.

Hai chị em-hai cố nghệ nhân ca trù

Thứ Ba, 23/09/2014, 10:03 [GMT+7]
Hai cố nghệ nhân ca trù: bà Hội và bà Hưng (áo trắng).
Hai cố nghệ nhân ca trù: bà Hội và bà Hưng (áo trắng).

(QBĐT) - Thôn Kinh Châu, xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, nằm bên bờ nam sông Gianh - con sông quê đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử.

Nơi đây nhiều người biết đến là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi từ bao đời nay còn lưu giữ được nét đẹp văn hoá dân gian xưa là ca trù với Câu lạc bộ Ca trù Phong Châu được thành lập ngày 12-2-2011 đang ngày được duy trì và phát triển. Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân ca trù tài giỏi qua nhiều thế hệ, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị ca trù ở miền quê Châu Hoá nói riêng, ca trù Việt Nam nói chung.

Nhân dịp kỷ niệm 410 năm (1604-2014) hình thành tỉnh Quảng Bình, Hội Di sản văn hoá Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định tôn vinh và vinh danh các nghệ nhân quá cố và nghệ nhân dân gian Quảng Bình tiêu biểu có nhiều đóng góp xứng đáng trong hoạt động trình diễn và trao truyền vốn ca nhạc cổ truyền dân tộc năm 2012-2013 tại các địa phương trong tỉnh lần thứ nhất.

Riêng Câu lạc bộ ca trù Phong Châu có 2 nghệ nhân dân gian đã quá cố là 2 chị em ruột được tôn vinh, đó là bà Nguyễn Thị Hội sinh 1918 (mất 1998) và bà Nguyễn Thị Hưng sinh 1925 (mất 2000); 2 người được công nhận nghệ nhân  là bà Nguyễn Thị Thanh, sinh 1931 và bà Đặng Thị Phong, sinh 1942. Trong đó bà Phong là con gái của bà Hội.

Bà Hội và bà Hưng là 2 chị em cùng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Kinh Châu, cha và mẹ đều mất sớm trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình có truyền thống cách mạng, có anh ruột Nguyễn Khôi (đã mất) là đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng; bà Nguyễn Thị Hưng còn có chồng là cán bộ lão thành cách mạng, các con đều là đảng viên cán bộ Nhà nước.

Theo các cụ cao niên trong làng và con cháu các bà kể lại, lúc sinh thời từ năm 14 tuổi, 2 bà rất yêu thích ca trù nên đã theo học hát ca trù với các cụ ở trong làng như cố Nguyễn Khư, rồi cố Nguyễn Ấp, sau này là cố Nguyễn Đình Bổng tập luyện cho các bà và mọi người trong thôn Kinh Châu rồi lưu truyền lại cho đến ngày nay.

Trong kháng chiến chống Pháp, 2 chị em luôn theo các gánh hát trong làng đi phục vụ ca trù khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt các vùng Quảng Trạch, Minh Hoá và các xã trong huyện Tuyên Hoá. Nhiều lúc còn đi hát tại Lào, hát phục vụ tại các làng xã thuộc Tổng Thuận Lệ (cũ) trong các lễ hội của làng, xã. Hoà bình lập lại họ hát phục vụ các ngày lễ lớn ở thôn xã trong các dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, hát phục vụ dân quân du kích, bộ đội, khánh thành các nhà thờ họ, đình làng, mừng thọ các cụ cao tuổi; tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh ở Đồng Hới (năm 1991) hội diễn nghệ thuật quần chúng của 2 huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá tại Ba Đồn, Minh Cầm.

Trong kháng chiến, 2 chị em vừa tham gia hát ca trù vừa tham gia hoạt động trong lực lượng dân quân du kích ở địa phương, trực chiến phục vụ kháng chiến và luôn cùng mọi người yêu thích ca trù trong làng trong xã, duy trì và bảo tồn vốn ca trù đã có từ xa xưa để phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc ...

Hai bà đã thuộc rất nhiều bài hát, thường đi biểu diễn khoảng 45 bài, trong đó lời cổ 30 bài, lời mới 15 bài với các nội dung phong phú, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, như các bài hát trước Cách mạng tháng 8 ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, của quê hương, đất nước; ghi nhớ công ơn sâu nặng của tổ tiên ông bà, cha mẹ; cầu phúc, cầu lộc, cầu tài; sau Cách mạng Tháng 8, ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ, công lao các anh hùng liệt sỹ, mừng Đảng, mừng xuân, mừng thọ...

Do say mê nghệ thuật ca trù, 2 bà đã tích cực luyện tập nên đã hát thành thạo tất cả các làn điệu, đặc biệt có 9 làn điệu thường xuyên sử dụng như: hát phú, hát nam, hát bắc, hát láy, hát kim tiền, hát luyến, hát điệu tỳ bà, hát múa sinh và múa quạt. Và cho đến bây giờ các làn điệu này vẫn còn lưu truyền ở Câu lạc bộ ca trù Phong Châu.

Nhiều người cho biết giọng hát của 2 bà rất điêu luỵện được giới chuyên môn đánh giá cao, với chất giọng ấm áp, uyển chuyển, đằm thắm, giàu âm sắc, đậm chất ca trù, có sức truyền cảm lôi cuốn người nghe. Đặc biệt giọng ngâm của 2 bà lại sâu lắng, nội dung bài hát ca trù mượt mà, đậm chất nhân văn. Ngoài ra 2 bà còn có lối sống giản dị, chân tình nên rất được nhiều người yêu mến. Hơn 60 năm đi hát ca trù, 2 chị em còn tích cực truyền dạy cho nhiều thế hệ trong vùng cũng như các vùng khác trong huyện. Nhiều hội viên của Câu lạc bộ ca trù Phong Châu hiện nay đã được 2 bà truyền dạy.

Còn bà Đặng Thị Phong lớn lên được sự giúp đỡ dìu dắt, dạy bảo của mẹ, của dì ruột và của cố Nguyễn Đình Bổng trong làng, cộng với lòng yêu mến ca trù từ nhỏ nên bà Phong đã sớm gia nhập gánh hát ca trù của làng đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh trong huyện và ngoài tỉnh. Đặc biệt năm 2001 bà cùng đội văn nghệ của xã đi tham gia biễu diễn ca trù tại Hội diễn liên hoan tiếng hát các làng văn hoá ở tỉnh và đạt giải A với tiết mục ca trù “Cách mạng mùa thu”.

Để tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của vốn văn hoá cổ, noi gương mẹ và dì, hiện nay tuy tuổi đã cao nhưng bà Phong vẫn cùng các thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Phong Châu hăng say tập luyện và truyền dạy cho các thế hệ trẻ nhằm tiếp tục lưu truyền làn điệu ca trù Việt Nam đã tồn tại trên quê hương hàng trăm năm nay mà tháng 10 năm 2009 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Hồ Duy Thiện