.

Chỗ đứng "địa phương ca"? - Kỳ 2: Đừng để lãng quên

Thứ Năm, 18/09/2014, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Tác phẩm được người nghe đón nhận đã khó nhưng neo đậu lại trong trái tim của họ trước sự mai một của thời gian càng không phải là việc dễ dàng. Nhất là giữa bộn bề những chọn lựa, bao thế hệ  nhạc sỹ quê hương vẫn đau đáu một nỗi niềm: làm sao để những ca khúc viết về Quảng Bình sống mãi trong trái tim người nghe nhạc tỉnh nhà?

>> Kỳ 1: "Quảng Bình trong câu hát"

Những khoảng trống

Trước sự ồ ạt chạy theo thị hiếu tức thời của một bộ phận giới trẻ hiện nay, không ít những nhạc sỹ đầy tâm huyết tỏ ra bi quan, lo rằng rồi đây, nếu dòng nhạc chính thống không mau chóng tỏ rõ sức mạnh thì không những không thể mang tính định hướng mà e rằng sẽ mau chóng bị lãng quên... Người lạc quan hơn thì vẫn tin rằng những gì là nghệ thuật đích thực sẽ bền bỉ sống, những gì là sản phẩm của cuộc chạy đua theo thị hiếu tầm thường sẽ còi cọc, chết yểu.

Dẫu đứng ngoài lề những “cuộc chạy đua” ấy nhưng những nhạc sỹ, tác giả của một “môi trường sáng tác lành mạnh” như Quảng Bình vẫn không tránh khỏi những trăn trở. Sự chạy theo thị hiếu nếu không xuất phát từ người viết nhạc thì cũng không thể ngăn người nghe nhạc tỉnh nhà, nhất là những người trẻ đi theo thị hiếu âm nhạc riêng của mình.

Nói về điều này, nhạc sỹ Quách Mộng Lân-người nhạc sỹ có hàng trăm bài hát viết về quê hương, con người Quảng Bình buồn lắm. Ông trăn trở: hình như thời nay, các bạn trẻ chỉ thích nhạc Hàn, nhạc thời thượng mà quên mất rằng, bên cạnh đó, những ca khúc nhạc quê hương, nhạc truyền thống vẫn có những cái hay riêng cần trân trọng. 

Một thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ có thể thuộc hàng chục bài hát nhạc thị trường nhưng mấy ai thuộc được một bài hát về quê hương, xứ sở của mình. Lượn quanh những quán cà phê dọc thành phố, đâu đâu cũng nghe những bài hát nhạc ngoại, nhạc trẻ, những ca khúc đang nổi đình, nổi đám trên các trang mạng của giới trẻ, hiếm có nơi nào mở nhạc quê hương, trữ tình. Một chủ quán cà phê thẳng thắn: “nhạc quê hương, nhạc Quảng Bình nghe thì thích đó, nhưng làm sao ngày nào cũng mở ở quán được hả em? Khách uống chủ yếu là trẻ mà trẻ thì họ không thích nghe”.

Thị hiếu của phần đông giới trẻ đang thay đổi nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều ca khúc viết về những vùng quê Quảng Bình, mà gọi nôm na là “địa phương ca” vẫn chưa thực sự đi vào lòng người nghe nhạc tỉnh nhà. Rất nhiều những ca khúc ra đời, chỉ thực sự sống trong một khoảng thời gian ngắn, rồi lẳng lặng chìm vào quên lãng. Nhiều ca khúc được sáng tác theo đơn đặt hàng thì chỉ có thể sống được ở cơ quan, đơn vị, địa phương đó.

Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đang tập ca khúc viết về Quảng Bình.
Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đang tập ca khúc viết về Quảng Bình.

Nhạc sỹ Quách Mộng Lân, người có hơn 50 ca khúc được sáng tác theo đơn đặt hàng của các công ty, đơn vị cho rằng “chẳng có anh xăng dầu nào lại đi hát ca khúc của ngành văn hóa và ngược lại. Vậy nên, viết ca khúc về một địa phương, đơn vị, đối với người nhạc sỹ thực sự rất khó khăn. Khó là làm sao có thể viết được một bài có đặc trưng của đơn vị đó nhưng cũng phải dễ nghe và dễ đi vào lòng người”.

