.

Kỷ niệm khởi nghĩa Lam Sơn và ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi

Thứ Ba, 16/09/2014, 13:59 [GMT+7]

Sáng 15-9, (tức 22 tháng 8 âm lịch) tại di tích lịch sử, kiến trúc quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 596 năm khởi nghĩa Lam Sơn và tưởng niệm 581 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

 

Nghi thức rước kiệu phối tế.
Nghi thức rước kiệu phối tế.

Sau nghi thức rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và Trung Túc vương Lê Lai về điện Lam Kinh phối tế là lời cẩn cáo trời đất.

Kế thừa truyền thống yêu nước, thương nòi, “căm giặc nước thề không cùng sống”, đầu thế kỷ XV, Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai, dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn. Từ căn cứ địa ở vùng thượng du Thanh Hóa, nghĩa quân phát triển vào miền tây Nghệ An, mở rộng vùng giải phóng đến Tân Bình, Thuận Hóa, xây dựng hậu phương vững chắc, tạo thế và lực phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng Đông Quan, mở đường “hiếu sinh” cho giặc ngoại xâm rút tàn binh về nước. “Xã tắc từ đây vững bền” bởi vương triều Hậu Lê tiếp tục ban hành các chính sách đồng bộ phát triển đất nước sau chiến tranh, xây dựng nhà nước phong kiến thịnh trị kéo dài mấy trăm năm.

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XV đóng góp nhiều bài học, kinh nghiệm quý cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, tô thắm thêm truyền thống đạo lý “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, kiên trì thực hiện binh vận, đấu tranh ngoại giao nhằm giảm tổn thất, thương đau cho cả hai phía, tạo lập “muôn thuở nền thái bình vững chắc”.

Kế tiếp là phần hội “sân khấu hóa” dài khoảng 90 phút do hàng trăm diễn viên nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, các đội nghệ thuật không chuyên, quần chúng, đoàn nghệ thuật trò Xuân Phả biểu diễn. Nội dung kịch bản tái hiện cuộc khởi nghĩa quân Lam Sơn với những chiến thắng vang dội, buộc tướng giặc cùng tàn binh rút về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị và phát huy hào khí Lam Sơn chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước đó, nhằm ngày “hăm mốt Lê Lai”, huyện Ngọc Lặc tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm người Anh hùng liều mình cứu Chúa tại đền thờ Trung Túc vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ; TP Thanh Hóa dâng hương tưởng niệm các vị vua anh minh tại Thái miếu nhà Hậu Lê ở phường Đông Vệ.

Lễ hội Lam Kinh năm nay diễn ra trong các ngày từ 14 đến 16-9. Ngoài phần lễ trang nghiêm, tri ân các bậc hiền nhân, tiên tổ có công với nước là các hoạt động văn hóa-thể thao sôi nổi như tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc tại quần thể di tích Lam Kinh và các di tích vệ tinh.

Lễ hội Lam Kinh năm 2014 còn kết nối không gian văn hóa Lam Sơn với các miền di sản.

Theo Mai Luận (NDĐT)