.

Chỗ đứng "địa phương ca"? - Kỳ 1: "Quảng Bình trong câu hát"

Thứ Tư, 17/09/2014, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Bao năm chiến chinh hay khi đất nước hòa bình, Quảng Bình - mảnh đất nơi khúc ruột miền Trung thương nhớ vẫn là đề tài bất tận của thi ca và nhạc họa. Gần gũi và thân quen, những ca khúc viết về quê hương đã nhẹ nhàng tìm đến được với tâm hồn của người yêu nhạc.

Giai điệu tự hào

Người Quảng Bình, từ cụ già đến trẻ nhỏ, không ai là không biết, không thuộc từng nốt nhạc, từng ca từ của bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”. Đối với dân Quảng Bình xa quê, phiêu bạt nơi đất khách quê người, bài hát ấy càng gợi niềm tự hào, nỗi xúc động rưng rưng.

Được sáng tác từ năm 1964, phản ánh tinh thần chiến đấu và lao động hăng say trong những ngày đấu tranh chống Mỹ nhưng cho đến hôm nay, “Quảng Bình quê ta ơi” vẫn mãi là ca khúc được người dân Quảng Bình đón nhận nồng nhiệt.

Trong một lần giao lưu với lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên: “Khó khăn nhiều nhưng các cháu luôn phải học tập, luôn cố gắng, khi nào khó khăn quá thì cùng nhau hát bài “Quảng Bình quê ta ơi” để phấn chấn mà phấn đấu”. Trong 1.559 ngày Đại tướng điều trị tại Bệnh viện 108, chị em điều dưỡng viên vẫn thường lấy điện thoại mở bài hát này. Những lúc ấy, đôi mắt người con ưu tú của quê hương Quảng Bình thường ngấn lệ.

Mảnh đất và con người Quảng Bình vẫn luôn là đề tài gợi niềm rung cảm sâu sắc đối với bao thế hệ nhạc sỹ. Tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên trung của nhân dân Quảng Bình “Hai giỏi” đã hiện lên sinh động trong: “Giữ biển trời Quảng Bình Vĩnh Linh” của Xuân Giao; “Bám biển quê hương”, “Quảng Bình chiến thắng” và “Đêm trên Cha Lo” của Phạm Tuyên; “Trên biển quê hương” của Đức Minh; “Em bé Bảo Ninh”  (nhạc: Trần Hữu Pháp - Lời: thơ Nguyễn Văn Dinh); “Vinh quang thay những người chiến thắng”, “Gạo đến Trị Thiên”, “Đẹp sao năm gái quê ta” và “Chuyến phà đêm” của Quách Mộng Lân; “Tiếng hát đò đưa”, “Những con đò sông nước miền Trung” của Hoàng Sông Hương...

Đây là những tác phẩm phản ánh tinh thần lao động sản xuất, chiến đấu anh dũng của quân và dân tỉnh nhà, được Đoàn văn công Quảng Bình ngày ấy biểu diễn phục vụ khắp các làng xã của tỉnh trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.

Thời kỳ đổi mới, hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Bình vươn mình  trong khó khăn để xây dựng quê hương trở thành nguồn cảm hứng của cả những tác giả trong và ngoài tỉnh. Nói về ca khúc Quảng Bình trong quãng thời gian này không thể không nhắc đến “Đường lên Quy Đạt”, “Về Đồng Lê” và “Lời cô gái Lệ Ninh” của nhạc sỹ Trần Hoàn; “Sông Gianh chín nhịp cầu” của Phó Đức Phương; “Chuyện tình Phong Nha”, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Phố biển tình anh” của Hoàng Sông Hương; “Đưa em về Kiến Giang” của Lê Xuân Đồng...

GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí (bên phải) tại buổi giao lưu thơ nhạc của ông.
GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí (bên phải) tại buổi giao lưu thơ nhạc của ông.

Nhiều ca khúc đã nhẹ nhàng đi vào lòng người và bám rễ sâu sắc vào trái tim người yêu nhạc tỉnh nhà. Bởi họ tìm thấy trong từng ca từ mộc mạc ấy là dáng núi, là hình quê, là mênh mông biển lúa của chính mảnh đất quê hương mình.

Một môi trường sáng tác lành mạnh

Phân hội Âm nhạc, thuộc Hội VHNT Quảng Bình hiện có 34 hội viên, trong đó có 10 người là hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, hơn 100 tác phẩm đã được giới thiệu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhà. Phân hội Âm nhạc Quảng Bình đã thực sự bám sát từng sự chuyển biến và phát triển của quê hương, từ đó, cho ra đời nhiều tác phẩm phục vụ kịp thời cho nhiều sự kiện quan trọng. Với những người sáng tác nghệ thuật nói chung và sáng tác nhạc nói riêng, những đổi thay của quê hương luôn có một sức lay động mạnh mẽ, kích thích sự sáng tạo.

