.

Viết cho ngày mai

Thứ Ba, 16/09/2014, 07:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Giản dị, ít nói, ánh mắt thật hiền là cảm nhận đầu tiên của nhiều người khi tiếp xúc với nhạc sĩ Quách Mộng Lân. Ông là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn học nghệ thuật Quảng Bình từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như Mười lăm năm ta đi dưới cờ, Chuyến phà đêm, Gạo đến Trị Thiên, Ánh đèn gọi cá, Cùng chung dòng máu Lạc Hồng, Dòng sông em yêu... đi sâu vào lòng công chúng yêu nhạc Quảng Bình.

Đã 75 tuổi, song hầu như trong con người nhạc sĩ, niềm đam mê dành cho âm nhạc vẫn còn rất trẻ. Ông vẫn miệt mài sáng tác và tiếp lửa niềm đam mê của mình cho thế hệ con cháu. Thực tiễn sản xuất và chiến đấu trên quê hương Quảng Bình "Hai giỏi" luôn là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời nhiều ca khúc phục vụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Quách Mộng Lân trải qua nhiều giai đoạn với các cương vị khác nhau nhưng ở hoạt động nào, cương vị nào, ông cũng luôn nỗ lực hết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hành trình hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa này bắt đầu từ tháng 5-1959, khi ông được gia nhập đội tuyên truyền lưu động thuộc Ty văn hoá Quảng Bình (tiền thân Đoàn văn công Quảng Bình sau này) và đến năm 1960, ông được cử đi học tại Trường trung cấp âm nhạc ở Hà Nội. Học xong, Quách Mộng Lân trở về công tác tại Đoàn văn công Quảng Bình, vừa làm diễn viên, nhạc công vừa sáng tác nhiều tiết mục, chương trình văn nghệ cho đoàn.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964), Quảng Bình là vùng đất phải gánh chịu rất nhiều bom đạn và cũng là địa phương được cả nước biết đến với phong trào thi đua “Hai giỏi”. Quảng thời gian ấy, Quách Mộng Lân là một trong những hạt nhân gạo cội trong phong trào sáng tác âm nhạc của Quảng Bình.

Cùng với các anh chị em trong Đoàn văn công Quảng Bình, Quách Mộng Lân đã bằng nhiệt huyết, sức trẻ mang lời ca, tiếng hát phục vụ đồng bào chiến sĩ, quân và dân trên mọi miền quê. Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, đôi chân trần của những người nghệ sĩ đã vượt qua mưa bom, bão đạn, xông pha trên mọi miền quê kể cả những nơi ác liệt nhất như Cha Lo, Mụ Giạ, Đồi 37, Ngư Thuỷ, Hòn La... để biểu diễn và thâm nhập thực tế sáng tác.

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhạc sĩ Quách Mộng Lân đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Bao trải nghiệm từ những chuyến đi được Quách Mộng Lân ấp ủ và đúc kết thành những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng từ chính cuộc sống  chiến đấu anh hùng của quân và dân trên tuyến lửa Quảng Bình. Là một nghệ sĩ- chiến sĩ trên mặt trận âm nhạc, nhạc sĩ đã kịp thời sáng tác nhiều tác phẩm có nội dung tuyên truyền, động viên, cổ vũ tinh thần cán bộ chiến sĩ và quần chúng nhân dân hăng hái thi đua lập nhiều thành tích trong chiến đấu, sản xuất. Đó là những ca khúc thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của quân dân Quảng Bình và cổ vũ phong trào thi đua "Hai giỏi".

Nhiều bản nhạc được viết dưới hầm, ngay bên hố bom, dưới những làn đạn, có khi chỉ trong một đêm là hoàn thành bài hát để đoàn văn công hát cho trận địa dân quân nghe. Các sáng tác của ông có ca từ giản dị, mang âm hưởng địa phương nên nhanh chóng được công chúng đón nhận. Cố nhạc sĩ Trần Hoàn - nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin đã đánh giá về ông như sau: “Quách Mộng Lân đã gắn bó với Đoàn văn công Quảng Bình trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và văn công Bình Trị Thiên sau ngày thống nhất đất nước. Anh là một trong những "cỗ máy" cung cấp cho toàn đoàn và cả miền Trung nhiều sáng tác cháy bỏng lòng yêu thương nhân dân, căm thù sâu sắc kẻ thù, thể hiện rõ ý chí hy sinh cho cuộc kháng chiến của nhân dân Quảng Bình...”.