Đôi khi, chính những tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng sẽ khiến cho cảm xúc người viết bị gò bó. Bài hát không vượt qua được khuôn khổ của sự liệt kê địa danh, nét đặc trưng của đơn vị. Vậy nên, cũng khó để đến được và lưu lại trong trí nhớ của người nghe.

Làm sao để lưu giữ?

Năm 2007, ca khúc “Hãy đi cùng tôi” của nhạc sỹ Quách Mộng Lân được giải nhất của Hội nhạc sỹ Việt Nam-một giải thưởng đáng mơ ước của nhiều thế hệ nhạc sỹ. Chất lượng ca khúc đã được khẳng định bởi giải thưởng danh giá kia, thế nhưng, vì sao đến nay, tác phẩm ấy vẫn không được nhiều người biết đến? Đó cũng là mẫu số chung của không ít ca khúc đạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn.

Trao đổi về điều này, vị nhạc sỹ đáng kính cho rằng đó là bởi chúng ta thiếu đi những kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá ca khúc. Một số sáng tác có may mắn được giới thiệu trong các chương trình “Tác giả - Tác phẩm” của Đài PT-TH tỉnh, của Báo Quảng Bình, Tạp chí Nhật Lệ... nhưng rồi sau đó, nếu không được tiếp tục quảng bá rộng rãi, người nghe nhạc cũng không biết đến sự tồn tại của nó.

Mà muốn quảng bá ca khúc, đâu chỉ đơn giản là việc của riêng người viết, mà phải là sự cộng hưởng của cả người biểu diễn, người dàn dựng và các kênh thông tin. Thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động sáng tác, biểu diễn âm nhạc của tỉnh ta đang thiếu đi những sân chơi, những kênh thông tin để giới thiệu và đưa tác phẩm đến với công chúng nghe nhạc.

Tại huyện Lệ Thủy, nhiều ca khúc sáng tác cho mảnh đất này của một số các tác giả nghiệp dư đã được in thành đĩa, phát hành về các thôn, xã, thị trấn. Với lời ca mang đậm âm hưởng hò khoan Lệ Thủy, những bài hát trở nên quen thuộc, gần gũi hơn. Những ngày lễ hội, đi đến đâu cũng nghe “Đưa em về Kiến Giang”, “Mùa lúa bên bờ Kiến Giang”, “Suối Bang”...

Nhưng kết thúc mùa lễ hội, mọi việc “đâu lại vào đấy” khi các loa phát thanh thôn, xã không còn mở lại những ca khúc ấy nữa. Đĩa CD lại được cất vào kho, mặc bụi phủ rồi mỏi mòn chờ đợi cho đến mùa lễ hội...năm sau. Ngẫm lại, tác phẩm dù hay, dù dễ rung cảm thì cũng cần phải có thời gian để được thưởng thức và được cảm nhận, từ đó mới nghĩ đến chuyện được ghi nhớ.

Tỉnh ta có Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình với phong phú các hoạt động biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Đây là lực lượng hùng hậu để quảng bá, đưa các ca khúc về quê hương Quảng Bình đến gần với người nghe. Những hội thi văn nghệ quần chúng cũng sẽ là sân chơi thú vị để ở đó, những ca khúc “cây nhà lá vườn” được vang lên, rồi được công chúng biết đến. “Mưa dầm thấm lâu”, một khi các ca khúc được quảng bá trên một phạm vi, một tần suất rộng thì dần dà sẽ neo lại trong tâm trí người yêu nhạc.

Nói như nhạc sỹ Quách Mộng Lân: “Giữa cái sáng và cái tối, nếu thắp đèn lên nhiều thì cái tối sẽ sáng dần lên rồi cuối cùng, bóng tối cũng bị đẩy lùi”. Vẫn đủ lý do để lạc quan rằng một khi còn những nhạc sỹ tâm huyết, còn những người yêu nhạc đích thực thì âm nhạc quê hương vẫn còn sức sống trường tồn.

Diệu Hương