ruột thịt:

"Muôn dặm xa xôi muôn lòng thương nhớ. Bao gian nguy không ngăn được lòng ta. Trị Thiên đang gọi càng nhanh bước chân cho quê hương thêm đẹp bài ca thắng lợi"... để có được "Hạt gạo này gạo thương gạo nhớ. Hạt gạo này gạo nghĩa gạo tình. Gạo Quảng Bình, gạo đánh Mỹ" gửi đến Trị Thiên "để chiến sĩ ăn no giệt thù"... (bài Gạo đến Trị Thiên của Quách Mộng Lân).

Bóng dáng chị em phụ nữ Quảng Bình "Hai giỏi" trên mặt trận sản xuất và chiến đấu còn được thể hiện khá rõ nét trong ca khúc Vinh quang thay những người chiến thắng của nhạc sĩ Quách Mộng Lân. Từ "cô thiếu nữ gánh hàng đi mọi miền thôn xóm", đến "chị dân quân súng khoác bên mình trên chiến hào chờ Mỹ vô đây". Từ "chị hộ lý giữa bom rền xông lên cứu người", đến "chị ngư dân vào lộng ra khơi nắng lên câu hò rộn vang",...    

Và, hình ảnh các cô gái vùng sơn cước hai huyện Tuyên - Minh trong hai cuộc kháng chiến, cũng được nhạc sĩ Dương Viết Chiến khắc họa khá đầy đủ trong ca khúc Vấn vương Minh Hoá quê mình: "Rằng là thương nhau tam tứ núi anh cũng trèo, ngũ lục sông anh cũng lội, thất bát đèo anh cũng qua"... và rồi họ đã cùng nhau trên một trận tuyến đánh giặc, với bao kỷ niệm sâu sắc không quên: "Qua bao ngọn núi, qua bao con đèo mà thương nhớ em ngày nào ra chiến trường cùng anh trèo qua dốc Lớ để lòng vấn vương mãi tới bây giờ",...

Ngày nay, khi nhân dân Quảng Bình đang nỗ lực thi đua kiến thiết dựng xây quê hương giàu đẹp, vai trò người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới càng được phát huy rõ rệt.

Trên lĩnh vực nông nghiệp: "Cá bạc đầy khoang để màu da anh rám hồng. Lúa vàng trĩu bông cho má hồng em tươi thắm"... (bài Tình ta biển bạc đồng xanh của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương). Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo: "Em trồng hoa thơm. Từng mầm xanh mọc lên một rừng hoa Việt Nam càng thêm rực rỡ. Bao người bón chăm. Cây súng thêm vững vàng. Bông lúa thêm trĩu hạt. Càng yêu càng quý công ơn người vun xới. Nay em là cô giáo xây đắp cho tương lai"... (bài Nay em là cô giáo của nhạc sĩ Dương Viết Chiến).

Và với trách nhiệm người cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ đảm việc nhà, giỏi việc nước, luôn đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới: "Anh ơi! Anh đừng trách em nhé! Mỗi bữa cơm chờ đợi, mỗi ngày về sum họp, mỗi đêm dài nhớ thương. Đừng trách em anh nhé! Em làm cán bộ Hội. Bao địa chỉ chờ mong. Vì bình đẳng, phát triển, giải phóng cho giới mình"... (bài Anh đừng trách em, nhạc Dương Viết Chiến, lời thơ Đặng Thị Kim Liên),...    

Cũng cần kể đến những ca khúc như các bài Phố biển tình anh, nhạc Hoàng Sông Hương, lời thơ Văn Lợi; Ngược chiều sơn cước, nhạc Dương Viết Chiến, lời thơ Mai Khoa; Đồng Hới và em của Quách Mộng Lân; Hồ xanh Phú Vinh, nhạc Thân Trọng Phúc, lời thơ Văn Tăng,... mà ở đó chúng ta đều thấy hình ảnh người phụ nữ Quảng Bình đáng yêu, đáng quý trên đất mẹ yêu thương.

Trên mảnh đất quê hương anh hùng, những ca khúc ngợi ca người phụ nữ Quảng Bình đã gây ấn tượng trong lòng người dân cả nước với những phẩm chất cao đẹp, thủy chung và nhân hậu. Chúng ta tin tưởng rằng những phẩm chất ấy sẽ trường tồn cùng những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Quảng Bình, với thời gian và với non sông đất nước.

Nhạc sĩ  Dương Viết Chiến