Năm 1968, Quách Mộng Lân được cử đi đào tạo đại học âm nhạc ở Trường âm nhạc Việt Nam và sau khi tốt nghiệp, ông trở về quê hương đảm nhiệm công tác phụ trách đoàn ca múa Quảng Bình. Cũng trong thời kỳ này, nhạc sĩ được giao thêm nhiệm vụ tuyển chọn và huấn luyện cho một số hạt nhân văn nghệ Quảng Bình để thành lập đoàn văn công chi viện cho Trị Thiên.

Từ năm 1972-1993 là chuỗi thời gian được xem như thử thách của nhạc sĩ với việc trải qua nhiều vị trí công tác như: được cử sang Lào làm chuyên viên huấn luyện và xây dựng cho đoàn văn công tỉnh Savanakhet kết nghĩa; phụ trách chỉ đạo nghệ thuật đoàn ca múa Bình Trị Thiên; chuyển sang công tác tại Đài Phát thanh Bình Trị Thiên với cương vị Uỷ viên Ban biên tập - Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Bình Trị Thiên rồi được cử làm Bí thư Đảng uỷ Đài Phát thanh Bình Trị Thiên... 

Tháng 7-1989, khi Quảng Bình trở về địa giới cũ, từ những ngày đầu, Quách Mộng Lân đã cùng một số anh chị em Quảng Bình trở về quê hương bắt tay xây dựng Đài phát thanh tỉnh, giữ chức vụ phó giám đốc đài, phụ trách nội dung tuyên truyền và ông cũng là vị giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Quảng Bình.

Năm 1993, Quách Mộng Lân lại được giao nhiệm vụ mới là Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch), trực tiếp làm giám đốc kiêm bí thư chi bộ của Trung tâm Văn hóa thông tinh tỉnh với nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo hoạt động văn hoá, văn nghệ cơ sở. Và từ khi nghỉ hưu (1999) đến nay, Quách Mộng Lân vẫn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc ca ngợi quê hương Quảng Bình trên con đường đổi mới. Nhiều tác phẩm của ông được giải thưởng cao trong các hội diễn tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Có thể nói, đi, cảm nhận và viết là hành trình không mệt mỏi của nhạc sĩ Quách Mộng Lân. Hàng loạt ca khúc ra đời được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam như Ánh đèn gọi cá, Gửi anh một khúc đàn xuân, Hành quân đêm rừng, Mây nước sông Hương... đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu nhạc trong cả nước. Ngoài ra, Quách Mộng Lân còn có nhiều tác phẩm được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng có giá trị như Quê ta có nắng mặt trời (giải thưởng Lưu Trọng Lư lần 2), Cùng chung dòng máu Lạc Hồng (giải thưởng cuộc thi sáng tác “hiến máu nhân đạo”), ca cảnh “Anh vẫn còn sống mãi” (huy chương vàng hội diễn QK4), Quảng Bình cất cánh (giải thưởng Lưu Trọng Lư lần 4),  Quê ta in dấu chân Người (giải thưởng cuộc vận động sáng tác quảng bá theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh), Đồng Hới và em... được phát hành rộng rãi trên  sóng phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Sáng tác ca khúc về  thiếu nhi cũng là mảng đề tài mà  nhạc sĩ Quách Mộng Lân dày công thể hiện. Đó là sự ra đời của nhiều ca khúc hay như Dòng mương quê em, Dòng sông em yêu, Địa chỉ chúng tôi Nhà Thiếu Nhi Quảng Bình,  Sắc màu tuổi thơ... Bên cạnh đó, nhạc sĩ còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu lý luận phê bình về dân ca Quảng Bình, tham gia soạn lời dân ca cho học sinh bậc tiểu học, sáng tác ca khúc tuyên truyền về đề tài phòng chống HIV/AIDS...

Cần mẫn lao động và cống hiến, Quách Mộng Lân đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu thi đua và khen thưởng của các cấp, các ngành, tiêu biểu như Huy hiệu chiến sĩ “Hai Giỏi”, Huân chương kháng chiến  hạng Nhì,  Huy chương Chiến sỹ Văn hoá, Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc” và nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đặc biệt, trong năm 2014, nhạc sĩ Quách Mộng Lân vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Với nhạc sĩ Quách Mộng Lân, những tấm bằng khen và sự yêu mến, đón nhận của công chúng yêu nhạc tỉnh nhà luôn là động lực để ông tiếp tục cống hiến và viết cho ngày mai bằng những đam mê.

Nhật Văn