Không ít tác phẩm của phân hội Âm nhạc Quảng Bình đã giành nhiều giải cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn như “Tôi càng yêu đất mẹ”, “Thương lắm miền Trung” của Hoàng Sông Hương; “Nhịp cầu mong nhớ”, “Về với động Thiên Đường” của Dương Viết Chiến; “Khúc ru miền Trung” của Dương Nguyệt Ánh... Đó thực sự là niềm khích lệ sâu sắc đối với lực lượng sáng tác nhạc tỉnh nhà, nhất là trong thời điểm sáng tác âm nhạc còn nhiều chông chênh và lắm khó khăn như hiện nay.

Nói về môi trường sáng tác âm nhạc của tỉnh ta, nhạc sỹ Quách Mộng Lân nhận xét: “đó là môi trường sáng tác lành mạnh”. Bởi theo nhạc sỹ, nếu như nền âm nhạc Việt Nam đang đau đầu, trăn trở bởi không ít những người sáng tác trẻ đang chạy theo thị hiếu tức thời người nghe rồi cho ra đời những tác phẩm “mì ăn liền”, nhồm nhoàm với những ca từ nhảm nhí thì lực lượng sáng tác nhạc ở Quảng Bình vẫn là một lớp người gắn chặt đời mình với cuộc sống của quê hương.

Để rồi từ sự bám rễ sâu sắc ấy, họ đã cho ra đời nhiều sáng tác chân thành, đậm đà và nhiệt huyết. Những ca khúc viết về Quảng Bình vừa mang tính chính trị, giáo dục và tất nhiên, vừa không mất đi tính nghệ thuật cần có của mình. Đó thực sự là đứa con tinh thần được sinh ra từ chính sự rung cảm sâu sắc, chắt lọc bao tình yêu, sự trân quý chính con người và mảnh đất quê hương mình. Bởi thế, họ đứng ngoài lề những cuộc chạy đua theo thị hiếu tức thời của không ít những người sáng tác nhạc hiện nay.

Tâm tình của những đứa con xa quê

GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương, một người con của quê hương Lệ Thủy đã từng tâm sự rằng quê hương vẫn mãi là nguồn cảm hứng thi nhạc vô tận của ông. Để rồi, sau những bận rộn của cuộc sống, “nguồn cảm hứng vô tận” đã thôi thúc ông cầm bút lên và cho ra đời nhiều ca khúc viết về mảnh đất neo mình bên dòng sông Kiến.

Những nỗi nhớ quê hương trải dài theo năm tháng cứ thế bước vào sáng tác của ông tha thiết và lắng đọng. Ông bảo, ông bắt đầu sáng tác từ 3, 4 năm nay. Nhất là từ dạo người mẹ kính yêu ra đi, nỗi nhớ quê hương, bản xứ càng da diết, nghẹn ngào. “Một ngày sau khi mẹ tôi mất được gần 49 ngày, tôi trở về nhà, thắp hương lên ban thờ mẹ, không hiểu sao, nỗi nhớ mẹ, nhớ quê cứ dâng lên nghẹn ngào.

Không kìm được lòng, tôi thốt lên “mẹ ơi! Con nhớ mẹ quá”. Rồi, nước mắt thì nhạt nhòa, tay thì cầm bút viết một mạch, ca khúc “Tiếng gọi mẹ ơi” ra đời từ đó”. Cũng từ dạo ấy, hàng loạt các ca khúc viết về quê hương, mang âm hưởng của hò khoan Lệ Thủy đã ra đời như: “Về lại mái trường xưa”, “Miền quê tuổi thơ tôi”, “Thương lắm câu hò quê mẹ”, “Nhớ mùa hoa cải”...

Trong đó, ca khúc “Về lại mái trường xưa” – ca khúc ông viết tặng cho trường THPT Lệ Thủy giờ đã trở thành bài hát quen thuộc của thầy và trò nơi đây. Năm 2012, GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí đã cho ra đời album vol 1 “Mẹ và những miền quê mẹ”. Hôm điện thoại cho ông, ông phấn khởi khoe: “chú sắp ra vol 2, trong đó có nhiều bài hát về quê hương lắm đấy, đón nghe cháu nhé”. Cái chất giọng xứ Quảng nghe cứ ấm áp, thân thương lạ. 

Dạo một vòng quanh các website, diễn đàn của người Quảng Bình xa xứ, không thiếu những bài hát về quê hương được sáng tác bởi chính những người con Quảng Bình. Viết về xã Hạ Trạch có: “Về làng Hạ” lời: Cảnh Giang, nhạc: Trương Tình Báo; “Đưa em về Hạ Trạch” lời: Tạ Nghi Lễ, nhạc: Nguyễn Văn Tý; “Nơi tôi tìm về” của Lưu Quang Vinh; xã Hàm Ninh có “Hàm Ninh đất mẹ anh hùng” và “Hàm Hòa ơi!” của Nguyễn Văn Dưỡng...

Với lời nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng, những ca khúc viết về một tên đất, một vùng quê nào đó trên mảnh đất Quảng Bình chợt nghe đã thấy thân thương, gần gũi. Bởi từ trong mỗi ca từ, đã thấy thấp thoáng bóng dáng của hồn quê, của một phần ký ức mãi mãi không thể tách rời.

Diệu Hương

Kỳ 2: Đừng để lãng quên