Mỹ thuật đình làng

Cập nhật lúc 10:14, Thứ Sáu, 19/09/2014 (GMT+7)

(QBĐT) - Đình làng là một công trình kiến trúc của cộng đồng làng xã, nơi thờ thành hoàng, vị thần trước đây được coi như có sứ mệnh bảo hộ cuộc sống của cư dân trong vùng. Đình là trung tâm văn hóa- xã hội của làng, nơi giải quyết những công việc chung, tổ chức vui chơi văn nghệ trong các dịp lễ hay hội hè... Đình làng còn là một công trình mà bản thân nó mang tính mỹ thuật cao.

 

Tính nghệ thuật thể hiện rõ nhất ở đình phải nói đến mỹ thuật điêu khắc, trang trí. Ngày xưa các hiệp thợ đã biết tận dụng tất cả các bộ phận kiến trúc, chỗ nào dễ nhìn, dễ thấy, thậm chí còn tìm cách mở rộng thêm những bình điện hợp lý để chạm thành các phiến đoạn đẹp, vui mắt với nội dung thật đa dạng, hấp dẫn. 

Vào bất cứ ngôi đình nào, ta cũng có cảm giác như bước vào một bảo tàng nho nhỏ, trong đó chứa đựng vô vàn những mảng chạm giống một bức tranh toàn cảnh, mô tả về thiên nhiên và cuộc sống dân dã của người nông dân Việt Nam từ thuở xưa.

Tại đây, trong hệ tư tưởng phong kiến, quan niệm thẩm mỹ của tầng lớp thống trị trong từng lúc, từng thời kỳ có ảnh hưởng ít nhiều đến đề tài các mảng điêu khắc, song chưa bao giờ nó lấn át được khuynh hướng dân gian vốn có tiềm năng rất lớn của quần chúng lao động thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội.

Người nông dân, ngư dân và thợ thủ công khi bước chân vào đình làng, họ lấy làm thích thú được gặp lại trên các đầu kim, đầu bẫy, các xà kẻ trên cốm, trên các vì kèo hay ván nong, ngay cả ở bộ phận cửa võng trước cung thờ, những cảnh tượng vẫn diễn ra trong cuộc sống đời thường của chính mình. Đó là đề tài: ngư, tiều, canh, mục.. gồm cảnh đi cày, đi cấy, kéo vó, chăn trâu, săn bắn, đốn gỗ, dựng nhà... không khí vui tươi, rộn rã được ưa thích và thể hiện nhiều nhất là những mảng chạm nói về vui chơi, hội hè...

Loại đề tài này được thể hiện hầu hết ở các đình làng Hòa Ninh,  Minh Lệ, Lũ Phong, Tân An, Lý Hòa... Tất cả đều chạm cảnh uống rượu, đánh cờ, chọi gà, đấu vật, chèo thuyền rồng, bơi trải. Nhiều bức chạm phản ánh tinh thần thượng võ, phi ngựa đâm giáo, luyện võ nghệ, đánh nhau với hổ...

Bên cạnh hoặc xen kẽ với những đề tài đượm màu sắc dân gian thì có những đề tài mang tính chính thống, nhưng phần nào đã được dân gian hóa như những mảng chạm Long ẩn vân (rồng cuốn trong mây) hay hình ảnh Ngư long hý thủy (rồng phun nước nối liền hạ giới)... ở đình Hòa Ninh, đình Lý Hòa. Từ thế kỷ thứ 19 về sau trong phần trang trí xuất hiện thêm bộ tứ linh gồm bốn con vật luôn đi liền với nhau là: Long, Ly, Quy, Phụng được sử dụng khá phổ biến.

Những tác phẩm chạm trổ điêu khắc là niềm kiêu hãnh của các đình làng. Số lượng nhiều nhưng lại rất ít khi trùng lặp nhau về hình thức biểu hiện; mỗi vùng, mỗi địa phương đều có nét riêng của mình nhưng phong cách chung thì nhất quán. Điểm gặp nhau của các nghệ nhân là họ được phô diễn tài năng của mình, của địa phương mình một cách đầy đủ và tương đối tự do thoải mái. Một công việc đầy hứng khởi và tự hào, do đó đường nét, mảng khối luôn bộc lộ sự phóng khoáng, bay bổng đến mức gây cho chúng ta hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Những tác phẩm điêu khắc đình làng góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa làng xã và văn hóa dân tộc. Chúng ta khâm phục và biết ơn những người thợ tài hoa hay nói đúng hơn là những nghệ sĩ vô danh bậc thầy đã cống hiến cho quê hương những thành quả nghệ thuật vô cùng quý giá.

Tiến Hành


 

,
.
.
.